Thị trường

Gói tín dụng 30.000 tỷ: “Mỡ” treo, “mèo” nhịn đói

23/04/2015, 13:05

Dù được “nới” nhiều điều kiện, nhưng đến nay, gói 30 nghìn tỷ mới giải ngân được 20,5%.

DC-428ac
Vay được tiền để mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng là rất khó

Gần hai năm trước, khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho phân khúc nhà giá rẻ được “tung” ra thị trường, người dân, doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế đã rất vui mừng, kỳ vọng.

Bởi gói 30.000 tỷ với mục tiêu dành tối đa 30% để cho vay đối với DN là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, 70% còn lại dành cho người dân sẽ không chỉ tạo lập nhà ở cho người thu nhập thấp; mà được kỳ vọng còn góp phần tiêu thụ và làm ấm thị trường bất động sản; từ đó, giải quyết vật liệu xây dựng tồn kho, tạo việc làm cho người lao động...

Sau khi gói 30.000 tỷ đồng được triển khai, các rắc rối, phức tạp về thủ tục, điều kiện vay, rồi lãi suất vay, thời hạn vay đã lần lượt được “nới” dần. Từ điều kiện ban đầu căn hộ phải dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 mới được vay ưu đãi, nay các căn hộ chỉ cần trị giá dưới 1,05 tỷ đồng là đủ điều kiện. Từ mức lãi suất 6% đã giảm còn 5%; từ thời hạn vay tối đa 10 năm giãn thêm thành 15 năm. Rồi không chỉ được vay mua nhà, người dân có thể vay xây, sửa nhà từ gói 30.000 tỷ...

Dù được “nới” nhiều điều kiện, nhưng đến nay, gói 30.000 tỷ mới giải ngân được 20,5%. Sự chậm chạp này khiến Chính phủ và các bộ, ngành chức năng hết sức sốt ruột. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này. NHNN cũng liên tục có văn bản đôn đốc các ngân hàng tích cực triển khai gói vay; đồng thời bổ sung thêm các ngân hàng, nâng số ngân hàng tham gia cho vay gói 30.000 tỷ lên con số 19.

Thế nhưng, dù cơ quan chủ quản là NHNN liên tục có văn bản đôn đốc, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần vẫn không mặn mà với gói vay này. Các khách hàng vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng, nhất là vay để xây mới, sửa nhà, đã bị nhiều ngân hàng lắc đầu từ chối vì “không biết”, “chưa triển khai”, hoặc nhấn mạnh vào sự khó khăn khi làm thủ tục vay, từ đó khéo léo “lái” khách hàng sang vay các gói tín dụng thương mại của ngân hàng.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần đăng ký tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ là để “làm hàng” chứ thực chất không mặn mà cho vay vì lợi nhuận thu về từ gói tín dụng thấp hơn nhiều so với các gói vay thương mại. Trong khi đó, ngân hàng lý giải họ phải chịu trách nhiệm về khoản vay để không rơi vào nợ xấu, do đó cho ai vay, vay như thế nào là “quyền” của các ngân hàng. Vì vậy, dù NHNN có đốc thúc, nhưng không có chế tài xử lý các ngân hàng chậm trễ cho vay, thì việc chậm trễ hoặc phớt lờ gói vay 30.000 tỷ cũng không có gì là khó hiểu.

Tới ngày 1/6/2016, tức chỉ còn hơn một năm nữa, gói tín dụng ưu đãi này sẽ hết thời hạn giải ngân. Với tốc độ giải ngân chậm chạp như hai năm qua, những người đã từng trông chờ, kỳ vọng vào gói 30.000 tỷ đồng chỉ còn biết thở dài: “Mỡ” treo đó, mà “mèo” đành nhịn đói”!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.