Các lái xe Grab với những băng rôn khẩu hiệu "Grab thu thuế VAT bất hợp lý". Ảnh: Thành Đạt/TTXVN.
Cơ quan thuế nói một đằng, Grab nói một nẻo
Xung quanh câu chuyện Grab tăng giá cước trong ngày Nghị định 126 quy định về nghĩa vụ khai thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hoạt động hợp tác kinh doanh vận tải ứng dụng nền tảng công nghệ có hiệu lực, đang gây nhiều tranh cãi.
Trong đó, Grab lý giải, việc tăng giá cước để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi tăng nghĩa vụ thuế VAT lên mức 10%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ “ăn chia” vẫn đảm bảo tài xế hưởng 80% và Grab 20% như trước sau khi trừ các loại phí thuế, còn phần chênh là thu hộ thuế VAT để nộp cho nhà nước.
Ngược lại, phía Tổng cục Thuế lý giải, nghị định 126 không làm tăng giá cước vận tải cũng như mức thuế đối với tài xế. Do vậy, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.
Dù hai bên đã có buổi làm việc với nhau vào chiều hôm qua (9/12) để làm rõ các vấn đề, tuy nhiên, phía Tổng cục Thuế khẳng định, đại diện của Grab chưa thông tin rõ cho cơ quan thuế về việc tăng giá và tăng mức chiết khấu đối với tài xế là do ảnh hưởng của Nghị định 126.
Trong khi, Grab cho rằng, cách giải thích của Tổng cục Thuế về việc Grab phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ nộp thuế với tư cách là người nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế là không phù hợp với Luật Thuế GTGT.
Quyết định tăng giá và chiết khấu từ phía công ty Grab cũng không nhận được sự ủng hộ của các tài xế khi hàng trăm tài xế GrabBike đã phản ứng gay gắt bằng cách tắt ứng dụng từ sáng đến chiều 7/12 và tiếp tục tổ chức căng băng rôn diễu hành ở các thành phố lớn như TP. Hà Nội và TP. HCM để phản đối trong những ngày qua…
Tài xế phải được khấu trừ thuế?
Từ 5/12, Grab nâng tỷ lệ chiết khấu tài xế Grab Car từ 28,3% lên 32,8% (bao gồm phí ứng dụng + VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%; Với GrabBike, tăng từ 20% lên 27,2%.
Cho rằng nguyên nhân nằm ở sự chưa rõ ràng trong Nghị định 126 khi chưa đưa ra cách khấu trừ chính xác nhất, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định: “Thuế VAT chỉ có ý nghĩa khi nó được khấu trừ, tức chỉ áp trên phần gia tăng, chứ cứ đánh tổng cục như này thì khác gì đè ra cạo nhổ vặt trụi lông măng, lông ngỗng lẫn lông tơ”.
Theo Luật sư Đức, phía cơ quan thuế phải nghĩ 1 tỷ lệ khẩu trừ. Vì nếu không thể xác định được khấu trừ, sẽ dẫn tới tình trạng đánh thuế VAT như đánh thuế doanh thu. Ví dụ, trong mua bán vàng, nếu đánh thuế VAT trên doanh số thì cả thị trường sẽ sập. Chính vì thế, cần có những hướng dẫn khác về Nghị định này.
Phân tích cụ thể trong trường hợp của các tài xế Grab, ông Đức cho rằng, họ là người phải bỏ phương tiện, trả tiền xăng xe, bỏ công sức trên mỗi cuốc xe, trong khi công ty Grab chi phí vận hành không nhiều.
“Do đó, nếu vẫn đánh thuế 10% tổng cuốc xe mà không có các khoản khấu trừ thì thuế này không còn là VAT nữa mà nó giống thuế doanh thu.
Và rõ ràng, người bị tác động nhiều nhất là những người nghèo, những người phải bỏ công sức lao động để kiếm đồng tiền. Tức là, tưởng là “đánh công ty”, nhưng thực ra là “múc vào nồi cháo” của cần lao”, vị này nói.
Đưa ra cách giải quyết vấn đề, ông Đức góp ý: “Nếu nhà nước vẫn áp dụng mức thuế này, cần có khấu trừ xăng xe và các khoản chi phí khác cho tài xế. Trái lại, nếu không thể xác định các khoản chi phí này bằng sổ sách, chứng từ thì có thể khoán phần trăm, giống như mức khấu trừ 11 triệu, người phụ thuộc giảm trừ 4,5 triệu của thuế thu nhập”.
Luật sư Đức cũng cho rằng, trước những bất cập hiện tại khi khó khăn bởi tác động của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, có thể cho lùi thời gian áp dụng. Hoặc nếu vẫn tiếp tục triển khai thì cần có quy định truy thu.
Grab đang đẩy hết trách nhiệm cho tài xế?
Trao đổi với PV Báo Giao thông về những băn khoăn trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, trong việc thực thi Nghị định 126 đối với nghĩa vụ thuế VAT 10%, các tổ chức nào có “đầu vào” cũng được khấu trừ và Grab cũng không ngoại lệ.
Hơn nữa chính sách thuế cũng không hạn chế các chi phí đầu vào, chỉ cần có hóa đơn chứng từ hợp lý sẽ được khấu trừ theo quy định.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là mối quan hệ giữa công ty Grab và người lao động (tài xế - PV). “Hiện tại, cách họ làm đang đẩy hết trách nhiệm cho người lái xe (tài xế) khi tất cả phương tiện, xăng xe, khấu hao đều do tài xế phải chịu”, ông Minh nói.
Đưa ra hướng giải quyết, vị này cho rằng: “Bây giờ Grab phải điều chỉnh lại hợp đồng với lái xe về trách nhiệm sử dụng xe cá nhân của chính họ và tiền xăng dùng di chuyển. Họ có thể hoàn toàn làm được trong cơ chế thị trường hiện tại. Chẳng hạn, như cây xăng đó là của họ (của công ty Grab - PV)”.
“Tóm lại, việc bây giờ là phải có cơ chế hợp tác, thỏa thuận, thống nhất lại giữa công ty Grab và tài xế để đưa chi phí đầu vào đúng với quy định được khấu trừ”, ông Minh nhấn mạnh.
Tổng cục Thuế khẳng định, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân lái xe (lái xe chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế giá trị gia tăng 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận