Theo Quyết định 24 trước đây của Bộ GTVT về thí điểm kết nối vận tải khách theo hợp đồng, Grab đăng ký chỉ đơn thuần là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thí điểm hoạt động của Grab, các nhà quản lý, chuyên gia và người dân đã thấy rõ bản chất hoạt động của Grab và các nền tảng kết nối khác đã thực sự tham gia những công đoạn chính là trực tiếp điều hành và quyết định giá cước.
Câu hỏi các ứng dụng gọi xe như Grab, be... là doanh nghiệp vận tải hay chỉ là một nền tảng kết nối đóng vai trò trung gian kết nối người dùng với các đơn vị kinh doanh vận tải, cho đến thời điểm khi Nghị định 10/2020 ban hành đã được ngã ngũ.
Theo đó, thực tiễn hoạt động đã được tổng kết tại định nghĩa trong Nghị định 10 đã định nghĩa rõ ràng về kinh doanh vận tải: Kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải như trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường nhằm mục đích sinh lợi.
Grab luôn phủ nhận mình quyết định giá cước, vậy trong mối quan hệ Grab và khách hàng thì ai là người quyết định giá cước?
Nếu Grab không quyết định giá cước thì phải là bên vận tải quyết định giá cước cho quãng đường di chuyển. Thực tế, hợp tác xã vận tải chỉ là bình phong, không điều hành lái xe, không quyết định giá cước, chỉ có mỗi một việc là bán phù hiệu.
Grab không đơn thuần là đơn vị cung ứng phần mềm, bởi nếu chỉ đơn thuần cung cấp phần mềm thì Grab chỉ bán phần mềm cho bên vận tải là xong, không được quyết định giá cước, không được điều hành lái xe.
Toàn bộ quá trình vận tải từ quyết định giá cước, đến điều hành tài xế đều do Grab thực hiện thông qua phần mềm của Grab.
Khi hành khách đặt trên App (ứng dụng) của Grab đã hiển thị số tiền cho quãng đường và thời gian di chuyển. Khách hàng trả số tiền được hiển thị trên ứng dụng của Grab chứ không phải thương lượng với tài xế.
App của Grab hiển thị từ vị trí A đến vị trí B hết bao nhiêu tiền và nhiệm vụ của lái xe là thu tiền hoặc khách hàng thanh toán bằng thẻ qua ứng dụng của Grab. Giá cước giờ cao điểm hay thấp điểm đều do Grab quyết định, thậm chí khách hàng hủy chuyến cũng bị Grab trừ tiền.
Dịch vụ vận tải gồm nhiều công đoạn như tìm kiếm khách hàng, kết nối giữa khách hàng với người làm vận tải, định giá vận tải, thỏa thuận, vận chuyển, thanh toán.
Các ứng dụng gọi xe chỉ mua công đoạn vận chuyển, còn việc công bố dịch vụ, tên sản phẩm, điều hành sản phẩm, đến thỏa thuận, thanh toán đều do họ thực hiện.
“Giấy trắng mực đen” đã rõ ràng, không cần tranh cãi. Không phải ngẫu nhiên TAND TP HCM đã phán quyết Grab đang điều hành lái xe, quyết định giá cước vận tải.
Khách hàng mua dịch vụ là mua dưới thương hiệu của Grab và các ứng dụng gọi xe chứ không phải là của bên vận tải. Các nền tảng kết nối như Grab, be, Goviet... đang điều hành và định giá cước vận tải đúng theo định nghĩa tại Nghị định 10. Vì vậy, Grab không thừa nhận mình là DN kinh doanh vận tải để thu phí nền tảng 2.000 đồng của khách hàng là vô lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận