Xã hội

Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, sẽ không có chuyện “lên ti vi mà nhận”?

03/07/2021, 08:59

Ngay trong tuần tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cho người gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

img

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Trao đổi với PV Báo Giao thông về gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng dành cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định, ngay sau khi có quyết định hướng dẫn, chính sách này sẽ nhanh chóng được thực thi…

Hỗ trợ linh hoạt, không làm khó cho địa phương

Nghị quyết 68 vừa được ban hành kèm theo gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng dành cho những đối tượng gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. So với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, theo bà, đâu là những điểm mới?

Có thể nói, Nghị quyết 68 đã ban hành khá kịp thời, với 12 nhóm chính sách hỗ trợ cụ thể, hi vọng sẽ góp phần ổn định an sinh xã hội cũng như giúp DN và NLĐ có luồng sinh khí mới thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Nếu đọc kỹ có thể thấy so với Nghị quyết 42, Nghị quyết 68 được xây dựng trên quan điểm và những nguyên tắc mới. Theo đó, ngoài nguyên tắc đảm bảo tính kịp thời, công khai, minh bạch, Nghị quyết lần này cũng đưa ra nguyên tắc hiệu quả và khả thi bằng việc yêu cầu xây dựng tiêu chí, điều kiện phải thuận lợi cho các đối tượng dễ dàng tiếp cận.

Ngoài ra còn phải có sự phân cấp để các địa phương tự cân đối nguồn lực, tình hình thực tiễn, xác định đối tượng và mức hộ trợ phù hợp. Nguyên tắc này giúp phát huy tính chủ động của các cấp các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện thực tế vừa triển khai một cách linh hoạt vừa đảm bảo các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết.

Cụ thể, những chinh sách nổi bật có thể thực hiện linh hoạt ở đây là gì thưa bà?

Đơn cử, NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trước đây phải đủ điều kiện 1 tháng trở lên thì nay ngoài mức hỗ trợ tăng hơn, còn được chia làm 2 đối tượng: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

Trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ mới được ban hành, có 7 chính sách hỗ trợ tiền mặt 1 lần cho NLĐ trực tiếp bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động do Covid-19. Dự kiến trong tuần tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương có thể bắt đầu triển khai trong thực tế.

Điều này rất sát với thực tế bởi những trường hợp phải nghỉ việc dưới 15 ngày co thể còn được hưởng tiền lương từ phía chủ sử dụng lao động nhưng từ 15 ngày trở lên khả năng rất cao sẽ không được nhận nguồn hỗ trợ nào.

Mặt khác, Nghị quyết 42 trước đây chỉ hỗ trợ cho lao động chấm dứt, hoặc tạm hoãn, nghỉ việc không lương. Điều này dẫn tới tình trạng chủ sử dụng lao động và NLĐ không thoả thuận trả lương ngừng việc. Tức là chấm dứt hợp đồng thì anh được hỗ trợ nhưng nếu vẫn duy trì công việc đó thì lại không được trả.

Do đó chính sách thứ 5 trong Nghị quyết 68 mặc dù chỉ hỗ trợ cho NLĐ ngừng việc 1 triệu đồng thôi nhưng khiến cho DN biết nghĩ cho công nhân của mình. Theo đó, NLĐ vừa có thể được trả lương ngừng việc, lại vừa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Một nội dung khác cũng thể hiện tính linh hoạt cao, đó là chính sách thứ 12 hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác. Rút kinh nghiệm từ lần trước, mỗi địa phương lại có một đối tượng lao động đặc thù. Chẳng hạn như TP.HCM có người bán vé số dạo, Đà Nẵng có lao động dịch vụ du lịch hay những nơi khác có thanh niên xung phong… Do đó, việc đưa cụm từ “đối tượng đặc thù” giúp các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày.

Điều này sẽ xoá bỏ chuyện so sánh mức hỗ trợ giữa nơi này nơi khác, đồng thời cũng không gây khó cho các địa phương khi không đủ nguồn lực hoặc không có đối tượng cần hỗ trợ.

Hay những chính sách hỗ trợ cho chủ sử dụng lao động cũng thay đổi, không còn cứng nhắc. Tiêu biểu quy định hỗ trợ cho vay lãi suất 0% trong lần này không chỉ để trả lương mà còn để khôi phục sản xuất…

img

Lao động tự do gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ không dưới 1,5 triệu đồng/lần hoặc 50 nghìn đồng/ngày

Có thể nói gói hỗ trợ lần này đã đi sát với nguyện vọng thực tế của NLĐ. Vậy còn DN thì sao thưa bà, liệu còn điều gì lăn tăn, chưa được thoả mãn?

Thực ra mong muốn nguyện vọng của DN thì rất nhiều. Cụ thể họ muốn thủ tục cho vay với lãi suất 0% phải hết sức đơn giản, thậm chí không phải làm thủ tục gì, cứ nằm trong vùng dịch là đương nhiên được hưởng; Hoặc có thêm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN trong đào tạo chuyển nghề, hay giảm miễn các loại thuế phí…

Tuy nhiên cũng cần phải cân đối giữa quy định của pháp luật với nguồn lực thực tế. Để hỗ trợ kịp thời, rõ ràng Chính phủ đã cố gắng ban hành trước những chính sách khả thi, còn những vấn đề khác cần lộ trình nghiên cứu để làm sao đảm bảo không phát sinh những hậu quả khác phải xử lý, khi đó còn phức tạp hơn so với việc không có gì.

Không còn "hàng rào điều kiện" để "chặn" đối tượng hỗ trợ

Tinh thần và mục tiêu của Nghị Quyết đã rõ, chỉ còn chờ quyết định hướng dẫn thực hiện. Liệu lần này có khả năng chính sách bị làm “rối mù” khi đi vào thực tế?

Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để triển khai thực hiện các nội dung quy theo trình tự, thủ tục rút gọn; Đồng thời, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, kịp thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình phát sinh.

Mặt khác Nghị quyết cũng giao Bộ Tài chính đảm bảo nguồn ngân sách thực hiện chính sách.

Bản chất trong Nghị quyết 68 cũng đã xác định rõ tiêu chí, rõ ràng từng đối tượng, từng mức hỗ trợ. Theo đó, nhiều nội dung có thể sẽ không nhất thiết phải quy định cụ thể hơn ở cấp quyết định triển khai.

Đáng nói thông qua nội dung Nghị quyết cũng cho thấy đã có sự lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn tại những vùng dịch khi xây dựng chính sách. Nói cách khác, ban soạn thảo đã không ngồi phòng lạnh để tự hình dung các tình huống cụ thể để rồi tự đưa ra cơ chế, thủ tuc, điều kiện để “chặn”các đối tượng tiếp cận với chính sách. Đơn cử việc hỗ trợ tiền ăn cho các F0, F1 là từ đề xuất từ Bắc Ninh

Do đó tôi tin nếu có thủ tục triển khai thì cũng sẽ đơn giản, khả thi, nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Vậy ngay từ lúc này các địa phương đã có thể hình dung công việc mà mình phải làm để nhanh chóng thực hiện khi có quyết định hướng dẫn?

Rút kinh nghiệm sâu sắc từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, trải qua 4 lần dịch, UBND các tỉnh, thành phố cũng đã có sự chủ động ứng phó, thống kê các đối tượng và xác định mức hỗ trợ để đảm bảo tình hình ổn định tại địa phương. Đáng nói Nghị quyết 68 đã có nguyên tắc phân cấp giao quyền quyết định cho các địa phương nên sẽ không có sự trông chờ, ỉ lại vào sự chỉ đạo từ cấp trên hay “vừa làm vừa nhìn nhau”. Ngoài ra còn chủ động đề xuất đưa ra các giải pháp phù hợp nếu có vướng mắc phát sinh.

Đối với người dân và DN, liệu có còn câu chuyện “lên ti vi mà nhận hỗ trợ”?

Cách truyền thông gói hỗ trợ lần thứ 2 này cũng tương đối phù hợp, không gây ra những kỳ vọng không đáng có. Hơn nữa, việc lắng nghe tiếng nói cơ sở, căn cứ nguồn lực thực tiễn, đã thể hiện sự chia sẻ khó khăn từ người làm chính sách cho tới đối thụ hưởng, để làm sao cho ra chính sách phù hợp nhất, Do đó, lần này chắc chắn sẽ không còn câu chuyện “lên ti vi mà nhận hỗ trợ”!

Cảm ơn bà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.