Xe công nghệ vẫn “neo” cước hơn 30.000đồng/km
Sau 5 lần điều chỉnh gần nhất, giá xăng, dầu hiện đã giảm tới hơn 20% so với cách đây hơn một tháng. Trong đó, giá xăng từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít đã giảm gần 10.000 đồng về hơn 23.000 đồng/lít và dự báo có khả năng giảm tiếp lần thứ 6.
Các hãng taxi công nghệ vẫn "neo" giá cước cao ngất ngưởng dù giá xăng dầu đã giảm liên tiếp 6 lần
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện, khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp, loạt doanh nghiệp vận tải trong đó có các hãng xe công nghệ đồng loạt tăng giá cước để bù lỗ, song đến nay, vẫn chưa có động thái giảm giá dù giá xăng, dầu đã liên tục giảm.
Ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông, khoảng 11h ngày 17/8, với cung đường 4,1km từ Nguyễn Công Hoan về Phạm Hùng, trên app Grab báo giá cước Grabcar (loại xe 4 chỗ) 97.000 đồng còn app Be báo giá cước Becar (loại xe 4 chỗ) 78.000 đồng.
Mức giá này thậm chí còn cao hơn với giá cước mà Grab đã tăng từ tháng 3/2022 (từ 20.000 đồng lên 29.000 đồng một km đối với 2km đầu tiên và từ km tiếp theo tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 đồng) để bù đắp chi phí vận hành của tài xế.
Bởi thực tế nếu áp dụng mức giá cước này thì giá cước chuyến đi trên chỉ khoảng 80.000 đồng.
Tương tự, từ 10/2/2022, Be cho biết điều chỉnh giá cước hàng loạt dịch vụ như beBike (xe ôm công nghệ), beDelivery (giao hàng), beCar (taxi công nghệ) 4 chỗ và 7 chỗ.
Trong đó, với dịch vụ beCar 4 chỗ, ứng dụng điều chỉnh tăng cước 2 km đầu tiên từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo tăng từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển tăng từ 440 đồng lên 500 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo sau 12 km cũng tăng từ 8.500 đồng lên 9.000 đồng.
Như vậy với quãng đường 4,1km trên, mức giá cước 78.000 đồng mà PV đặt lúc 11h sáng ngày 17/8 là vừa đúng theo công thức tính giá cước trên.
Thậm chí, với khung giờ lúc 14h cùng ngày, PV tiếp tục đặt xe trên 2 ứng dụng kia với quãng đường di chuyển y hệt, mức giá cước còn cao hơn, với 105.000 đồng nếu đi Grabcar và 116.000 đồng nếu đi Becar.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Be xác nhận, hiện đơn vị chưa có thông báo mới về việc điều chỉnh giá cước.
Trong khi đó, theo ghi nhận, hiện một số hãng taxi truyền thống đã có động thái giảm giá cước vận tải ngay khi giá, xăng dầu giảm liên tiếp, dao động từ 500 - 1.000 đồng/km, như Taxi Group, Thanh Nga, Vạn Xuân hay Mỹ Đình. Một số hãng khác đang gửi đề xuất giá cước lên Sở GTVT và thực hiện các bước để điều chỉnh.
Trong đó, Taxi Group vẫn là hãng có mức giá cước cao nhất dù đã giảm 1.000 đồng/km do hãng xe này tăng cước đến 2 lần trong các đợt giá xăng, dầu tăng.
Tại Hà Nội, mức giá cước mở cửa của Taxi Group là 20.000 đồng, từ Km tiếp theo đến Km thứ 25 có giá 19.600 đồng/km và từ Km 26 trở đi có giá 16.200 đồng/km.
Với mức cước này, cùng quãng đường di chuyển 4,1km, giá mà hành khách phải trả để di chuyển bằng Taxi Group là 98.000 đồng, vẫn thấp hơn nếu di chuyển bằng các hãng xe công nghệ nếu đặt vào khung giờ 14h như trên.
Thậm chí, nếu đặt xe của các hãng taxi truyền thống khác, mức chi phí sẽ còn thấp hơn.
Đa số các hành khách đều bức xúc và yêu cầu các hãng taxi công nghệ phải công bằng và sòng phẳng hơn trong việc áp giá cước vận tải
Cần công bằng với khách hàng
Chị Đào Mỹ Linh (trú tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) bức xúc, rõ ràng cước taxi công nghệ không hề có sự điều chỉnh sau 5 lần giá xăng, dầu đã giảm, thậm chí còn tăng hơn so với mức giá tăng theo công bố ở một số khung giờ.
“Điều này gây bất công với người tiêu dùng. Bởi khi giá xăng tăng, với lý do để bù đắp chi phí đã điều chỉnh cước tăng thêm, mong khách hàng đồng hành. Đến khi xăng giảm lại chậm trễ trong việc giảm tương ứng, như thế là không sòng phẳng”, chị Linh nói.
Là người thường xuyên sử dụng taxi công nghệ đưa đón con đi học, chị Phạm Kiều Hương Ly (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, giá cước taxi công nghệ linh hoạt, thay đổi theo từng khung giờ, thậm chí, còn theo từng thời điểm như giờ cao điểm, thời tiết không thuận lợi thì tăng thêm giá.
“Cước taxi công nghệ còn chẳng cần phải niêm yết giá, kiểm định đồng hồ hay in lại vé như các hãng taxi truyền thống và xe khách tuyến cố định. Vậy mà giá xăng đã giảm 5 lần liên tiếp vẫn chưa thấy các ứng dụng này điều chỉnh giá cước tương ứng. Đạo đức kinh doanh ở đâu?”, chị Ly bức xúc nói.
Đồng quan điểm, anh Phạm Đức Thắng (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Khách hàng đã đồng hành cùng các doanh nghiệp trong lúc giá xăng, dầu tăng, chịu mức phí di chuyển cao thì khi giá xăng, dầu giảm, doanh nghiệp cũng cần giảm giá cước tương ứng. Như thế mới công bằng và sòng phẳng.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu điều chỉnh giá cước vận tải
Trước việc giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và địa phương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Cụ thể, Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp của Chính phủ và theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, Bộ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư (Tổng cục Thống kê) tính toán, tổ chức triển khai rà soát để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng thị trường theo đúng quy định.
Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời; kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận