Thời sự

GS. Nguyễn Quang Ngọc lên tiếng về "phát ngôn Hoàng Sa"

17/05/2015, 09:44

GS. Nguyễn Quang Ngọc chỉ rõ mưu đồ gây hại không chỉ nhằm vào ông từ thông tin xuyên tạc

20150516131449-professor-ngoc-2
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh: Đoàn Bảo Châu

Để làm rõ sự việc, PV đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định tư liệu triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”.

Sự thật vẫn là sự thật 

- Trước tiên, xin ông chia sẻ bối cảnh, nguồn cơn của câu chuyện này. 

Tôi nhớ vào quãng đầu tháng 3/2012, tôi có dự một hội thảo quốc tế về địa danh Biển Đông của Hàn Quốc, tổ chức tại Brussels, Bỉ. Sau khi về nước, Khoa Lịch sử, nơi tôi từng gắn bó hơn 40 năm và có gần chục năm làm Chủ nhiệm khoa, có một CLB của cán bộ, sinh viên mời tôi đến nói chuyện về chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.  

Anh em đồng nghiệp đưa thông tin về cuộc nói chuyện lên mạng, nên có một số người đăng ký đến nghe. Tôi thấy đó là bình thường, vì tôi cũng chỉ trao đổi về chuyên môn, khoa học, ai nghe chẳng được. Mặt khác, tôi cũng nghĩ nếu có điều kiện nói cho nhiều người nghe, nhiều người hiểu về chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, Hoàng Sa thì cũng rất quý. 

Về sau, tôi mới biết trong số những người đăng ký vào đó, có những người đến với ý định xấu, muốn biến cuộc nói chuyện của tôi phục vụ ý đồ riêng của họ. Đương nhiên họ không làm được như thế và đấy là lý do dẫn đến việc một người trong số họ đã viết bài xuyên tạc một cách tệ hại cuộc nói chuyện của tôi trên một trang mạng, đã gây nên sự hiểu lầm tai hại của nhiều độc giả không có thông tin đầy đủ và chuẩn xác về cuộc nói chuyện này. 

Cũng may mà hầu hết những người tham dự cuộc nói chuyện của tôi đều đánh giá tốt chất lượng chuyên môn của buổi nói chuyện và lập tức lên tiếng, phản đối kịch liệt bài viết xuyên tạc, sai trái, mang dụng ý rất xấu này. 

Các bạn có thể đọc blog của TS Nguyễn Hồng Kiên và một số  người tham dự hôm đó, cũng có thể xem lại các slides và băng ghi âm do PGS.TS Phan Phương Thảo, người tổ chức cuộc sinh hoạt học thuật này đang lưu giữ để kiểm chứng.  

Hơn 3 năm sau, kịch bản lại diễn ra tương tự, khi trên mạng xuất hiện một mẩu tin hoàn toàn xuyên tạc cuộc nói chuyện của tôi. Về mặt hình thức, mẩu tin đó có dựa vào bài viết đã bị lên án trước đây, nhưng đọc nội dung thì được hiểu là sự kiện vừa mới xảy ra tức thời.  

Mẩu tin vu vơ này nhanh chóng trở thành vũ khí vô cùng hiểm độc, biến tôi từ một người có hơn 20 năm tận tâm, tận lực nghiên cứu, tuyên truyền về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa thành kẻ tội đồ. Tôi cực lực phản đối hành động vu cáo này và hoàn toàn có quyền tự hào về những gì mình đã làm vì sự toàn vẹn của chủ quyền quốc gia lãnh thổ. Nếu có gì chưa làm được thì là do khả năng và hạn chế về nguồn tài chính (vì nhiều khi tôi vẫn phải mua tư liệu bằng tiền tiết kiệm cơm gạo của vợ con, mà không trông mong có được sự bù đắp).  

- Trước những thông tin này, gia đình, bạn bè đồng nghiệp của ông phản ứng ra sao? 

Buổi trưa ngày 14/5, sau khi tan cuộc họp ở Thành phố, tôi về đến cơ quan, tất cả anh em đồng nghiệp bừng bừng tức giận, muốn được truy tìm tận gốc kẻ dựng chuyện, vì họ đều biết rất rõ đây là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, độc ác và hèn hạ. 

Khi về nhà, vợ, con tôi đều hết sức phẫn nộ. Họ không thể hình dung nổi giữa cái thời buổi văn minh này mà lại có chuyện bạo tàn và phi nhân tính đến thế. Tuy thế, chúng tôi vẫn hy vọng chỉ trừ kẻ tung tin vu vạ, còn những người lương thiện rồi sẽ nhận ra sự thật một khi họ có đủ thông tin.  

Hoàn toàn đúng như vậy, đến chiều tối, mọi người cho tôi hay là “gió đã đổi chiều”. Những người đưa tin xuyên tạc đã tự động gỡ bỏ và nhiều người đã gửi đến tôi lời xin lỗi chân thành. Thậm chí có người tha thiết xin được đến nhà hay đến cơ quan gặp tôi để có cơ hội tạ lỗi trực tiếp.  

Buổi sáng ngày 15/5, dù rất bận, nhưng tôi vẫn dành thời gian nói chuyện với một số người hôm qua vừa mới mạt sát tôi, mà bây giờ nói chuyện vui vẻ, hồn nhiên và cởi mở như anh em trong nhà vậy. Qua bão táp mưa sa, tôi bỗng có thêm những người bạn mới. Tôi nói đùa với họ là trong cái rủi có cái may và xem ra vụ này, tôi nhận được may nhiều hơn rủi.   

Mưu đồ không chỉ gây hại cá nhân tôi 

- Qua sự việc này, ông nhìn nhận ra sao về sức mạnh lan truyền và mặt ngược lại, là sức mạnh kiểm chứng của mạng xã hội, của công nghệ thông tin ngày nay? 

Sự lan truyền của công nghệ thông tin bây giờ rất hiện đại và tạo ra một lợi thế rất lớn để thu nhận và giám định. Nói gì thì nói, thông tin phải rõ ràng, minh bạch, đúng đắn và chuẩn xác thì mới có đủ cơ sở để nhận xét, đánh giá. Trong điều kiện công nghệ hiện nay người ta có thể kiểm chứng rất dễ dàng, và đó cũng là cái may nữa cho tôi. Nếu như câu chuyện cứ để mập mờ hàng tháng, hàng năm, không có cái để kiểm chứng thì không khác gì một “án treo”, có khi phẫn uất mà chết. 

Những người tung tin đã lợi dụng được thành tựu của khoa học công nghệ để lan truyền rất nhanh, rất xa. Nhưng rồi cũng chính nhờ thành tựu của khoa học công nghệ, mà những người hiểu, những người có trách nhiệm và lương tâm có điều kiện kiểm tra lại thông tin, biết ngay là ngụy tạo và có được phản ứng tức thời. Chính vì thế mà buổi trưa tôi có cảm giác như tai ách đang treo trên đầu mình, thì đến buổi tối nó đã rơi đúng vào đầu kẻ tung tin bịa đặt. 

Tôi được đồng nghiệp tập hợp những thông tin, và cũng rất ngạc nhiên là có nhiều người quan tâm đến mình như thế. Điều mà tôi đinh ninh tin rằng “Nơi sự thật vẫn cứ là sự thật/ Nơi lương tâm hóa tấm gương soi”, ta cứ thẳng thắn, trung thực, làm việc với hết trách nhiệm công dân và năng lực chuyên môn của mình thì chẳng có gì phải ưu phiền cả, cho dù đâu đó vẫn có kẻ đang rình rập, cản phá.  

- Ông nghĩ tại sao tin đồn lại được khơi lại vào đúng thời điểm này?  

Chúng ta đều biết ngoài Biển Đông Trung Quốc đang bồi đắp trái phép các đảo đá thuộc chủ quyền Việt Nam, rồi giàn khoan Hải Dương 981 lại đang tiến vào Biển Đông. Trong bối cảnh cả nước đang lo lắng, sôi sục như vậy, họ tung tin thất thiệt với hy vọng có thể gạt tôi và những người như tôi ra khỏi cuộc đấu tranh này chăng? 

Tôi nhận ra rất rõ, trong số những người mạt sát tôi, có người cũng có thể gọi là yêu nước, cũng có thể tin là đang lo lắng cho vận mệnh đất nước, nhưng họ sốc nổi, cực đoan thành mù quáng. Đây là điều mà phần nhiều trong số họ đã công khai thừa nhận. Cũng may là ngay sau đó họ đã tỉnh táo nhận ra sự thật và sửa sai một cách thật sự, đàng hoàng. Nhưng cũng có những người “đục nước béo cò”, tranh thủ “ném đá” nhằm triệt hạ ý chí và nghị lực của những người đang dốc lòng, dốc sức vì sự toàn vẹn của chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Những người như thế, trước sau rồi cũng sẽ bị tòa án lượng tâm phán xử. 

- Trong cuộc đấu tranh chủ quyền hiện giờ, thông tin cũng là một mặt trận rất quan trọng. Ông đánh giá ra sao về “mặt trận” này của chúng ta? 

Nhận thức về chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, Hoàng Sa chỉ tính từ năm 2014 đến nay thôi, tức là khoảng hơn một năm đã có được một bước tiến dài. Bây giờ nhận thức về chủ quyền của chúng ta ở Trường Sa, Hoàng Sa trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân đã cao hơn trước rất nhiều.  

Vì sao? Vì từ năm 2014 đến nay chúng ta đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa một cách bài bản và khoa học, thông qua các bằng chứng về lịch sử và pháp lý hết sức rõ ràng, minh bạch và xác thực. Tính đến giờ chúng ta đã tổ chức được 27 cuộc triển lãm quy mô quốc gia về những bằng chứng lịch sử và pháp lý.  

Những tư liệu rất cơ bản đã được đưa ra trưng bày như các bộ Châu bản, Mộc bản quốc sử thời Nguyễn, các bản đồ, tư liệu chính thức của nhà nước Việt Nam, các tư liệu mới được tập hợp trong dân gian, cùng hàng trăm bộ tư liệu, bản đồ, Atlas phương Tây và của nhiều nước khác (kể cả Trung Quốc), trong đó có những tư liệu nguyên gốc, độc bản khẳng định một cách đầy đủ, tuyệt đối về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.  

Thông qua các hoạt động đó, người xem triển lãm hay người quan tâm có thể dễ dàng đối sánh, kiểm chứng. Điều này gây tác động rất mạnh và có hiệu quả rất cao. Sách báo cũng được xuất bản nhiều, trong đó có nhiều công trình có giá trị khoa học chuẩn mực. VietNamNet cũng có hàng loạt bài công viết phu, chất lượng chuyên môn tốt. Rồi hàng loạt các hội nghị, hội thảo quốc tế, trong nước…  

Trong các hoạt động này, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông trong nước có vị trí hết sức đặc biệt và đóng góp rất to lớn. Đây là những điều mà mấy năm trước chúng ta dù đã hết sức cố gắng mà vẫn chưa làm được.  

Tôi mới được biết gần đây Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương mở rộng các cuộc triển lãm về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa ra tất cả các tỉnh, thành phố trong nước, đồng thời bắt đầu từ năm nay, đưa các cuộc triển lãm này ra quốc tế. Đây là chủ trương tuyệt đối đúng và là một việc làm hết sức cần thiết để Việt Nam giữ vững và phát huy vị thế ưu thắng của mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.