Những lá cờ Tổ quốc được Hồng (thứ hai từ phải qua) cùng các tình nguyện viên gấp lại cẩn thận trước khi trao tặng cho các ngư dân vùng hải đảo |
Xót xa khi những lá cờ bị bỏ đi
“… Vào mùa biển động cuối năm, không chỉ các đoàn Hải quân, mà cả các gia đình ngư dân cũng cần cờ Tổ quốc nhiều hơn gấp bội, bởi sóng to gió lớn thường làm hư hỏng cờ. Việc thay cờ phải thường xuyên hơn, đảm bảo sắc đỏ sao vàng luôn luôn hiện diện trên nóc đài chỉ huy, trên nóc thuyền, nóc nhà ngư dân, khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Vậy mà, chúng ta, sống giữa thành phố yên bình, đủ đầy, lại đang tâm vứt đi lá cờ thiêng liêng sau mỗi lần “bão” ăn mừng bóng đá. Những lá cờ vốn được nâng niu như báu vật, nay chịu cảnh nằm chung với những vỏ chai, đồ ăn, băng rôn... Những lá cờ vẫn còn nguyên, màu vẫn còn tươi, đường may vẫn còn mới... Đau rất đau... Phải làm gì đi chứ?”.
"Chương trình “Quyên góp quốc kỳ cho ngư dân hải đảo” chính thức diễn ra trong 7 ngày từ 15 - 22/12. Sau đó, những lá cờ sẽ được chuyển từ nơi tiếp nhận về địa điểm chính để đóng gói. Đến ngày 31/12, đại diện nhóm tình nguyện cùng chính quyền địa phương sẽ tổ chức tặng quà cho các hộ gia đình trên đảo Bình Hưng trước thềm năm mới 2019”. Bùi Thị Hồng |
Bùi Thị Hồng, sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã mở đầu cho ý tưởng khởi xướng chương trình “Quyên góp quốc kỳ cho ngư dân vùng hải đảo” của mình như vậy. Hồng chia sẻ, chương trình này xuất phát từ lời gợi ý của một Trạm trưởng Trạm Hải quân đóng trên đảo Bình Hưng, xã Cam Bình (TP Cam Ranh, Khánh Hoà) khi anh trực tiếp chứng kiến những lá cờ Tổ quốc thường bị rách bởi gió bão. Với mục tiêu “tích tiểu thành đại”, cô sinh viên năm nhất đã cùng các bạn có chung ý tưởng phát động chương trình quyên góp cờ Tổ quốc trao tặng cho ngư dân trên đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.
Hồng kể: “Ban đầu, đây chỉ là hoạt động của cá nhân, nên phạm vi của chương trình cũng chỉ ước tính tại Hà Nội. May mắn, ý tưởng này đã được mọi người ủng hộ và chủ động liên hệ với chúng tôi. Có rất nhiều bạn tình nguyện viên đã cùng đi “bão” ăn mừng bóng đá và chờ đến cuối buổi để vận động mọi người quyên góp. Ngoài ra, chúng tôi còn đặt các thùng nhận cờ tại một số địa điểm để mọi người chủ động bỏ vào đó. Hoặc nếu chủ nhân của lá cờ không tiện đi lại, chúng tôi sẽ trực tiếp đến thu nhận”.
Được biết, chỉ sau 3 ngày phát động, chương trình đã nhận được hàng trăm lá cờ từ các điểm thu nhận đặt tại: Hà Nội, TP HCM, Vũng Tàu, Bình Định, Nam Định… Người đại diện tại mỗi điểm thu nhận sẽ phải ký vào bản cam kết thực hiện theo đúng ý nghĩa, mục đích của chương trình. Cờ Tổ quốc lớn sẽ được trao cho các hộ ngư dân, còn các cờ nhỏ cầm tay để dành tặng cho các em học sinh mầm non. Cờ thu nhận phải còn nguyên vẹn hoặc nếu có vết bụi bẩn sẽ được các tình nguyện viên trực tiếp giặt và phơi. “Tôi hy vọng chương trình này sẽ trở thành một hoạt động thường niên qua các mùa bóng. Chỉ một hành động nhỏ thôi, hãy đưa quốc kỳ trở về đúng vị trí của nó. Nơi thừa hãy gom góp lại cho nơi cần!”, Hồng nhắn nhủ.
Có cờ là có Tổ quốc ở bên
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung úy Nguyễn Công Chung, Trạm trưởng Trạm Hải quân đảo Bình Hưng chia sẻ, khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm là mùa biển động, gió thường rất lớn. Khi lá quốc kỳ bay phần phật liên tục trong điều kiện thời tiết như vậy sẽ khiến đường chỉ bị bung, xước từng xơ vải, dần dần ăn mòn vào bên trong ngôi sao vàng 5 cánh. Vì thế, việc thay cờ phải thực hiện thường xuyên hơn.
Theo Trung úy Chung, hơn ai hết, ngư dân trân quý quốc kỳ mọi lúc, mọi nơi. Chỉ bằng lá cờ, ngư dân có thể nhận diện nhau trên mặt biển, biết được họ đến từ đâu và khẳng định được quốc tịch, chủ quyền quốc gia. Nếu thiếu lá cờ trên tàu, thuyền, họ sẽ cảm thấy mất đi một điều gì đó thiêng liêng và không thể yên tâm.
“Việc cắm cờ Tổ quốc là điều ai cũng phải làm và không thể quên. Trước mỗi lần ra khơi, các ngư dân thường tâm sự, khi có lá cờ đỏ sao vàng trên nóc thuyền thì như có cả Tổ quốc Việt Nam đang đứng ở phía sau. Họ lúc nào cũng tự hào rằng tàu của chúng tôi đến từ Việt Nam. Đây không chỉ là quy định về việc đánh bắt xa bờ mà còn là niềm tin của họ để vươn khơi, bám biển”, anh Chung cho hay.
Vị trạm trưởng cũng cho biết, ngoài cắm cờ trên thuyền, bà con vùng hải đảo thường treo cờ trên ghe nuôi hải sản, trên nóc nhà của khu vực dân cư. Cứ mỗi dịp xuân về, người dân vùng hải đảo lại dành những lá cờ Tổ quốc còn nguyên vẹn nhất để treo lên thay cho phong tục dựng cây nêu vào ngày 30 Tết. Họ quan niệm, treo lá quốc kỳ như vậy là để hướng về Tổ quốc, về những anh hùng đã hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương.
“Hoạt động quyên góp, trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân vùng hải đảo sẽ lan toả tinh thần đoàn kết, góp phần nâng cao nhận thức của bà con về lòng tự hào dân tộc và khẳng định chủ quyền biển đảo. Cùng nhau gắn bó, vượt qua những khó khăn. Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều lá cờ Tổ quốc được gửi đến những ngư dân, vì ở đây, không biết bao nhiêu cho đủ…”, anh Chung bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận