Uber cho biết, sẽ hoàn tất việc thanh toán cho các tài xế trước khi tiến hành sáp nhập |
Tài xế Uber lo bán xe trả nợ ngân hàng
Ngày 26/3, Grab Việt Nam phát đi thông cáo cho hay, đã chính thức thâu tóm Uber ở khu vực Đông Nam Á. Ngay trong buổi sáng cùng ngày, các tài xế Uber cũng nhận được thông báo họ sẽ được chuyển sang hoạt động với ứng dụng Grab kể từ ngày 8/4. Trong thông báo gửi đến các đối tác tài xế, Uber cho hay: “Ứng dụng Uber dành cho tài xế sẽ tiếp tục hoạt động tại Đông Nam Á trong vòng 2 tuần nữa trước khi ngừng hoạt động. Nếu bạn muốn gia nhập đội ngũ Grab hãy đăng ký ngay với chúng tôi”.
Chiều 27/3, trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, ở góc độ taxi công nghệ, khi Grab thâu tóm Uber sẽ thống lĩnh thị trường. Trước đây, còn có hai doanh nghiệp nhưng nay chỉ còn mình Grab sẽ xảy ra tình trạng độc quyền. Việc độc quyền sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy, khách hàng không có sự lựa chọn. Lúc còn Uber, người dân có sự lựa chọn, so sánh giữa Uber và Grab, nhưng nay chỉ có mình Grab, hành khách muốn sử dụng taxi công nghệ phải chấp nhận giá do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra.
Đối với người lao động là lái xe của Grab tại Việt Nam họ chỉ có sự lựa chọn duy nhất. Tại Việt Nam, Uber, Grab bản chất không còn là kinh tế chia sẻ, đa số lái xe của Uber và Grab đầu tư mua xe để kinh doanh. Nhiều người trong số này phải vay tiền ngân hàng mua xe. Giả sử trong trường hợp họ vi phạm các điều kiện hoạt động của Grab, tài khoản sẽ bị khóa mà không thể chuyển sang ứng dụng Uber và sẽ mất nghề mưu sinh.
“Khi thị trường có sự độc quyền gây bất lợi cho người tiêu dùng, người lao động, Nhà nước cần có cơ chế, chế tài để điều chỉnh”, ông Long nói.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, không nên quá lo lắng về Grab sẽ độc quyền. Một số doanh nghiệp taxi truyền thống như: Mai Linh, Vinasun, Thành Công cũng đã xây dựng phần mềm để cạnh tranh lại với Grab. Vấn đề là các doanh nghiệp cần xây dựng một phần mềm đủ mạnh để có thể cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng lo ngại, gần đây tại Ấn Độ hàng vạn tài xế điêu đứng vì Uber. Tương tự như tại Việt Nam, các tài xế của Ấn Độ cũng đầu tư mua xe ô tô kinh doanh. Khi Uber tăng tỷ lệ chiết khấu đẩy lái xe vào nguy cơ phá sản, dẫn đến biểu tình, đình công, gây bất ổn xã hội. Tình trạng này nguy cơ cũng sẽ xảy ra tại Việt Nam khi Grab thâu tóm Uber.
Anh Khúc Du (Hà Nội), lái xe Uber bày tỏ lo lắng, khi Uber về cùng một nhà với Grab, rất có thể khả năng cắt “phế” sẽ tăng lên 30-35% trong nay mai, khi đó chả còn chuyện dọa chuyển Uber nữa. “Chẳng may vi phạm mà bị Grab khóa tài khoản, coi như xác định bán xe trả nợ ngân hàng”, anh Du bày tỏ.
Sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý quản taxi công nghệ
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, với điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện kinh doanh là công khai, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể gia nhập thị trường. Cơ quan quản lý nhà nước không cấm đơn vị nào. Theo bà Hiền, quan điểm nhất quán của các cơ quan quản lý nhà nước là có giải pháp quản lý để phát huy được ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các loại hình kinh doanh vận tải.
“Dự thảo Nghị định 86 đã đưa ra các quy định để quản lý toàn bộ các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải có ứng dụng phần mềm nói chung, không phải quản lý đơn vị xây dựng phần mềm quản lý vận tải”, bà Hiền nói.
Cũng theo bà Hiền, hiện vẫn còn những tranh cãi về việc định danh, định dạng quản lý taxi công nghệ. “Dự thảo Nghị định 86 đã đưa ra định nghĩa về kinh doanh vận tải để từ đây chiếu vào đối tượng nào kinh doanh vận tải hay không. Dự thảo cũng đưa ra nội dung quản lý đối với taxi công nghệ và xe hợp đồng có ứng dụng phần mềm kết nối. Hai nội dung trên được quy định khá chặt chẽ trong dự thảo nghị định trên tinh thần phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, không cản trở ứng dụng hoạt động này”, bà Hiền nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận