GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy, “Kiến trúc sư trưởng” trong xây dựng Chiến lược Quốc gia về Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, người đã dành hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy về trí tuệ nhân tạo, trao đổi với Báo Giao thông về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra của cải vật chất, phục vụ đời sống con người.
GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy
Khó nhất là ứng dụng để tạo ra của cải, vật chất
Tới nay, khi nhắc tới công nghệ TTNT - AI, nhiều người vẫn thấy mơ hồ. Ông có thể khái quát một cách đơn giản để một người bình thường cũng có thể hình dung được?
Trong công nghiệp 4.0, TTNT được coi là công nghệ nền tảng và cốt lõi, dựa trên một loại năng lượng mới, đó là dữ liệu. Dữ liệu đóng vai trò quan trọng giống như năng lượng điện trong hai cuộc cách mạng công nghiệp điện khí hóa và tự động hóa.
TTNT - AI hướng tới việc tạo ra các hệ thống thông minh, mềm dẻo, linh hoạt, thích nghi ở hai cấp độ: Giống hệt con người, giống như con người. Sự thông minh có thể ở hai mức: Bên trong - xử lý trí tuệ ở bộ não và bên ngoài - thể hiện ở hành vi, biểu hiện, biểu đạt.
Những năm gần đây, AI đi theo tiếp cận mới, có tính cách mạng là tạo ra trí tuệ tính toán trực tiếp từ các dữ liệu quan sát, nhờ vậy tạo ra những đột phá trong xử lý nhận dạng tiếng nói, dịch ngôn ngữ, người máy thông minh… cùng với rất nhiều ứng dụng phong phú và hữu hiệu.
Nói một cách đơn giản: Ở đâu được tin học hóa và có dữ liệu vào-ra, ở đó hoàn toàn có thể ứng dụng AI.
Chẳng hạn, trước đây khi nhận được danh thiếp của đối tác, chúng ta thường cho vào sổ lưu, mỗi lần tìm rất mất thời gian. Nhưng nay, chúng ta chỉ cần nhập dữ liệu trên danh thiếp vào danh bạ trên điện thoại hoặc bảng cơ sở dữ liệu trong máy tính...
Tại Việt Nam, chúng ta đã giảng dạy, nghiên cứu AI từ những năm 70 của thế kỷ XX. Nhưng AI chỉ được nhắc tới nhiều trong khoảng 5 - 10 năm trở lại đây. Vậy phải chăng chúng ta đã “đi trước” nhưng lại “về sau”?
Trong giai đoạn 1996 - 2020, theo bảng xếp hạng Scimago, Việt Nam đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN, thứ 13 trong khu vực châu Á và thứ 47 trên thế giới.
Theo báo cáo đánh giá ngày 21/12/2020 của một nhóm nghiên cứu ở MIT của Mỹ, Việt Nam hiện đứng thứ 27 trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về công bố TTNT.
Trên thế giới, cách đây khoảng 10 năm, AI có làn sóng cao trào phát triển, còn được gọi là “mùa xuân của AI”.
Rất tự hào trong làn sóng đó có đóng góp của nhiều người Việt trẻ, được đào tạo bài bản, hiện đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Điểm nghẽn và khó nhất bây giờ là làm sao ứng dụng TTNT một cách hiệu quả, góp phần tạo ra của cải, tăng năng suất, giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm và dịch vụ…
Ở Việt Nam, hiện nay chúng ta có khoảng 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và tại đó, chỉ cần ứng dụng TTNT một cách hiệu quả là quý lắm rồi.
Các tập đoàn lớn như FPT, Viettel, VNPT, CMC, Vin AI, Vin BigData nhấn mạnh vào việc xây dựng các nền tảng công nghệ TTNT, hạ tầng dữ liệu và hạ tầng tính toán và các hỗ trợ chuyển giao.
Các nhóm nghiên cứu mạnh về TTNT tại các viện nghiên cứu, các trường đại học và các tập đoàn công nghệ, bên cạnh công tác nghiên cứu cũng nỗ lực thu hút và chuyển giao công nghệ hướng tới phát triển các ứng dụng có ý nghĩa cho Việt Nam, tạo ra các sản phẩm TTNT có giá trị, dựa trên thế mạnh về đặc thù dữ liệu riêng có của Việt Nam…
Bên cạnh đào tạo chuyên ngành AI với quy mô vừa phải và hợp lý, chúng ta giờ cần tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực triển khai ứng dụng về khoa học dữ liệu, dữ liệu hóa thông tin; triển khai ứng dụng vào giải quyết các bài toán trong sản xuất, quản lý, dịch vụ và cuộc sống hàng ngày. Đó chính là cách chúng ta vừa đi tắt đón đầu, vừa rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển về AI.
Vậy theo ông, những lĩnh vực ứng dụng nào tại Việt Nam đã và đang “thay da đổi thịt” nhờ ứng dụng TTNT?
Hiện nay, chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo cảm nhận của cá nhân tôi, Y tế, Tài chính, Ngân hàng và Giáo dục Đào tạo là những lĩnh vực đang ứng dụng AI sôi nổi hơn cả.
Đơn cử, nhiều ngân hàng hiện đang ứng dụng AI trong đánh giá chỉ số tín dụng cá nhân và tư vấn tài chính cá nhân; phân tích hoạt động sản xuất và kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp và tư vấn giải pháp...
Trong Y tế đang xây dựng các cơ sở dữ liệu y tế toàn dân và các công nghệ tính toán, các giải pháp trí tuệ nhân tạo phục vụ khai thác các dữ liệu đặc trưng và đặc thù của người Việt; xây dựng hệ tri thức khám, tư vấn điều trị bệnh sử dụng Đông Tây y kết hợp trên nền kỹ thuật y học công nghệ cao.
Mới đây nhất, trong bối cảnh dịch Covid-19, AI đóng vai trò quan trọng, giúp giảm gánh nặng cho đội ngũ y tế, lực lượng phòng, chống dịch thông qua các ứng dụng thiết thực.
Ðặc biệt, khi số lượng ca lây nhiễm trong cộng đồng lớn, việc nhập dữ liệu từ các bản khai giấy mất nhiều thời gian, dễ nhầm lẫn, công nghệ chuyển hình ảnh thành văn bản với sự hỗ trợ của AI đã giúp số hóa toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ và đưa lên hệ thống.
Ngoài ra, AI đã hiện hữu ngay trong các khu cách ly, bệnh viện với sự xuất hiện của các robot tự động giúp khử khuẩn, giao hàng, đưa thuốc cho người bệnh...
“Cuộc chiến” với chủng tộc robot thông minh
Việt Nam hiện đứng thứ 27 trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về công bố trí tuệ nhân tạo (Ảnh minh họa)
Đã có cảnh báo con người sẽ sống chung với “chủng tộc” robot, ông có thể nói rõ hơn?
Thực tế, chúng ta đã và đang sống một cách tự nhiên bên cạnh rất nhiều loại robot thông minh khác nhau, với số lượng ngày càng tăng.
Robot TOPIO, phiên bản 2, do các chuyên gia của Công ty Cổ phần Robot TOSY của Việt Nam nghiên cứu và chế tạo từ năm 2005, cao hơn 2m, nặng 60kg, có khả năng đi lại và chơi bóng bàn.
Robot hình dáng người ChihiraAico là sản phẩm của hãng Toshiba, có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên, có thể cười, khóc, thể hiện nhiều trạng thái khác nhau... Robot lực sĩ Evolta do công ty Panasonic, Nhật Bản chế tạo, có thể bơi lội, đạp xe, chạy bộ...
Ngay trong cuộc chiến phòng chống Covid-19 ở Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm sử dụng một số loại robot: Robot Vibot-2 thay thế nhân viên y tế, phục vụ vận chuyển trong các khu vực cách ly bệnh nhân; Chatbot của Tập đoàn VNPT và Viettel có tính năng gọi điện thăm hỏi sức khỏe các chủ máy điện thoại. Khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2, Chatbot sẽ kết nối với trung tâm y tế và đưa ra các thông báo hỗ trợ y tế kịp thời…
Ngoài ra, có thể kể đến hiệu quả kinh tế của rất nhiều dây chuyền robot công nghiệp hiện đại trong các nhà máy lắp ráp ô tô trên thế giới và của các tập đoàn VinFast, THACO của Việt Nam.
Có một điểm cần được nhấn mạnh khi nhắc đến chủng tộc robot thông minh là các yếu tố đạo đức khi sử dụng và các khía cạnh pháp lý, trách nhiệm xã hội liên quan đến các phát sinh trong quá trình khai thác thực tế. Đây là một vấn đề quan trọng được các Chiến lược Quốc gia về TTNT của các nước quan tâm, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, sử dụng AI có lấy mất cơ hội việc làm của con người?
Trên thực tế, mỗi một thời đại con người lại “đương đầu” với máy móc, công nghệ mới và sẽ không bao giờ dừng lại. Trong cuộc vật lộn này, ai thụ động sẽ bị đe dọa, sẽ bị mất việc và mất cơ hội.
Ai luôn sáng tạo đổi mới, tìm tiếp cận mới và dấn thân, trải nghiệm sản phẩm công nghệ sẽ có nhiều cơ hội. Chìa khóa quan trọng để thích nghi chính là đổi mới sáng tạo. Đi ngược lại xu thế, tất yếu sẽ bị đào thải.
Do đó, thay vì sợ mất việc, hãy lo nguy cơ bị hút hồn, lo mất tương tác trong các quan hệ xã hội và chịu các hậu quả khôn lường do không làm chủ được, mất kiểm soát khi đối diện với chủng tộc robot ngày càng thông minh với các biến dị thường xuyên…
Con người chúng ta phải luôn sáng tạo đổi mới, cập nhật các kiến thức và kỹ năng mềm thích ứng với xã hội hiện đại của thế kỉ XXI. Đây chính là bài toán lớn đã được đặt ra cho cả thế giới, đặc biệt những nước đang phát triển như Việt Nam.
Cảm ơn ông!
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 được Thủ tướng ký ban hành đầu năm 2021, với hy vọng tạo ra cú huých cho sự phát triển TTNT của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về TTNT trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở đó, các bộ ngành đang bắt tay xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý, điều chỉnh hành vi phát triển, sử dụng, lưu hành các sản phẩm, hàng hóa có sử dụng TTNT, đặc biệt quan tâm tham gia, theo dõi và phát triển các chuẩn công nghiệp quốc tế liên quan đến TTNT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận