Chỉ mới giải ngân được 16,58% gói hỗ trợ thuê nhà
Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ,TB&XH) vừa có báo cáo nhanh về việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ thuê nhà (gói 6.600 tỷ đồng) cho người lao động theo Quyết định số 08.
Theo đó, tính đến 15h hôm nay (18/8/2022) đã có 60/63 tỉnh (3 tỉnh không có đối tượng cần hỗ trợ: Lai Châu, Điện Biên và Cao Bằng) có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ.
Hiện, số hồ sơ UBND cấp huyện đã tiếp nhận được là 91.179 doanh nghiệp với 3.988.560 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 2.837 tỷ đồng.
Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ là 45.798 doanh nghiệp, với 2.860.384 lao động với kinh phí hơn 1.962 tỷ đồng.
Số hồ sơ đã được giải ngân là 25.923 doanh nghiệp với 1.587.543 lao động, đạt hơn 1.094 tỷ đồng (tương đương 16,58% so với dự kiến). 60 tỉnh, thành phố đều đã giải ngân.
Chỉ mới giải ngân được 16,58% gói hỗ trợ thuê nhà so với dự kiến. Bộ LĐ,TB&XH cho rằng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao; Chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách
Trong đó, với đối tượng hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, số hồ sơ UBND cấp huyện đã tiếp nhận được là 72.834 doanh nghiệp với 3.712.386 lao động, với kinh phí hơn 2.501 tỷ đồng;
Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt là 36.578 doanh nghiệp với 2.683.949 lao động với kinh phí hơn 1.758,5 tỷ đồng. (70,3 % kinh phí đề nghị đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt).
Theo quy định, đối tượng được hỗ trợ từ gói 6.600 tỷ đồng là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp (500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng) và người lao động quay trở lại thị trường lao động (1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng) có hợp đồng lao động, đang thuê trọ từ ngày 1/2 đến 30/6/2022.
Số hồ sơ đã được giải ngân là 21.421 doanh nghiệp với 1.512.220 lao động, kinh phí hơn 1.002 tỷ đồng.
Còn với đối tường hỗ trợ là người lao động quay trở lại thị trường lao động: Số hồ sơ UBND cấp huyện đã tiếp nhận được là 18.345 người sử dụng lao động với 276.174 lao động, kinh phí hơn 336,22 tỷ đồng;
Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ là 9.220 người sử dụng lao động với 176.435 lao động, kinh phí hơn 203,5 tỷ đồng (60,53 % kinh phí đề nghị đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt);
Số hồ sơ đã được giải ngân là 4.502 doanh nghiệp với 75.323 lao động, kinh phí là hơn 92 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Bộ LĐ,TB&XH cho biết, theo kế hoạch đến ngày 15/8 đã “đóng sổ” nhận hồ sơ hỗ trợ, còn việc rải ngân sẽ được thực hiện cho đến hết ngày 30/8.
Việc giải ngân đến nay chỉ mới đạt hơn 16%, vị đại diện cho biết, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH đã đề nghị các địa phương phân công một lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách, chỉ đạo triển khai gói hỗ trợ để đảm bảo giải ngân xong trong tháng 8 này.
Ngoài ra, Bộ này sẽ tiếp tục lập các đoàn kiểm tra thực tế triển khai tại một số địa phương, định kỳ công khai danh sách địa phương làm tốt, chưa tốt để đốc thúc.
Bộ có kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các địa phương không giải ngân được theo yêu cầu?, vị đại diện cho biết, hết thời gian đó mà chưa chi hết thì phải xin ý kiến Chính phủ.
“Quy định có rồi, cơ chế chính sách có rồi, hướng dẫn có rồi, Bộ LĐ,TB&XH đã làm rồi...vướng ở đâu, vì sao cần được làm rõ”, vị này bày tỏ.
Mới 550 khách hàng được vay từ gói hỗ trợ lãi suất 2%
Tương tự, báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về kết quả thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng cho biết, đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng, với gần 550 khách hàng sau gần 3 tháng triển khai.
Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng. Theo NHNN, kết quả này vẫn còn hạn chế.
Phó Thủ tướng yêu cầu lập một số Đoàn công tác (có sự tham gia của các bộ ngành liên quan) để khảo sát tình hình thực hiện của các ngân hàng thương mại
Về nguyên nhân, NHNN cho biết, một số khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai, gồm: khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất;
Khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay do nhiều hộ sản xuất – kinh doanh không đăng ký hộ kinh doanh, nên không thuộc diện được hỗ trợ; Nguyên nhân từ phía các ngân hàng thương mại...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã giao cho NHNN ngay tuần sau phải tổ chức Hội nghị để tiếp thu ý kiến phản ánh của các ngân hàng thương mại, các bộ ngành liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp) phối hợp cử cán bộ tham dự để hướng dẫn, giải thích cho các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, sớm thành lập một số Đoàn công tác (có sự tham gia của các bộ ngành liên quan) để khảo sát tình hình thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có các biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận