Nghị quyết về gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ 20 triệu người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã được Thủ tướng ký ban hành. Tiền hỗ trợ sẽ đến tay những người thụ hưởng trong tháng 4. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để ngăn chặn được những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình triển khai. Báo Giao thông trao đổi với bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Giám sát từ khâu lập danh sách tới hậu kiểm
Theo bà, gói hỗ trợ lần này có gì khác biệt so với những gói hỗ trợ mà trước đó Chính phủ đã thực hiện?
Có thể nói đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ. Đây là gói hỗ trợ an sinh xã hội rất lớn, là chính sách rất kịp thời để hỗ trợ người dân đảm bảo cuộc sống tối thiểu, doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh.
Điều này thể hiện tính nhân văn, thiết thực, thể hiện tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân. Để triển khai đưa gói hỗ trợ này đến được đúng với người được hưởng và không bị trục lợi thì các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể đang nỗ lực thực hiện kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch để người dân có thể giám sát được.
Là tổ chức được Chính phủ đề nghị thực hiện giám sát gói an sinh xã hội, T.Ư MTTQ Việt Nam đã triển khai những biện pháp gì?
Để triển khai gói hỗ trợ, Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì triển khai. MTTQ với chức năng của mình sẽ thực hiện giám sát quá trình triển khai. Hiện, T.Ư MTTQ Việt Nam đã góp ý vào dự thảo phương án phân bổ gói an sinh xã hội, đồng thời xây dựng kế hoạch hướng dẫn MTTQ các cấp giám sát gói hỗ trợ này.
Chúng tôi nhấn mạnh hai nguyên tắc: Đề cao vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền cơ sở để đảm bảo minh bạch toàn bộ hoạt động hỗ trợ. Việc giám sát sẽ được thực hiện xuyên suốt quá trình hỗ trợ, từ khâu lập danh sách, chi hỗ trợ tới khâu hậu kiểm, đảm bảo tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách.
Cụ thể, MTTQ các cấp sẽ chú trọng vào những công cụ, cách thức như thế nào để đảm bảo gói hỗ trợ đến tận tay người được thụ hưởng, thưa bà?
Quá trình triển khai các chương trình an sinh xã hội trước đây, MTTQ có nhiều kinh nghiệm. Đối với gói an sinh xã hội này, chúng tôi tập trung vào 3 yếu tố then chốt để triển khai giám sát.
Trước tiên, đó là việc huy động sự tham gia của các tổ chức thành viên MTTQ, phát huy sức mạnh của chính tổ chức đó trong hoạt động giám sát. Có 7 nhóm đối tượng sẽ được hỗ trợ được quy định trong gói an sinh xã hội, chúng tôi sẽ căn cứ vào từng nhóm đối tượng để huy động tổ chức tham gia. Ví dụ đối với nhóm “người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương” thì sẽ huy động sự vào cuộc của Liên đoàn Lao động vì chỉ có tổ chức công đoàn mới nắm rõ nhất tình hình người lao động. Tương tự, với nhóm đối tượng người nghèo cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... bởi họ mới nắm thực tế tình hình ở từng khu dân cư.
Trong quá trình giám sát hỗ trợ, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến vai trò giám sát trực tiếp của người dân. Chính người dân sẽ giám sát, thông báo cho Ban công tác mặt trận những bất cập, đối tượng được hưởng đã đúng hay chưa.
Một nguyên tắc cần được thực hiện đó là trong quá trình giám sát, các thành viên tổ công tác mặt trận phải đeo bám quá trình hỗ trợ, kịp thời phát hiện, kiến nghị những bất cập trong quá trình chi hỗ trợ.
Chú trọng vai trò giám sát của người dân
Gói hỗ trợ lần này triển khai đến cả đối tượng đặc thù là người lao động tự do, không có hợp đồng lao động. MTTQ sẽ thực hiện biện pháp gì để giám sát đảm bảo tiền hỗ trợ đến được đúng đối tượng này?
Đây là nhóm đối tượng khó xác định nhất trong tổng số 7 nhóm đối tượng hưởng hỗ trợ từ gói an sinh xã hội. Nếu không làm tốt việc rà soát sẽ dẫn tới việc bỏ lọt đối tượng được thụ hưởng, thậm chí dễ dẫn tới hiện tượng lợi dụng, trục lợi chính sách. Chính vì vậy, khi triển khai chúng tôi sẽ hướng dẫn kỹ về mục này.
Việc này cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương nơi quản lý, theo dõi dân cư. Ban công tác mặt trận phải nắm được chính xác người dân ở xóm, tổ dân phố đó làm nghề gì (bán hàng rong, xe ôm, bốc vác, bán vé số, phục vụ quán ăn, giúp việc gia đình...).
Tiếp đó, người được hỗ trợ phải có đơn đề nghị hỗ trợ gửi cho Tổ công tác để xác minh, lập danh sách, niêm yết, công khai trên hệ thống loa truyền thanh địa phương. Sau khi công bố công khai để tiếp thu ý kiến của người dân, lúc đó mới chính thức chốt danh sách hỗ trợ.
Thực tế, trong các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội trước đây đã từng xảy ra những tiêu cực, chẳng hạn như chương trình hỗ trợ vật nuôi cho nông dân thì dê, bò “đi lạc” vào nhà cán bộ; hay tiền hỗ trợ người nghèo lại đến tay người thân quan chức... Với những giải pháp đã nêu ở trên, bà có cho rằng lần này tiêu cực sẽ được ngăn chặn?
Thực tế như chúng tôi triển khai tổng rà soát người có công đã phát hiện một số đối tượng trục lợi chính sách. Có những đối tượng không hề tham gia lực lượng quân đội, thanh niên xung phong nhưng bằng cách khai gian dối, có sự tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa biến chất vẫn nằm trong danh sách người có công. Từ quá trình rà soát chúng tôi đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thu hồi lại việc hỗ trợ thậm chí đề nghị công an vào cuộc điều tra, xử lý.
Như tôi đã nói, đối với việc ngăn chặn đối tượng lợi dụng, trục lợi chính sách trong gói an sinh xã hội này, mấu chốt vẫn là phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân. Chính người dân mới nắm rõ nhất danh sách người được thụ hưởng có đúng hay không để kiến nghị với Ban công tác mặt trận, từ đó chúng tôi vào cuộc xác minh, đề nghị xử lý.
Cùng với đó, MTTQ các cấp, các đoàn thể quần chúng tăng cường giám sát, giám sát chéo để kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý các hành vi gian dối, trục lợi từ chính sách xã hội tốt đẹp này.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, sự đồng lòng giám sát của người dân, thì những đồng tiền của người dân không thể “đi lạc đường”.
Cảm ơn bà!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận