Y tế

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường có nguy hiểm?

17/02/2022, 06:31

Hạ đường huyết là khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 3,9 mmol/L. Đây là tình trạng cấp tính nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường.

Hỏi:

Mẹ tôi mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm, đường huyết thường cao nhưng mới đây có xảy ra tình trạng hạ đường huyết. Vậy điều này có nguy hiểm không, thưa bác sĩ?

Nguyễn Hòa (Hà Nội)

img

Đo đường huyết thường xuyên rất cần thiết với người mắc tiểu đường (Ảnh minh họa))

BS. Vũ Thùy Thanh, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BV Bạch Mai trả lời:

Hạ đường huyết là khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 3,9 mmol/L. Đây là tình trạng cấp tính nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường. Tình trạng này nguy hiểm hơn tăng đường huyết rất nhiều, vì có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.

Có nhiều nguyên nhân gây hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường như: Đang được điều trị bằng tiêm insulin hoặc các thuốc uống nhằm kích thích tụy bài tiết insulin; sự thay đổi các sinh hoạt hàng ngày như chế độ ăn, luyện tập hoặc thay đổi liều insulin…

Hạ đường huyết gây ra các triệu chứng kích thích thần kinh và thiếu glucose não như: Run rẩy, hồi hộp, lo âu, nhịp tim và huyết áp tăng nhưng không nhiều, vã mồ hôi, da tái nhợt, cảm giác đói… nặng hơn bệnh nhân có thể có co giật và hôn mê.

Khi có biểu hiện hạ đường huyết cần nhanh chóng đưa đường huyết lên mức an toàn, ngừng ngay các thuốc hạ đường huyết hoặc insulin.

Với hạ đường huyết nhẹ: Có thể ăn bánh, hoa quả, sữa… hoặc bất cứ đồ ăn nào có sẵn trong nhà. Nếu không đỡ, cho bệnh nhân uống tối thiểu 15g glucos (3 miếng đường hoặc 3 thìa cà phê trong 100ml nước) hoặc 100 - 150 ml nước ngọt (hoa quả, coca-cola) trong 15 phút.

Thử lại đường huyết sau 15 phút. Nếu không đỡ, ngay lập tức bệnh nhân phải vào các cơ sở y tế để điều trị. Trường hợp bệnh nhân hôn mê không được cho bệnh nhân uống hay ăn vì rất dễ sặc vào phổi.

Để phòng bệnh, mọi người không nên nhịn đói hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức; không nên tự ý điều chỉnh insulin mà phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Vấn đề quan trọng ở người đái tháo đường là phải luôn kiểm soát đường huyết chặt chẽ, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.