Hầu hết các cửa hàng bán hàng mã tại Hong Kong đều có các sản phẩm với logo Gucci. |
Theo trang BBC, đại diện thương hiệu thời trang đình đám Gucci đã lên tiếng xin lỗi sau vụ "dằn mặt" các cơ sở kinh doanh hàng mã tại Hong Kong không được bán các sản phẩm nhái hàng Gucci. Những mẫu hàng mã "nhái" các thương hiệu thời trang nổi tiếng rất được ưa chuộng tại Hong Kong và được sử dụng cho người quá cố.
Tại các quốc gia châu Á, trong đó có cả Việt Nam; việc đốt hàng mã cho người chết đã trở thành một truyền thống lâu đời, thể hiện sự tôn kính và hiếu thảo của con cháu với tổ tiên. Từ những thứ đơn giản như tất giấy, răng giả cho đến các loại đồ cao cấp như ô tô, túi xách, điện thoại... đều làm bằng giấy.
Gucci đã gửi thư tới nhiều chủ hàng vào tháng trước và yêu cầu họ không được bán các sản phẩm hàng mã với logo Gucci. Thương hiệu này cho rằng đó là hành động vi phạm bản quyền.
Các mặt hàng cho người chết bằng giấy được ưa chuộng tại Hong Kong. |
Tuy nhiên, ngay sau lệnh đó, hãng thời trang này đã nhận được sự chỉ trích từ nhiều cửa hàng và các khách hàng. Họ cho rằng Gucci đã làm quá vấn đề khi việc sử dụng logo trong sản phẩm hàng mã không gây hại gì và nó là một truyền thống lâu đời tại Hong Kong.
Phát biểu trong lời xin lỗi vào hôm thứ 6, Gucci nói: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì những hiểu nhầm đã gây ra và thành thật xin lỗi tới các chủ hàng, cũng như người dân Hong Kong".
Đại diện của thương hiệu này cũng cho biết thêm, những lá thư cảnh báo gửi tới các cơ sở kinh doanh hàng mã là một phần của những nỗ lực nhằm bảo vệ thương hiệu này trên phạm vi toàn cầu. Gucci cũng nói rằng, họ rất tôn trọng văn hóa truyền thống của Hong Kong và không muốn có hành động xúc phạm tới người dân đất nước này.
Logo Gucci được sử dụng nhiều trong các sản phẩm hàng mã tại Hong Kong. |
"Chúng tôi tin rằng các cửa hàng kinh doanh hàng mã không có ý định làm giả thương hiệu Gucci. Do vậy, Gucci không đề nghị hay thi hành các biện pháp kiểm soát gắt gao và trừng phạt", phát ngôn viên của Gucci phát biểu.
Tuy nhiên, lá thư xin lỗi không đề cập tới việc liệu Gucci có tiếp tục yêu cầu các cửa hàng không được phép bán sản phẩm "nhái" nữa hay không. Một nguồn tin đáng tin cậy cho hay, phần lớn các cửa hàng bị cảnh báo bởi Gucci đều đồng ý ngừng bán sản phẩm với logo của hãng này.
"Chúng tôi hy vọng sẽ có một cuộc nói chuyện mang tính tích cực với các chủ hàng", Gucci chia sẻ. Dù nhiều cửa hàng đã đồng ý và "nhún nhường" với lời cảnh báo, số khác vẫn tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.
"Những sản phẩm như vậy không được dùng cho người sống. Đó chỉ là cách chúng tôi tưởng nhớ tổ tiên và các sản phẩm này chỉ được sử dụng về mặt tâm linh", ông To Chin Sung, một quản lý cửa hàng 65 tuổi trao đổi với BBC sau khi lá thư cảnh báo của Gucci được gửi đến Hong Kong. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nhận được lá thư trực tiếp tới cửa hàng mình, mặc dù ông cũng bán các mặt hàng với logo Gucci.
Từ khi gia nhập vào thị trường Hong Kong vào năm 1974, Gucci đã có 11 cửa hàng, bao gồm cả chi nhánh đầu tiên tại trung tâm thương mại trong khu phố tài chính đắt đỏ của Hong Kong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận