Thời sự Quốc tế

G.S. Hà Tôn Vinh: Ông Trump đang “tính toán” thời điểm đạt thỏa thuận

01/03/2019, 08:47

G.S. Augustine Hà Tôn Vinh, Chuyên gia kinh tế đối ngoại nhận định, “Việt Nam đã làm rất tốt công tác tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều”.

img
GS. Augustine Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế đối ngoại

Trả lời phỏng vấn Báo Giao thông sau khi có kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, GS. Augustine Hà Tôn Vinh thể hiện sự lạc quan và niềm tin rằng, bước tiến đáng kể giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ đạt được trong một tương lai không xa, sau cuộc gặp tại Việt Nam.

GS. Augustine Hà Tôn Vinh là chuyên gia kinh tế đối ngoại, người sống gần 50 năm tại Mỹ, thành viên đảng Cộng hòa Mỹ và đã có 4 năm hoạt động ở Nhà Trắng. Ông đã hai lần gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và cũng là người hiểu rõ về chính trị của nước Mỹ cũng như đảng Cộng Hòa của ông Trump.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên lần thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam vừa khép lại với kết quả khá bất ngờ đối với nhiều nhà quan sát. Ông có nhận xét gì về kết quả này, khi hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un chưa đưa ra được tuyên bố chung?

Theo nhận định của tôi, tất cả các cam kết Mỹ và Triều Tiên muốn đi tới là rõ ràng, bao gồm chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-53), dỡ bỏ cấm vận Triều Tiên, phi hạt nhân hóa. Các mục tiêu này là rõ rệt và cả hai bên cùng muốn thực hiện. Tuy nhiên, khi đi vào đàm thảo chi tiết, thì bao giờ cũng vậy, kết quả đàm phán phụ thuộc vào việc đòi hỏi hai bên có phù hợp nhau hay không.

Có thể quan điểm của hai bên không hợp hôm nay, có thể phải thêm một lần thượng đỉnh hay hai lần nữa, nhưng theo tôi, trước sau gì thì thỏa thuận hướng tới việc đáp ứng các mục tiêu Mỹ và Triều Tiên mong muốn nêu trên sẽ xảy tới. Có thể là trong năm 2020, hoặc sớm hơn vào cuối năm 2019.

Tại vì sao? Bởi vì năm 2020 là năm bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo. Và nếu ông Donald Trump là “một người làm ăn và tính toán”, thì nhà lãnh đạo này có thể sẽ tìm cách để đạt được thỏa thuận tích cực với Triều Tiên vào thời điểm đầu năm hoặc giữa năm 2020, khi mà mối quan hệ cũng như các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên “đủ chín”.

Khi đó, việc ký thỏa thuận với Triều Tiên sẽ giúp ích cho uy tín của ông Trump trong chính trường Mỹ và cơ hội thắng cử tổng thống Mỹ năm 2020 của ông Trump và cho đảng Cộng hòa sẽ tốt hơn.

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại họp báo chiều ngày 28/2

Việc đàm phán với Triều Tiên lần này có tác động gì đối với chính trường nước Mỹ, thưa ông?

Đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ luôn luôn đối kháng nhau, điều này đã được thấy rõ nét trong nhiều sự kiện chính trị. Trước khi tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2, đảng Dân chủ cho rằng, ông Trump sẽ dễ dàng nhượng bộ Triều Tiên để đạt được đòn bẩy chính trị hay chiến thắng chính trị nào đó.

Và qua kết quả thượng đỉnh lần này, ông Trump đã chứng minh cho đảng Dân chủ và người dân Mỹ thấy rằng, nhà lãnh đạo này phải bảo vệ các quyền lợi Mỹ, bằng việc, không dễ dàng từ bỏ các biện pháp cấm vận, nếu Triều Tiên không đáp ứng các điều kiện Mỹ. Qua đó, ông Trump cho thấy ông không dễ dàng ký kết bất kỳ nhượng bộ nào quá sớm.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 28/2, Tổng thống Trump nói muốn dỡ bỏ các biện pháp cấm vận hà khắc đối với Triều Tiên. Là một người của đảng Cộng hòa Mỹ, ông có nhận xét gì?

Ông Trump và ông Kim đã nói với nhau nhiều lần rằng họ mong muốn và họ có quyết tâm để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đi đến dỡ bỏ cấm vận, cũng như Chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-53).

mong muốn và cam kết là rõ ràng rồi. Còn các cuộc đàm phán là đi đến chi tiết để làm rõ những điều mà các mong muốn nêu trên đòi hỏi. Bởi vì, hai bên Mỹ và Triều Tiên là thù địch của nhau nhiều năm, nên cả hai bên không thể nào dễ dàng đi đến “nhượng bộ” hoặc có một cuộc đàm phán “quá mau lẹ” được.

img
Ông Trump và ông Kim Jong-un đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 tại Hà Nội. Ảnh: AFP

Ông có đánh giá thế nào về công tác tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 của Việt Nam?

Việt Nam đã làm rất tốt công tác tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Đầu tiên, để Hoa Kỳ và Triều Tiên cùng chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần này đã là một thành công lớn, cho thấy sự chủ động của chính phủ Việt Nam trong việc góp phần các nỗ lực hòa bình trong khu vực và thế giới. Qua đây, quốc tế cũng nhìn nhận thấy Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, trung lập, xứng đáng và đủ điều kiện để tổ chức các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.

Việt Nam có nên đăng cai làm chủ nhà của các hội nghị tiếp theo?

Có chứ! Tại sao không? Việt Nam đã tổ chức thành công tốt đẹp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần này, mọi sự rất tốt đẹp, từ công tác tổ chức hậu cần, an ninh đảm bảo chặt chẽ. Vậy Việt Nam có đủ khả năng để tổ chức các sự kiện như thế này. Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy ở nhiều khía cạnh, kinh tế đang phát triển tốt, hòa bình, tổ chức thành công nhiều hội nghị thượng đỉnh, như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần này.

Còn cơ hội có đến hay không và các nước có muốn Việt Nam tổ chức thượng đỉnh tiếp theo nữa hay không là một chuyện khác.

Việc Mỹ và Triều Tiên có tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo hay không, còn chờ ở quyết sách của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un. Có thể chiến lược của ông Trump là chờ tới năm 2020, gần tới kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, thì nhà lãnh đạo này có thể sẽ ký kết thỏa thuận với Triều Tiên. Điều này sẽ rất có lợi cho sự nghiệp chính trị của ông Trump. Do vậy, tôi thấy việc chưa có tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh lần này không có gì đáng ngại.

img
GS. Augustine Hà Tôn Vinh đã sống gần 50 năm tại Mỹ, thành viên đảng Cộng hòa Mỹ và có 4 năm hoạt động ở Nhà Trắng. Ông đã hai lần gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và là người hiểu rõ về chính trị của nước Mỹ cũng như đảng Cộng Hòa của ông Trump

Còn khả năng sau này Mỹ- Triều sẽ đưa ra Tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên?

Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) mới chỉ kết thúc với thỏa thuận đình chiến, chứ chưa phải một Hiệp ước hòa bình. Nhưng điều này trước sau gì cũng phải xảy ra. Thứ nhất là vì hai miền Triều Tiên đều cần có nhau: Hàn Quốc cần tài nguyên thiên nhiên phóng phú và nguồn lao động từ Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng cần tiền đầu tư nước ngoài và công nghệ kỹ thuật tiên tiến của Hàn Quốc.

Khi hai nước đó hợp nhất lại thì sẽ trở thành một đất nước hùng mạnh, giống như Đông Đức và Tây Đức. Hơn nữa, mối quan hệ giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện tại đang tốt đẹp. Hai nhà lãnh đạo đã thực hiện các hoạt động cải thiện quan hệ hai miền chưa từng có.

Vấn đề quan trọng hiện tại đang ở phía Mỹ, nằm ở quyền lợi của nước này khi dỡ bỏ cấm vận với Triều Tiên. Và điều này thì còn đang chờ các bên đàm phán với nhau, nhưng trước sau gì thì Mỹ và Triều Tiên cũng sẽ đi đến một điểm chung mà cả hai bên chấp thuận.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã ngồi lại với nhau 2 lần, do vậy sẽ có nhiều lần kế tiếp ông Trump và Kim tiếp tục đối thoại và đi đến thỏa thuận chung. Cá nhân tôi, tôi không hề có gì bi quan đối với các cuộc đàm phán này, vấn đề chỉ nằm ở thời gian thôi.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.