Chính trị

GS. TS Nguyễn Anh Trí: “Tự ứng cử, lo không trúng là điều đương nhiên!”

19/03/2021, 07:47

GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Huyết học-Truyền máu T.Ư đã nộp hồ sơ ứng cử và có tên trong danh sách 30 người tự ứng cử ĐBQH khóa XV.

img

ĐBQH Nguyễn Anh Trí trong một lần phát biểu trên hội trường Quốc hội

GS. TS, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Anh Trí (SN 1957), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư là một trong hai người tự ứng cử và trúng cử ĐBQH khóa XIV. Hiện ông Trí đã nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XV và có tên trong danh sách 30 người tự ứng cử ĐBQH lần này.

Chia sẻ với Báo Giao thông về quá trình 5 năm thực hiện nhiệm vụ ĐBQH vừa qua, ông cho biết chưa thỏa mãn với những gì đã làm được nên tiếp tục tự ra ứng cử.

Tin vào sự lựa chọn của cử tri

Thời điểm chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XIV, điều gì thôi thúc ông làm đơn xin tự ứng cử ĐBQH?

Nguyện vọng để trở thành ĐBQH đã cháy bóng trong tôi nhiều năm, cho nên trong quá trình sống và làm việc, tôi luôn suy nghĩ về chuyện mình sẽ trở thành ĐBQH.

Tại kỳ bầu cử ĐBQH lần thứ XIV năm 2016, lúc đó tôi còn hơn một năm nữa là nghỉ chức vụ Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Đây cũng là thời điểm chín muồi để tôi có thể dành toàn tâm toàn ý tham gia vào Quốc hội. Tôi đã tự ứng cử và may mắn trúng cử ĐBQH khóa XIV.

Cũng như ở kỳ XIV, kỳ này tôi sẽ không có những chương trình vận động bầu cử riêng mà thực hiện chương trình chung với Ban bầu cử.

Bắt đầu từ nay trở đi sẽ có nhiều buổi tiếp xúc cử tri do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức. Lúc đó sẽ là diễn đàn để tôi vận động công khai để có thể thuyết phục cử tri ủng hộ mình.
GS. TS Nguyễn Anh Trí


Vậy lúc quyết định ứng cử, ông có lo nếu mình không trúng cử thì sẽ thế nào không, nhất là khi ông là người có vị trí trong xã hội?

Bất kỳ một cuộc bầu cử nào thì cũng phải có người trúng cử và người không trúng cử. Lần đầu tiên tôi tham gia tự ứng ĐBQH, tâm lý lo lắng cũng là điều hiển nhiên.

Lo lắng nhưng tôi tự tin vào bản thân. Tôi tự tin bởi thứ nhất là cơ hội tham gia Quốc hội của tất cả các công dân có đủ điều kiện, trình độ, trí tuệ là ngang nhau, đồng thời quy trình ngày càng dân chủ.

Thứ hai là tôi tin vào cử tri, có thể nói các cử tri ngày càng sáng suốt, tinh tường. Trên thực tế, bản thân tôi tham gia vào nhiều hoạt động khám chữa bệnh, công tác xã hội thì tôi cũng tin tưởng, với sự tinh nhạy của cử tri, tôi sẽ có được những cử tri tín nhiệm bầu cho mình.

Khi tự ứng cử ĐBQH, ông đang là người đứng đầu một đơn vị thuộc Bộ Y tế. Vậy quá trình tự ứng cử, ông có nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ hay không?

Khi tôi nhận được thông tin muốn trở thành ĐBQH thì phải tự ứng cử đó là ngày 9/3/2016. Lúc đó chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ, tôi đã phải gấp rút hoàn thiện nên lúc đầu chưa kịp xin ý kiến Bộ Y tế. Tôi đến địa điểm nộp đơn thì được thông báo: “Trước hết bác là một công dân thì có quyền nộp đơn. Còn những gì khác thì ta giải quyết sau”. Lúc tôi nộp xong hồ sơ thì chỉ còn 30 phút nữa là hết thời gian.

Sau đó tôi mới về báo cáo cơ quan và nhận được sự ủng hộ của Bộ Y tế, trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Chị Tiến đã chỉ đạo các cơ quan trong Bộ hoàn thiện hồ sơ của tôi trong quá trình ứng cử ĐBQH.

Còn thủ tục, quy trình tự ứng cử, ông có gặp khó khăn gì không? Những người tự ứng cử như ông có được đối xử công bằng như những ứng cử viên được giới thiệu?

Tôi hoàn toàn không gặp khó khăn gì, có lẽ quy trình của tôi cũng giống như quy trình của những người được giới thiệu ứng cử. Trong quá trình hoàn tất thủ tục đến khi bầu cử, tôi đều nhận được sự ủng hộ, giải thích tận tình, tuyệt đối không có sự cấm đoán, khó khăn gì.

Cầu nối giữa cử tri và Quốc hội

Nhìn lại nhiệm kỳ khóa XIV, ông có bằng lòng với những đóng góp của mình trong Quốc hội? Ông có bao giờ bị nhắc nhở hoặc gặp phiền toái bởi những ý kiến thẳng thắn của mình trên nghị trường?

Nhìn lại nhiệm kỳ khóa XIV, cá nhân tôi thấy hài lòng với những gì mình đã làm, tuy nhiên tôi chưa hoàn toàn thỏa mãn. Hài lòng là vì mình thực sự đã trở thành cầu nối giữa cử tri và Quốc hội qua hoạt động giám sát. Tôi đã cố gắng nỗ lực hết mình để thực hiện trách nhiệm cao cả đó.

Tuy nhiên, không phải 100% ý kiến mình phản ánh đều được giải quyết. Chính vì vậy vẫn còn nhiều điều tôi mong muốn làm tốt hơn nữa và đó là lý do tôi tiếp tục tự ứng cử.

Nhiệm kỳ qua, tôi đã tham gia góp ý vào rất nhiều lĩnh vực. Những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm, rồi rất nhiều dự án luật nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, tôi đều tham gia tích cực. Và tôi tuyệt đối chưa gặp bất cứ một sự ngáng trở, ngăn cản nào cả.

Tôi đặc biệt cảm ơn Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, nơi có nhiều đại biểu rất trí tuệ, nơi tập trung nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, cùng nhiều giáo sư trong các lĩnh vực.

Tất cả những ý kiến hay, dù có thể đụng chạm cũng đều được biểu dương, động viên. Ngoài phát biểu, chất vấn trực tiếp, có nhiều việc tôi gặp riêng, trao đổi ngoài hành lang rất nhiều. Họ đều lắng nghe, tiếp thu và không hề bực bội.

Kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV?

5 năm tham gia vào Quốc hội có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ví dụ như điểm tắc nghẽn về giao thông của cử tri Hà Nội truyền đạt đến tôi và tôi đã phản ánh tới Bộ GTVT. Ngay sau đó, những phản ánh được ngành GTVT giải quyết, cử tri rất vui mừng. Hay khi tôi phản ánh những khó khăn vướng mắc của cán bộ y tế, Bộ Nội vụ đã sớm giải quyết.

Đưa ra những ví dụ đó để cho thấy, khi những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri mà ĐBQH phản ánh, được các cơ quan chức năng giải quyết thì khi đó vai trò của ĐBQH đã được phát huy tốt.

ĐBQH cần phải có đủ quỹ thời gian

Theo ông, để trở thành một ĐBQH, ngoài phẩm chất chính trị, kiến thức, sự am hiểu về nhiều lĩnh vực, một cá nhân còn cần những tố chất gì? Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm với những người tự ứng cử ĐBQH lần này?

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ hội cho những người tự ứng cử ĐBQH là hết sức rộng rãi. Về thủ tục, trình tự, giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử bình đẳng như nhau về mọi mặt.

“Để tạo cơ hội cho những người tự ứng cử, cần đưa họ về ở tổ bầu cử mà sở trường, năng lực của họ được nhiều cử tri ở nơi đó biết, đánh giá và bầu chọn.

Thực tế, có nhiều trường hợp trình độ, đạo đức, phẩm chất rất tốt nhưng đưa vào địa bàn mà người dân không hiểu về người này thì rất khó khăn cho những ứng cử viên đó”, ông Túc cho biết.


Tôi cho rằng, muốn trở thành ĐBQH thì đó phải là người thực sự vì nhân dân, tâm huyết với nhân dân, đất nước. Ngoài khả năng viết, phân tích và tổng hợp, người ĐBQH cần phải có kỹ năng trình bày các vấn đề.

Chúng ta đã thấy, khi thảo luận hay chất vấn ở hội trường thì áp lực thời gian là vô cùng quan trọng, chính vì vậy người đại biểu cần phải biết trình bày vấn đề, đặt câu hỏi ngắn gọn và súc tích, để ai cũng có thể hiểu mình đang nói gì, truyền đạt lại tâm tư nguyện vọng gì của cử tri.

Điều quan trọng nữa là phải có quỹ thời gian thích hợp để làm nhiệm vụ. Vì vậy khi thảo luận sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, tôi đã đề nghị nên quy định những người ứng cử vào ĐBQH cần có đủ quỹ thời gian. Nếu người nào không đủ thời gian làm tròn vai thì không nên tham gia vào Quốc hội.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV đang đến gần và ông lại tiếp tục ra ứng cử. Lý do nào khiến ông quyết định như vậy?

Sau một nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, tôi thấy thực sự thú vị, vì mình đã có những đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Được phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri tại diễn đàn Quốc hội, tôi thực sự hạnh phúc. Sau một nhiệm kỳ, bản thân tôi càng mong muốn được tiếp tục làm ĐBQH hơn, để có thể tiếp tục làm được nhiều việc hơn nữa.

Bên cạnh đó, có lý do nữa là rất nhiều cử tri và bạn bè của tôi đã động viên, thúc giục. Ai cũng khuyên tôi nên tiếp tục tham gia Quốc hội thêm khóa nữa. Tôi rất vui và xúc động.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV chỉ có 2 người tự ứng cử trúng cử. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội trúng cử của người tự ứng cử?

Trong lần bầu cử trước, cả nước có 160 người đăng ký tự ứng cử. Riêng khu vực TP Hà Nội, lúc đầu có 49 người đăng ký, đến khi vào vòng cuối còn tổng cộng 11 người. Kết quả có 2 người tự ứng cử đã trúng cử, trong đó có tôi và đại biểu Phạm Quang Dũng, đoàn Nam Định. Dù vẫn trong diện tự ứng cử nhưng khác với lần trước, kỳ này tôi đã về hưu, không thuộc tổ chức, đơn vị nào cả.

Theo dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV, số đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 - 50 người. Do vậy nhiệm kỳ này sẽ rộng cửa hơn cho đại biểu tự ứng cử như tôi. Chưa rõ số lượng đại biểu tự ứng cử nhưng tôi chắc chắn chất lượng đại biểu tự ứng cử lần này sẽ cao hơn trước.

Cảm ơn ông!

Hà Nội có 30 người tự ứng cử ĐBQH

Chiều 17/3, Ban thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa XV.

Trước đó, Ủy ban Bầu cử thành phố đã tiếp nhận được 72 bộ hồ sơ và danh sách trích ngang ứng cử ĐBQH, trong đó có 42 hồ sơ do các đơn vị giới thiệu và 30 hồ sơ tự ứng cử. Các hồ sơ ứng cử đáp ứng yêu cầu về thủ tục, điều kiện giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử, đảm bảo cơ cấu nữ, trẻ tuổi, dân tộc, tôn giáo, đảng viên, ngoài Đảng.

Hội nghị đã thống nhất biểu quyết bằng hình thức giơ tay, 82/83 đại biểu (98,8%) nhất trí danh sách sơ bộ 72 ứng cử viên ĐBQH khóa XV. Hội nghị cũng đã nhất trí về kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, những vấn đề cần làm rõ đối với người ứng cử.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.