Sáng 6/10, Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về công tác GPMB phục vụ Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam các đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Một góc Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nghệ An - Hà Tĩnh thuộc giai đoạn 1
Cam kết bàn giao 70% mặt bằng vào 20/11/2022
Theo báo cáo của UBND Hà Tĩnh, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh có 4 dự án thành phần, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt (thuộc giai đoạn 2017-2020) đã được huyện Đức Thọ giải phóng xong mặt bằng, nhà thầu đã thi công ước đạt 125,55 tỷ đồng (đạt 10,16%); Đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, Đoạn Vũng Áng - Bùng (giai đoạn 2021 - 2025) có tổng chiều dài 102,38 km đang GPMB. Ngoài ra còn có 3 tuyến kết nối lên cao tốc dài 12,18km.
Hiện tại các Ban QLDA đã hoàn thành, bàn giao 100% mốc GPMB. Các địa phương đã tiến hành trích đo, kiểm đếm đạt 95% khối lượng và đang tập trung áp giá, chi trả tiền bồi thường GPMB cho người dân. Các địa phương đã giải ngân được 218,63 tỷ đồng (đạt 17,41%). UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đồng ý chủ trương khảo sát các khu TĐC cho 6/6 địa phương; hiện nay 6/6 đơn vị trình thẩm định (thị xã Kỳ Anh; huyện Đức Thọ; huyện Can Lộc; huyện Cẩm Xuyên; huyện Kỳ Anh, Thạch Hà); 2 huyện (Đức Thọ, Thị xã Kỳ Anh) đã được thẩm định, phê duyệt.
Về công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình quốc phòng, hiện nay UBND các huyện, thị xã, thành phố đang chỉ đạo đơn vị tư vấn, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Điện lực Hà Tĩnh, Truyền tải điện, thực hiện công tác khảo sát, lập phương án di dời.
Ông Lê Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh, cho biết: Trong các dự án, phần đất nông nghiệp chiếm 89% khối lượng GPMB. Theo cam kết của các địa phương, tỉnh sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022, đủ điều kiện khởi công dự án và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023. Cùng đó, tỉnh đã xây dựng quy hoạch mỏ vật liệu trình Bộ. Tỉnh đã chấp thuận 56 bãi đổ thải trữ lượng 8,32 triệu m3, trong khi nhu cầu dự kiến chỉ có 8,1 triệu m3.
Ông Nguyễn Ngọc Hoạch - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh, băn khoăn: Tới đây khi triển khai thi công, chắc chắn các đơn vị sẽ tiến hành cắm mốc lộ giới, trong khi theo Nghị định 100 của Chính phủ về mốc hành lang lộ giới là phải bồi thường. Khi đó, kinh phí các địa phương khái toán sẽ tăng lên gấp đôi so với vốn bố trí GPMB hiện nay. Vì vậy, kiến nghị Bộ làm rõ hơn, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu một số vướng mắc.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Bộ giải đáp một số vướng mắc liên quan đến nguồn vốn thu hồi đất của các bãi thải, các mỏ chỉ định. Đối với đất, công trình của người dân còn lại ngoài mốc GPMB, không đủ điều kiện bồi thường nhưng người dân không thể sử dụng được nữa, có thực hiện bồi thường hay không?
Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị điều chỉnh tăng khẩu độ cống chui tại vị trí giao cắt với đường huyện ĐH.121 (Km 522+697) nhằm nâng cao khả năng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn hồ Kẻ Gỗ và phù hợp với quy hoạch vùng của huyện Cẩm Xuyên; Điều chỉnh thiết kế cầu Cày (Km 0+359,57) trên đường kết nối Ngô Quyền - ĐT.550 từ giao cắt khác mức, sang giao cắt cùng mức với đê Trung Linh và đường quy hoạch 35m ven sông Cày; điều chỉnh từ quy mô chiều rộng cầu 12m sang quy mô chiều rộng cầu tối thiểu 18m.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ giải đáp các kiến nghị, các vấn đề vướng mắc ở địa phương
Làm nhanh nhưng phải “chắc, đúng, đầy đủ”
Sau khi nghe báo cáo từ địa phương cũng như kiến nghị của các sở, ngành, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: Dự kiến tháng 12/2022, Bộ sẽ tiến hành khởi công các gói thầu cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Đây là mốc thời gian đã được ấn định.
Vì vậy, để đảm bảo tiến độ này, Bộ đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ thiết kế, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, lựa chọn chỉ định nhà thầu. Bộ đánh giá rất cao nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh trong công tác GPMB, cũng như phối hợp với các Ban QLDA, các cục, vụ chức năng của Bộ.
Đối với các mỏ vật liệu, bãi thải, Thứ trưởng Thọ đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tiến hành lập hồ sơ. Trên cơ sở hồ sơ sẽ thu hồi và bồi thường bằng tiền của dự án. Tuy nhiên, hồ sơ phải được thẩm tra, thẩm định so sánh về giá, được duyệt rồi mới bồi thường, đảm bảo nguyên tắc hiệu quả, tối ưu nhất.
Đối với phần đất, công trình trong hành lang đường cao tốc, Thứ trưởng cho biết: Hiện chúng ta đang cắm mốc theo chỉ giới đường. Chủ trương chung là giai đoạn này chỉ cắm mốc để giải phóng lấy mặt bằng thi công tuyến chính, không thu hồi đất trong phạm vi hành lang đường bộ nên chưa bồi thường. Đối với các phần đất lỡ thửa, xen kẹt không thể sử dụng, sản xuất... các địa phương tổng hợp, lập danh sách các trường hợp cụ thể. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo từ Ban chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng đặc biệt lưu ý: Đây là công trình chỉ định thầu nên công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng. Trong mọi hoạt động các địa phương phối hợp với các sở ngành, Ban QLDA, làm chặt chẽ, làm bài bản, đúng quy định và trong thời gian ngắn nhất. Hà Tĩnh đã có kinh nghiệm trong GPMB nhiều dự án, trong đó có cả Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1. Vì vậy, đề nghị các địa phương làm nhanh, nhưng phải “chắc, đúng, đầy đủ”.
Đối với các kiến nghị điều chỉnh cống chui, nút giao, bề rộng cầu, Thứ trưởng giao cho Ban QLDA Thăng Long và tư vấn xem xét, thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận