Sau trào lưu đầu tư tiền ảo, giới đầu tư chuyển sang một loại hình đầu tư mới là cho - nhận |
Giữa lúc hoạt động kinh doanh đa cấp gây hoang mang, bức xúc lớn trong xã hội khi hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực này có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật, loại hình kinh doanh này lại biến tướng “ảo diệu” với tên gọi “sàn cho - nhận”.
Gọi là “ảo diệu” bởi sàn cho - nhận có thể nói là kết hợp của 3 trong 1 yếu tố bao gồm: Đa cấp, hụi online và tiền ảo. Để lôi kéo người chơi, “nhà cái” - đơn vị tổ chức cũng như những người môi giới luôn sử dụng “vũ khí” quen thuộc là cam kết lợi nhuận ngất ngưởng tới vài trăm phần trăm/năm. Kèm đó là tô vẽ về những giá trị khác mang lại như: “Tư duy giàu có”, “phát triển bản thân”, “tự do tài chính”... Ngoài ra, loại hình đa cấp biến tướng này còn quảng bá ý nghĩa tốt đẹp khi nhấn mạnh yếu tố “cho đi - nhận lại”, thậm chí kết nối mở rộng mạng lưới để gây quỹ với mục tiêu giúp đỡ cộng đồng.
Trong khi vẽ vời trên trời dưới bể về thành công và lợi nhuận dễ dàng, thì rất nhiều thông tin cần thiết về sàn cho - nhận lại mù tịt như: Cơ sở pháp lý, pháp nhân, trụ sở hoạt động... Người tham gia đầu tư, kinh doanh sản phẩm này không hề biết mình đóng tiền cho ai, cơ chế sinh lời như thế nào và điều gì đảm bảo mình sẽ được “nhận lại” như lời hứa của “nhà cái” và người môi giới. Đặc biệt, trong trường hợp tiền “một đi không trở lại”, nhà đầu tư cũng không biết tìm ai để đòi cũng như kiện, tố cáo ai trước pháp luật.
Mặc dù rủi ro không khó để nhận diện như vậy, song rất nhiều sàn cho nhận vẫn thu hút đông đảo người tham gia, từ vài nghìn đến cả chục nghìn người và số tiền luân chuyển trong mỗi hệ thống lên tới vài chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng. Điều đó cho thấy, một tỷ lệ không nhỏ người dân vẫn bị lòng tham làm mờ lý trí, sẵn sàng gửi gắm tiền bạc và niềm tin, bất chấp nguy cơ mất trắng.
>>>Xem thêm video:
Trong khi đó, sàn cho - nhận đến nay vẫn “nằm ngoài vùng phủ sóng” của các cơ quan quản lý. Theo đó, nếu xét khía cạnh kinh doanh đa cấp, hay giao dịch thương mại điện tử thì chức năng quản lý thuộc Bộ Công thương. Song, cơ quan này chỉ chịu trách nhiệm khi sản phẩm kinh doanh là hàng hóa. Nếu đây là một loại tiền ảo (có cơ chế sinh mã như tiền kỹ thuật số), Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Mặt khác, quy định của pháp luật hiện hành cũng đã bỏ tội kinh doanh trái phép. Như vậy, cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ vào cuộc khi xuất hiện dấu hiệu lừa đảo hoặc phát sinh hậu quả như “sập sàn”, hay người mở sàn ôm tiền bỏ trốn... Thường thì khi đó, số lượng nạn nhân rất đông, số tiền thiệt hại rất lớn, song việc truy dấu vết, điều tra, xử lý rất khó khăn vì toàn bộ giao dịch được thực hiện qua mạng. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp phép, có pháp nhân, nhưng khi xảy ra sai phạm, hậu quả để lại khá nặng nề như đa cấp Liên Việt, Thăng Long gần đây.
Do vậy, trước biến tướng đa cấp mới này, các cơ quan có trách nhiệm cần nhanh chóng vào cuộc, nghiên cứu để bịt kẽ hở pháp lý (nếu có), đồng thời điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm. Đặc biệt, cần phân tích những rủi ro, cảnh báo kịp thời cho người dân không mất tiền oan cho những đối tượng lừa đảo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận