GS Nguyễn Minh Thuyết trong một lần gặp gỡ, trao đổi khoa học với GĐ Đại học Glasgow (Vương quốc Anh) |
Cứ mỗi lần kỳ họp Quốc hội diễn ra, nhiều đại biểu và cử tri lại nhớ đến ông, người đã đóng góp rất nhiều ý kiến tâm huyết và đưa ra những câu hỏi chất vấn nóng bỏng, sắc lẹm khiến các phiên chất vấn tại Quốc hội “dậy sóng”.
Suốt một thời gian dài được coi là “ngôi sao nghị trường”, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, khi về hưu, công việc của ông còn bận rộn hơn trước rất nhiều.
Không hụt hẫng lúc nghỉ hưu
GS Nguyễn Minh Thuyết tâm sự, có lẽ với nhiều người, việc nghỉ hưu sẽ khiến họ hụt hẫng. Tuy nhiên, với bản thân, ông coi đó là điều hết sức bình thường: “Có nhiều anh em hỏi tôi vì sao khi kết thúc nhiệm kỳ ở Quốc hội không xin trở về trường, bởi vì theo quy định hiện hành thì người có học hàm giáo sư được kéo dài thời gian làm việc đến 70 tuổi. Tôi nói là mình đã lớn tuổi rồi, nên dành biên chế cho anh em trẻ; còn việc gì trường cần, tôi vẫn sẵn sàng đáp ứng. Quan niệm như vậy nên khi về hưu tôi không có cảm giác hẫng hụt. Vả lại, cũng không có thời gian rảnh để hẫng hụt, vì về hưu phải dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Ít nhất là trông cháu. Cũng có những lần được con gái “triệu” sang cả Singapore trông cháu ngoại một tuần hoặc nửa tháng để i đi hội nghị quốc tế hoặc hoàn thành các công việc rất bộn bề của một giảng viên đại học. Bên cạnh đó, về hưu, tôi có điều kiện tập trung làm những việc mà khi còn công tác tôi không có điều kiện để làm. Năm 2012, tôi và vợ ra chung được một cuốn chuyên khảo về phương pháp dạy học dày hơn 400 trang. Anh em trong các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ cũng thường mời tôi đến trao đổi, thảo luận về một dự án luật hay một vấn đề nào đó, rồi qua báo chí, tôi vẫn thường xuyên đóng góp ý kiến của mình... Tôi thấy mình còn bận rộn hơn trước khi nghỉ hưu”.
Ông kể, một ngày làm việc khi về hưu của mình bắt đầu lúc 5h30. Sau khi tập thể dục và bơi đủ một cây số tại Bể bơi Ba Đình, ông về nhà ăn sáng, đọc một loạt các tờ báo, sau đó bắt đầu làm việc. “Công việc chính hiện tại của tôi là tham gia một số đề tài khoa học của các viện, các trường đại học, đồng thời tham gia một số công việc của Bộ GD&ĐT. Hiện tôi còn là ủy viên của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, tham gia các công việc của Hội đồng như khảo sát, đọc tài liệu thuyết trình về các chính sách đối với di sản, duyệt danh sách di sản quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia, hồ sơ di sản gửi UNESCO,… trình Thủ tướng Chính phủ ký. Nói chung, công việc rất nhiều và tôi phải thu xếp khéo lắm mới đủ thời gian”, ông nói.
Mặc dù đã nghỉ hưu, rời khỏi nghị trường, song GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, mỗi khi đến kỳ họp Quốc hội, ông vẫn cố gắng dành thời gian nhiều nhất có thể để theo dõi. “Ngoài xem truyền hình, đọc báo điện tử do tin tức cập nhật nhanh, tôi hay đi công tác nên mỗi lần lên máy bay là lại đọc Báo Giao thông. Tôi thấy nội dung tường thuật các phiên thảo luận tại hội trường trên Báo Giao thông rất đầy đủ và khách quan”, GS. Thuyết cho hay.
Luyến tiếc vì vẫn còn nợ cử tri
Khi được hỏi điều gì khiến ông cảm thấy thấy luyến tiếc nhất khi vẫn còn là ĐBQH mà chưa kịp làm, GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: “Luyến tiếc nhất là, tôi chưa giúp được nhiều cho cử tri. Thực ra công việc, trách nhiệm của ĐBQH thì tôi đã cố gắng ở mức cao nhất với những gì có thể. Trong những ý kiến trình bày trước Quốc hội và các cơ quan Nhà nước, như đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, an sinh xã hội, nợ công,... có ý kiến được tiếp thu, cũng có ý kiến không được tiếp thu. Tuy nhiên, có thể nói trong thời gian làm ĐBQH, điểm yếu nhất của tôi cũng như nhiều đại biểu khác là chưa giải quyết được nhiều đơn thư khiếu nại của người dân. Việc này rất khó, vì ĐBQH không có thẩm quyền giải quyết mà chỉ thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Một đại biểu tích cực thì phải nghiên cứu kỹ, có văn bản trao đi đổi lại, gặp những cơ quan có trách nhiệm giải quyết để trả lời cử tri và đưa ra Quốc hội để cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nhưng việc cử tri đã nhờ đến ĐBQH thường là việc khó, cực chẳng đã cử tri mới nhờ đến đại biểu, nên khó giải quyết và tôi cảm thấy vẫn còn nợ cử tri nhiều lắm”.
Trăn trở với thời cuộc GS Nguyễn Minh Thuyết SN 1948 tại Gia Lâm, Hà Nội, là giảng viên cao cấp thuộc Khoa Ngôn ngữ học của ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội từ 1990 - 2003; là ĐBQH các khóa XI, XII của Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho đến khi nghỉ hưu. Ông nổi tiếng là người trực ngôn với các chất vấn gai góc trên diễn đàn Quốc hội. Ông cho hay, mặc dù đã nghỉ hưu, song với tư cách là một trí thức, ông vẫn còn khá nhiều trăn trở với thời cuộc: “Trong bối cảnh hiện nay, thực sự kinh tế của ta vẫn yếu, rồi vấn đề bảo vệ chủ quyền, vấn đề này người dân rất mong Quốc hội bàn thảo, có thể họp kín hoặc công khai nhưng cần bàn thảo đến nơi đến chốn, thể hiện thái độ mạnh mẽ của mình”. |
Nhận xét về các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội gần đây, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Cũng có những vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời thẳng vào vấn đề một cách quyết đoán, thuyết phục. Điển hình là Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, một trong những người được cử tri, ĐBQH khen ngợi cả trong hành động cũng như trả lời chất vấn trên nghị trường. Hay như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng trả lời rành mạch, cụ thể. Tôi nghĩ, việc đó rất đáng khen. Tuy nhiên, có những Bộ trưởng không biết cách trả lời hay cố tình không biết cách trả lời, nói dài dòng văn tự, trích dẫn hết văn bản này văn bản khác mà không trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu. Đặc biệt, các Bộ trưởng ít cam kết hơn trước, như thế rất đáng lo, vì người ta chất vấn không phải để hỏi chơi, mà chất vấn về trách nhiệm, giải pháp khắc phục những yếu kém và người lãnh đạo ngành phải có cam kết giải quyết. Hy vọng những điều đó sẽ được cải thiện ở kỳ họp lần này”.
Liên quan đến cách đặt câu hỏi chất vấn, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có những đại biểu đặt vấn đề rất nhạt, chứng tỏ đại biểu không đủ thông tin, không nắm chắc vấn đề định hỏi. Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu đặt câu hỏi sắc sảo, đặt ra những vấn đề lớn. “Ví dụ kỳ họp cuối năm ngoái, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn Thủ tướng Chính phủ về tình trạng quá tải của y tế, một mình Bộ Y tế không thể giải quyết được, vậy Chính phủ có giải pháp gì để giải quyết? Tôi nghĩ đây là cách đặt vấn đề rất xứng tầm. Vì nhiều năm nay rồi, không Bộ trưởng Y tế nào dám hứa, mà nếu có hứa thì cũng không thể giải quyết được bởi thẩm quyền có hạn. Họ không thể ra lệnh cho địa phương cấp đất hay ra lệnh cho Bộ Tài chính cấp tiền để xây dựng bệnh viện mới. Việc đó phải ở tầm Chính phủ mới giải quyết được”, ông nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận