Các điểm này nằm trên các tuyến phố như: Trần Quang Khải, Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ, Nguyễn Thượng Hiền, Phủ Doãn.
Theo quy trình, khi đưa xe máy đến điểm trông giữ, nhân viên sẽ ghi vé cho người dân và thông báo mức giá (5.000 đồng/xe). Sau đó, nhân viên yêu cầu người dân dùng điện thoại di động quét mã QR để chuyển khoản tiền vé. Trong tình huống người dân không thể chuyển khoản, nhân viên buộc phải nhận tiền mặt và thay người dân chuyển khoản vào tài khoản của đơn vị trông giữ xe.
Trong vài ngày đầu thí điểm, tình huống này đã xảy ra khi khá nhiều người gặp khó khi thanh toán gửi xe máy bằng mã QR do điện thoại không có internet hoặc tài khoản ngân hàng.
Đối với ôtô, việc thanh toán phí đỗ xe không dùng tiền mặt thực hiện dễ dàng hơn so với xe máy, bởi chủ phương tiện có thể thanh toán qua tài khoản giao thông (VETC) hoặc mã QR tài khoản ngân hàng.
Cách đây vài năm, Hà Nội từng thí điểm dự án ứng dụng iParking với mục tiêu hiện đại hóa việc quản lý và thanh toán phí trông giữ xe, áp dụng tại các điểm đỗ xe trên phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, sau đó được nhân rộng. Tuy nhiên, sau đó dự án bị dừng vào tháng 9/2020 vì vướng mắc cơ chế tài chính.
Từ đầu tháng 2 năm nay, quận Tây Hồ thí điểm trông giữ xe thanh toán không dùng tiền mặt tại 3 bãi gửi xe máy, 4 bãi gửi ô tô tại khu vực phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc. Từ khi triển khai, nỗi ám ảnh bị chặt chém khi gửi xe của người dân và du khách đã không còn.
Có thể nói, việc áp dụng thu phí không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thông minh mang lại nhiều lợi ích và việc này đã được nhiều nước trong khu vực áp dụng. Chẳng hạn ở Nhật, từ lâu họ đã áp dụng thu vé tự động, không cần nhân viên trông coi.
Tất cả các xe sau khi vào gửi sẽ được khóa bánh tự động hoặc sử dụng barie tự động. Sau khi chủ xe trả tiền, barie sẽ tự động mở.
Với các bãi xe đang thí điểm tại Hà Nội, hầu hết ô tô hiện nay được dán thẻ thu phí tự động không dừng, do đó việc thanh toán rất tiện lợi. Tuy nhiên, với xe máy, việc áp dụng gặp khó do không có thẻ thu phí tự động và các điểm trông giữ thường nằm ở vỉa hè, lòng đường. Việc đọc biển số và ghi nhận giờ ra/vào chủ yếu được thực hiện bằng thiết bị cầm tay.
Hình thức thanh toán cũng tương tự như ô tô, tuy nhiên nhiều người đi xe máy chưa quen với việc quét mã QR để thanh toán hoặc thiết bị di động không kết nối internet.
Vì thế, các đơn vị chức năng nên bố trí nhân viên để hỗ trợ những trường hợp không sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Nhân viên sẽ thu tiền mặt và hướng dẫn người dân sử dụng hình thức thanh toán khác. Thậm chí, cần hỗ trợ như phát wifi miễn phí, vì không phải người dân nào cũng sở hữu điện thoại 4G.
Có thể khẳng định, thu phí không dùng tiền mặt sẽ là xu hướng tất yếu. Việc này không chỉ nhanh, tiện dụng mà còn góp phần chống thất thoát, tiêu cực, chặt chém giá gửi xe, minh bạch trong việc thu chi ở các đơn vị trông giữ xe.
Vấn đề hiện nay chỉ còn là cách thức triển khai. Khi người dân cảm thấy thuận lợi, rút ngắn thời gian so với cách làm cũ, không có lý gì họ lại không đồng tình ủng hộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận