Theo Lương y Nguyễn Hồng Minh (Hội Đông y Hà Nội), gừng là gia vị đứng đầu các chất dùng làm thức ăn có tính "nhiệt", có thể dùng để trung hòa hàn nhiệt, giải độc, giải cảm.
Trong củ gừng có tinh dầu (chủ yếu là alpha – camphen, beta – phellandren), chất nhựa dầu, chất béo, tinh bột và các chất cay như zingeron, zingerola và shogaola.
Gừng có những tác dụng dược lý như hạ nhiệt (shogaol và gingerol làm giảm sốt trên chuột thực nghiệm), giảm đau và giảm ho, chống nôn, chống viêm, kích thích sự vận chuyển trong đường tiêu hóa.
Trong y học cổ truyền, gừng tươi (sinh khương) có vị cay, tính hơi ôn, tác dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm, dùng chữa ngoại cảm, biểu chứng, bụng đầy trướng, nôn mửa.
Gừng khô (can khương) vị cay tính ôn, bào khương (can khương bào chế rồi) vị cay đắng tính đại nhiệt, có tác dụng ôn trung tán hàn, hồi dương thông mạch, dùng chữa thổ tả, bụng đau, chân tay lạnh, mạch nhỏ (dùng khi bị lành mà đau bụng, đi tiêu lỏng, mệt lả, nôn mửa).
Gừng là vị thuốc dùng trong trường hợp kém ăn, ăn uống không tiêu, nôn mửa đi tiêu, cảm mạo phong hàn, chữa ho mất tiếng, phòng cảm lạnh. Các bài thuốc dùng gừng để điều trị như sau:
- Trúng phong: đưa ngay nạn nhân vào chỗ kín gió, nới lỏng dây lưng, dây áo, đắp mền ấm. Cho uống nước ép gừng tươi 30ml hoặc dùng muỗng cà phê đổ từng ít nước gừng vào miệng. Bã gừng xát vào lòng bàn tay, bàn chân (lấy củ gừng tươi to khoảng 50 - 60 g, rửa sạch cạo vỏ, giã nát, thêm 20ml nước sôi nguội vào, vắt cho kiệt nước để uống, bã để đắp, xát).
- Thổ tả do cảm lạnh: người bị thường đau bụng, đi ngoài, nôn ra mật xanh, người mệt lả… Cho uống 30ml nước ép gừng lùi (nướng củ gừng tươi khoảng 50 - 60g vừa chín, cạo sạch vỏ, giã nát, thêm 20ml nước sôi nguội, vắt lấy nước).
- Đau bụng do cảm lạnh: đắp củ gừng nướng (khoảng 50g), lót giấy mỏng phía dưới rốn băng giữ gừng hoặc nhai 15g gừng nướng.
- Cảm lạnh thông thường: nước mũi trong chảy ròng: gừng tươi 10g lát mỏng, lá tía tô tươi 30g, phòng phong 10g. Sắc nước 2 lần lấy 1 chén thuốc. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
Hoặc ăn cháo giải cảm cùng gừng sống xắt chỉ 10g, tía tô rửa sạch xắt nhỏ 40g, hành tăm xắt nhỏ 15g. Tất cả cho vào chén to. Trứng gà tươi 1 quả, bỏ vỏ, đặt lên trên. Cháo loãng đang sôi dội lên cho trứng chín, đảo đều, ăn nóng, mỗi ngày 1 lần.
- Phòng chống cảm lạnh: người yếu, người già khi cần tắm, gội hoặc ra ngoài khi trời lạnh nên phòng chống cảm lạnh bằng cách cắt một lát gừng tươi cạo sạch vỏ (khoảng 15g) cho vào miệng nhấm nhẹ cho tiết chất cay rồi mới vào phòng tắm gội hoặc ra ngoài trờì. Khi tắm gội xong, mặc quần áo ấm, nhai nốt gừng đang ngậm sẽ đuổi lạnh và làm cho cơ thể thích nghi với môi trường.
- Dị ứng do ăn hải sản (sứa, sá sùng, tôm, cua, cá biển...): gừng tươi lát mỏng 20g, tía tô xắt nhỏ 50g. Cho một chén nước vào sắc sôi trong 15 phút. Lấy nước 1 cho bệnh nhân uống, rồi sắc tiếp nước 2 với 1/2 chén nước cho bệnh nhân uống tiếp 2 giờ sau.
- Ăn uống chậm tiêu, ậm ạch, khó chịu: gừng nướng cạo sạch vỏ 15 g, nhai nuốt cả bã. Ngày 1 lần.
- Chữa đau thắt ngực do vữa xơ mạch vành: gừng tươi 1 lát 5 g, nhai nuốt dần (mỗi ngày tối đa 3 lần).
Nên rửa sạch vỏ gừng trước khi ăn chứ không nên gọt bỏ vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Lương y Nguyễn Hồng Minh, những người trong ngoài đều nhiệt, vì nhiệt mà đau bụng, vì nhiệt mà thổ huyết thì không nên dùng gừng, vì tính cay nên làm tổn hại đến khí huyết cơ thể, không nên dùng trong thời gian dài.
Khi sử dụng gừng cần chú ý, không nên sử dụng quá 5gr gừng/ngày. Những người chuẩn bị mổ hoặc mới mổ xong không dùng gừng.
Về mặt lý thuyết, gừng là chống chỉ định ở những bệnh nhân có chảy máu tạng hoặc những người dùng các thuốc chống tiểu cầu hoặc warfarin, do vậy không dùng cho những trường hợp chảy máu cam, chảy máu răng, băng huyết, ho ra máu...
Đặc biệt lưu ý, gừng có tác dụng phụ làm tăng huyết áp, do vậy nếu dùng trên người bệnh có tăng huyết áp hết sức cẩn thận, không dùng lượng nhiều, không dùng lâu dài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận