Xã hội

GPMB cao tốc Bắc - Nam: Nơi quyết tâm tận giờ G, nơi thờ ơ chờ cưỡng chế

24/03/2022, 22:06

Dù đã chạm "giờ G" mà tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương phải hoàn thành GPMB Cao tốc Bắc - Nam nhưng vẫn có địa phương... chờ cưỡng chế.

Nỗ lực đến phút cuối cùng

Tính đến sáng ngày 24/3 thì chỉ còn hơn 24h đồng hồ nữa là sẽ hết thời hạn mà tỉnh Nghệ An giao cho các địa phương: TX Hoàng Mai, Yên Thành, Diễn Châu và Hưng Nguyên. Đó là hoàn thành công tác GPMB, bàn giao toàn bộ mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cho Ban QLDA 6 - Bộ GTVT trước ngày 25/3/2022.

img

Hình ảnh Hội đồng Bồi thường GPMB TX Hoàng Mai đến từng nhà dân rà hồ sơ và đối chiếu quy định của nhà nước để tuyên truyền vận động người dân bàn giao đất cho dự án

Theo ghi nhận của PV, tại các địa phương như TX Hoàng Mai, Hưng Nguyên đang tranh thủ từng phút cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ.

Điển hình là tại TX Hoàng Mai. Hiện tại, cả thị xã chỉ còn 2 hộ ở xã Quỳnh Vinh, đã nhận tiền đền bù, nhận đất ở khu TĐC nhưng vì có người bị Covid-19 nên chưa di dời được. Dù vậy, chính quyền địa phương vẫn tích cực làm việc với Ban QLDA 6 để giải quyết mọi vướng mắc còn lại trước “giờ G”.

“2 hộ còn lại đang có người nhiễm Covid-19, nếu kết quả kiểm sức khỏe ngày mai mà âm tính thì xã sẽ vận động, đồng thời huy động các lực lượng hỗ trợ tháo dỡ ngay. Vì ở quê không có nhà trọ, nên xã đã bố trí trước phòng ở cho 2 gia đình ở Trường Mầm non xã”, ông Vũ Lê Hùng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh nói.

Được biết, Dự án đường bộ cao tốc ảnh hưởng đến 132 hộ dân của xã Quỳnh Vinh. Cho đến thời điểm thị xã bị UBND tỉnh phê bình (đầu tháng 3/2022) vẫn còn khoảng 10 hộ dân chưa chấp hành việc di dời nhà cửa, nhường đất cho dự án.

Theo tìm hiểu, sau khi bị UBND tỉnh phê bình và ra “tối hậu thư”, 2 địa phương khác và Yên Thành và Hưng Nguyên cũng rất nỗ lực. Với huyện Yên Thành, công tác GPMB Dự án cao tốc đã hoàn thành, bàn giao cho Ban QLDA 6.

img

Ngoài 17 hộ có đất nông nghiệp chưa bàn giao, ở Diễn Châu vẫn còn 13 cột điện chưa được di dời

Còn với huyện Hưng Nguyên cũng chỉ còn duy nhất 1 hộ dân ở xã Hưng Nghĩa. Ông Hoàng Anh Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: Địa phương đang ưu tiên và nhận định sẽ vận động được hộ dân này tự nguyện bàn giao mặt bằng trong ngày mai, 25/3.

Duy chỉ huyện Diễn Châu, là cơ bản vẫn chưa có gì thay đổi. Đến đầu giờ chiều ngày 24/3, vẫn còn 17 hộ dân có đất nông nghiệp chưa bàn giao mặt bằng; 13 cột điện (12 cột điện 220kv và 1 cột điện 110kv) chưa được di dời.

Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Các hộ dân này cứ đòi công trình trọng điểm quốc gia thì phải 1 lần đền bù và 5 lần hỗ trợ khác. Tuy nhiên, theo quy định của tỉnh thì mức hỗ trợ tối đa trên địa bàn Nghệ An là 2 lần. Tất cả các địa phương có dự án đi qua đều thực hiện như vậy…

Cũng theo ông Vinh: Huyện đã thành lập cả tổ công tác đặc biệt, phân công từng thành viên đi xuống tận từng các gia đình để tuyên truyền vận động… đầy đủ các thủ tục, kể cả làm việc với Tòa Giám mục…

Khi PV đặt vấn đề, chiều nay (24/3), huyện có tổ công tác nào đi tuyên truyền vận động hay không, cho PV đầu mối để xin đi theo tuyên truyền thì ông Vinh cho biết: Chắc là không, vì bây giờ đã lên phương án cưỡng chế. Huyện cũng đã xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về phương án cưỡng chế và gửi kế hoạch cho các sở, ngành liên quan phê duyệt phương án cưỡng chế.

Còn về đường điện, một số cột mới đã được chôn nhưng mấy hôm nay đang mưa nên phải tạm dừng. Dự kiến sang tuần, trời tạnh ráo sẽ cắt điện để làm tiếp

img

Quan tâm, chăm lo tới cuộc sống của người dân ở nơi ở mới là một trong những bài học mà TX Hoàng Mai rút ra được trong công tác GPMB Dự án Cao tốc nói riêng và các dự án trên địa bàn nói chung

Bài học cho các địa phương trong công tác GPMB

Sau buổi làm việc với UBND xã, anh Phạm Đắc Thưởng - cán bộ Hội đồng Bồi thường GPMB TX Hoàng Mai tranh thủ ghé kiểm tra cuộc sống người dân đang ở tạm tại Trường Mầm non xã (ở tạm trong lúc xây nhà tái định cư) và ở khu tái định cư. Theo quan sát, hầu hết các hộ dân nhận đất đã triển khai xây dựng nhà cửa. Rất nhiều ngôi nhà khang trang, hiện đại đang dần hoàn thiện… một cuộc sống mới đang hiện hữu nơi đây.

Ông Lê Bơu (SN 1958) phấn khởi kể lại: "Thời gian đầu, khi nghe cán bộ tuyên truyền về việc nhường đất gia đình cho dự án, tôi cũng băn khoăn và có ý kiến về giá đền bù khá thấp. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ thông tư tưởng, tôi quyết định nhận đất tái định cư đầu tiên nên được ưu tiên chọn vị trí đẹp nhất. Hiện phần đất đó tôi để con trai xây dựng nhà cửa và làm thêm một quán cà phê nhỏ. Sau này, con dâu và các cháu sẽ có thêm việc kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ ở nhà".

Cũng theo ông Bơu, do nhận đất đầu tiên nên gia đình ông cũng ổn định cuộc sống sớm hơn. “Về cuộc sống ở nơi ở mới thì không phải bàn nữa, hạ tầng điện, đường, nước, mạng internet đều được đầu tư rất bài bản. Nhìn vào là thấy văn minh, hiện đại hơn trước nhiều…”, ông Bơu cười nói.

Chia vui cùng người dân ở nơi ở mới, ông Thưởng cho biết: "Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân; đồng thời chi trả, đền bù đủ, đúng quyền lợi cho người dân, thị xã cũng rất quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của người dân ở nơi ở mới. Đây là một trong những kinh nghiệm để tạo nên uy tín cho thị xã và niềm tin cho nhân dân trong công tác GPMB dự án này nói riêng và các dự án khác nói chung".

img

Do ở quê không có nhà trọ nên xã Quỳnh Vinh đã trưng dụng Trường Mầm non xã để các hộ dân ở tạm trong lúc xây nhà mới

Cùng quan điểm, ông Vũ Lê Hùng - Chủ tịch UBND Quỳnh Vinh chia sẻ: "Để công tác đền bù, GPMB về đích đúng tiến độ, việc đầu tiên là người cán bộ cơ sở phải làm việc thật công bằng, dân chủ và công khai. Chỉ có công bằng, dân chủ, công khai thì người dân mới nắm được đầy đủ thông tin từ đó đồng hành cùng chính quyền, nhường đất cho dự án. Thậm chí phải tuyên truyền, vận động được người nhà của mình thực hiện trước, đi đầu. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Thứ 2, người cán bộ phải nắm thật rõ các quy định của pháp luật. Để làm được điều này, cán bộ phải đọc tài liệu thường xuyên, liên tục. Như bản thân tôi, in hẳn 2 bộ tài liệu, một để ở bàn làm việc, một ở để trong xe để lúc nào rảnh là đọc.

Điều tối kỵ nhất cho cán bộ làm công tác GPMB là không được nói bừa khi chưa nắm rõ quy định. Bởi với người dân, làm to hay làm nhỏ đều là cán bộ, đều là đại diện cho chính quyền. Nếu chúng ta nói không chuẩn thì việc đi giải thích lại cho được đã là một điều rất khó khăn, gian nan.

Ngoài ra, người cán bộ cũng phải thật thà, trung thực với người dân. Không vì mục đích trước mắt mà nói sai sự thật, sau đó lại không thực hiện được. Phải nói rõ những quyền lợi của người dân được, nhưng cũng nói rõ những trách nhiệm mà người dân phải thực hiện. Quyền lợi đi liền trách nhiệm…

Ngoài ra, trên tình hình thực tế của địa phương để có những giải pháp tạo điều kiện cho người dân như: ở quê không có nhà trọ thì bố trí trường học cho người dân ở tạm chờ xây dựng nhà ở nơi tái định cư; có quỹ đất giao thêm; đến động viên tháo dỡ, dọn chuyển nhà cửa cùng bà con…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.