Ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội
Muốn hoạt động ở tỉnh, thành nào, Grab phải được cơ quan chức năng sở tại cấp phép. Tuy nhiên, ngoài Sở GTVT TP HCM đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho DN này, Grab đang hoạt động chui ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Đây là khẳng định của ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông.
Theo Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như Grab đang quyết định giá cước, điều phương tiện nên muốn hoạt động Grab phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải?
Nghị định 10 có hiệu lực từ ngày 1/4/2020 quy định, những đơn vị cung ứng phần mềm kết nối vận tải quyết định giá cước vận tải hoặc trực tiếp điều phương tiện, nếu muốn hoạt động phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Do đó, Grab muốn hoạt động tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam phải được Sở GTVT địa phương đó cấp giấy phép kinh doanh vận tải.
Đang tổ chức hoạt động vận tải tại Hà Nội với thị phần khá lớn, vậy Grab đã được Sở GTVT Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh vận tải chưa, thưa ông?
Đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT Hà Nội chưa cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho Grab. Để được hoạt động hợp pháp tại Hà Nội, đầu tiên DN này phải đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải với Sở KH&ĐT Hà Nội.
Sau đó, Grab phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Nghị định 10, đó là thành lập DN, tuyển dụng lái xe, mua sắm phương tiện, bố trí người quản lý điều hành vận tải, điểm đỗ xe, thiết lập quy trình quản lý ATGT...
Sau khi hoàn thành các điều kiện trên, Grab mới có thể làm hồ sơ đề nghị Sở GTVT Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Chỉ khi nào có giấy phép này, Grab mới được quyền hoạt động kinh doanh vận tải.
Grab muốn hoạt động ở các tỉnh, thành phải được cơ quan chức năng sở tại cấp phép. Ảnh: Tạ Hải
Thực chất hoạt động của Grab là đơn vị kinh doanh vận tải, vậy theo quy định tại Nghị định 10, việc doanh nghiệp này không đăng ký chi nhánh tại địa bàn hoạt động thì xử lý thế nào?
Tại TP Hà Nội, Công ty TNHH Grab không có chi nhánh hoạt động, chỉ thành lập Văn phòng đại diện, có địa chỉ tại Tòa nhà Kim Ánh, ngõ 78 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy.
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã làm việc với đại diện Văn phòng này và được cho biết Văn phòng hoạt động theo ủy quyền của Công ty TNHH Grab, có trụ sở chính tại TP HCM; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở KH&ĐT TP HCM cấp ngày 14/2/2014. Văn phòng đại diện Công ty TNHH Grab tại Hà Nội không thực hiện các hoạt động sinh lời, phát sinh doanh thu.
Qua kiểm tra, các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn Hà Nội đã trực tiếp ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Grab có trụ sở tại TP HCM. Công ty này đã được Sở GTVT TP HCM cấp giấy phép kinh doanh vận tải, do đó sẽ chịu sự giám sát quản lý của cơ quan chức năng trên địa bàn TP HCM (cơ quan quản lý về GTVT, Thuế, Tài chính, LĐ-TB&XH…).
Để làm rõ được bản chất Grab đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội với danh nghĩa là đơn vị vận tải hay đơn vị cung ứng phần mềm phụ thuộc vào việc kiểm tra, giám sát của các ngành trên địa bàn như Thuế, Tài chính, LĐ-TB&XH, Công an và GTVT theo từng lĩnh vực được giao quản lý.
Trường hợp phát hiện vi phạm, liên ngành sẽ phối hợp để xử lý theo thẩm quyền và đề nghị Sở GTVT TP HCM (đơn vị cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho Grab) xử lý theo quy định.
Có nghĩa là dù hoạt động trên địa bàn Hà Nội nhưng ngành chức năng Hà Nội không thể xử lý hành vi lách luật của Grab?
TP Hà Nội luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, muốn quản lý chặt chẽ loại hình vận tải ứng dụng công nghệ phải dùng chính công nghệ, chứ không thể áp dụng cách thủ công như hiện nay, trong khi số lượng phương tiện tham gia loại hình kinh doanh vận tải này ngày càng nhiều.
Hiện nay, các Sở GTVT chỉ quản lý phương tiện kinh doanh vận tải thông qua hệ thống dữ liệu giám sát hành trình (GPS) của Tổng cục Đường bộ VN. Dữ liệu này chỉ quản lý được hành trình phương tiện (tra cứu thủ công), vận tốc, thời gian lái xe (có tra cứu dữ liệu tổng hợp).
Việc quản lý xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ theo hợp đồng đòi hỏi phải cung cấp các thông tin về: Phương tiện, hợp đồng vận chuyển (hợp đồng giấy, hợp đồng điện tử), hóa đơn điện tử; việc thực hiện các nghĩa vụ thuế, BHXH, BHYT…
Do vậy, Bộ GTVT cần nghiên cứu, hoàn thiện dữ liệu giám sát hành trình GPS đảm bảo đáp ứng các điều kiện quản lý đã quy định tại Nghị định 10 và Thông tư 12.
Dữ liệu phần mềm phải được kết nối với dữ liệu quản lý của các ngành chức năng như GTVT - Thuế - Tài chính - Lao động Thương binh và Xã hội - Công an… Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, thống nhất các quy định quản lý giữa các ngành để đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải tham gia ứng dụng công nghệ.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận