Chính quyền xã không được thông báo xả lũ
Trong ba ngày từ 9 - 11/6, trận mưa lũ lịch sử tại Hà Giang đã gây sạt lở, ngập úng tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Tính đến chiều 11/6, ước tính thiệt hại ban đầu do mưa lũ khoảng hơn 60 tỷ đồng. Mưa lũ còn làm ba người chết, khiến hơn 1.400 ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng (trong đó thành phố Hà Giang có hơn 1.100 nhà bị ngập úng, nước tràn vào nhà). Để tránh ngập sâu tại thành phố Hà Giang, ba nhà máy thủy điện trên sông Miện và ba nhà máy thủy điện trên sông Lô đã đồng thời xả lũ.
Chiều 12/6, PV Báo Giao thông tìm hiểu thực tế tại địa bàn huyện Vị Xuyên và được biết một số xã nằm trên địa bàn phải chịu ảnh hưởng của việc xả lũ từ các nhà máy thủy điện trên. Tuy nhiên, theo phản ánh, người dân và chính quyền các xã đều không nhận được thông báo trước khi các nhà máy thủy điện này xả lũ.
"Khoảng 1h chiều ngày 10/6 là thời điểm nhà tôi ngập cao nhất, nước lên cao khoảng 1m so với nền nhà. Chúng tôi không được thông báo trước về việc xả lũ nên nước lên đến đâu mới dọn dẹp đến đấy", ông Sầm Văn Tiến (SN 1977, trú tại thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) chia sẻ.
Di chuyển dọc tuyến đường thôn Tân Lập (xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, Hà Giang), PV Báo Giao thông quan sát thấy vết nước ngấm vào nhà của các hộ dân có những nơi cao tới qua đầu người. Đến mùa thu hoạch, nhiều hộ gia đình đã chất nông sản trong nhà và không kịp di chuyển khiến nông sản bị ướt gây thiệt hại lớn.
Chị Nguyễn Thị Mai (trú tại thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) là một trong những hộ dân kinh doanh nông sản bị ảnh hưởng nặng nề, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
"Không được thông báo xả lũ nên chúng tôi không kịp xoay sở. Khoảng 5h30 sáng ngày 10/6, hàng xóm nhà tôi dậy, bước chân xuống giường thấy có nước mới nhận ra đã ngập vào tới nhà. Chúng tôi sang giúp nhà hàng xóm di chuyển đồ đạc thì nước cũng bắt đầu ngập vào nhà mình. Mọi người xúm vào giúp nhưng cũng không kịp vì nước lên quá nhanh", chị Mai cho biết.
"Vào thời điểm nước lên cao, ở khu vực nhà tôi có thể bơi được vì nước lên cao gần tới mái nhà. Các thiết bị điện tử trong gia đình như tủ lạnh, ti vi đều bị ngập nước, các loại nông sản trong nhà như cám, gạo, ngô cũng đều bị ướt. Nếu có thông báo trước thì chúng tôi đã chẳng có thiệt hại, do nước lên quá nhanh nên chúng tôi không thể làm gì", Chị Mai chia sẻ thêm.
Mở cửa xả tràn sau khi thông báo... 26 phút
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện UBND xã Ngọc Linh cho biết: Chúng tôi không nhận được thông báo nào về quy trình xả lũ của nhà máy thủy điện. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng hơn 500 triệu đồng.
Cùng chịu ảnh hưởng về việc các nhà máy thủy điện xả lũ, đại diện UBND xã Đạo Đức cho biết: Chúng tôi có 7/14 thôn bị ngập và không nhận được bất kì thông báo nào về quy trình xả lũ của nhà máy.
Để làm rõ hơn về vấn đề chính quyền xã và người dân không nhận được thông báo về quy trình xả lũ, PV Báo Giao thông đã liên lạc với UBND huyện Vị Xuyên.
Trước vấn đề này, một lãnh đạo UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Phía huyện đã có nhận được thông tin từ các nhà máy thủy điện về việc xả lũ qua tin nhắn zalo. Còn việc một số đơn vị xã không nhận được thông tin về việc xả lũ có thể do phía xã chưa kiểm tra thông báo.
Theo thông tin PV nhận được từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Xuyên (Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai), Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 đã có thông báo qua zalo về việc mở cửa xả tràn. Được biết, nhóm Zalo này đã bao gồm lãnh đạo xã các nơi có địa bàn bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo hình ảnh chụp màn hình mà đơn vị này cung cấp, Nhà máy thủy điện Sông Lô 2 (Xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) thông báo chỉ cách thời điểm mở cửa xả tràn 26 phút trong khi theo quy định, nhà máy phải thông báo trước ít nhất từ 2 - 5 giờ.
PV Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận