Ngày 17/11, tòa án tại The Hague, Hà Lan đã xét xử vắng mặt 4 nghi phạm bị cáo buộc liên quan vụ bắn rơi máy bay MH17 tại Ukraine năm 2014, khiến 298 thành viên phi hành đoàn và hành khách thiệt mạng.
Theo đó, tòa ra phán quyết án tù chung thân với các cựu nhân viên tình báo Nga Igor Girkin và Sergey Dubinskiy cùng lãnh đạo thuộc phe ly khai tại Ukraine - ông Leonid Kharchenko.
“Chỉ có hình phạt nghiêm khắc nhất mới tương xứng với những gì các nghi phạm đã gây ra cho các nạn nhân và thân nhân của họ”, Thẩm phán Hendrik Steenhuis cho hay.
Ba nghi phạm bị cáo buộc giúp sắp xếp vận chuyển tên lửa - được cho là vũ khí dùng để bắn rơi máy bay - vào Ukraine dù không trực tiếp là người khai hỏa.
Mảnh vỡ máy bay MH17. Ảnh - Reuters
Thẩm phán Hendrik Steenhuis cho biết tòa có nhiều bằng chứng từ lời khai nhân chứng và ảnh chụp theo dõi quá trình hệ thống tên lửa được vận chuyển vào và ra khỏi Ukraine để quay trở lại Nga.
Thẩm phán Steenhuis cũng khẳng định máy bay MH17 bị bắn rơi bởi hệ thống tên lửa Nga và Nga có “toàn quyền kiểm soát” lực lượng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự xưng), miền Đông Ukraine - khu vực máy bay MH17 bị bắn hạ, kể từ tháng 5/2014.
Một số bản ghi âm cuộc gọi điện thoại (là một phần trong số những bằng chứng quan trọng) cho thấy nhóm nghi phạm cho rằng họ đang nhắm đến một tiêm kích Ukraine.
Thẩm phán Steenhuis cho rằng điều này được tính vào tình tiết làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng về trách nhiệm hình sự của các nghi phạm, nhưng họ vẫn có ý định giết người và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Trong số 4 nghi phạm, chỉ có 1 nghi phạm còn lại là công dân Nga Oleg Pulatov khẳng định vô tội thông qua luật sư được anh này thuê để bào chữa tại phiên tòa. Sau phiên tòa, Pulatov được tha bổng. Ba nghi phạm bị kết án được cho là đang lẩn trốn tại Nga.
Máy bay MH17 của Malaysian Airlines cất cánh từ Amsterdam (Hà Lan) lên đường tới Kuala Lumpur (Malaysia) thì bị bắn rơi tại miền Đông Ukraine vào ngày 17/7/2014. Vào thời điểm đó, khu vực này đang xảy ra giao tranh giữa phe ly khai thân Nga tại Ukraine và lực lượng Ukraine.
Hơn 200 thân nhân của nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay MH17 đã tham dự phiên tòa tại Hà Lan ngày 17/11.
Ông Piet Ploeg, người đứng đầu một tổ chức đại diện cho các nạn nhân vụ rơi máy bay, cho biết: “Gia đình của các nạn nhân muốn sự thật, công lý được thực thi, những người liên quan bị trừng phạt và rất hài lòng trước phán quyết của tòa”. Anh trai, chị dâu và cháu trai của ông Ploeg đều thiệt mạng trong thảm kịch.
Trước thông tin về phán quyết của tòa án Hà Lan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi tòa án đã đưa ra “quyết định quan trọng”. Tuy nhiên, ông Zelensky cho rằng những người ra quyết định phóng tên lửa cũng cần bị trừng phạt.
Về phần mình, Nga phủ nhận liên quan tới vụ bắn rơi máy bay MH17. Nga cũng phủ nhận mọi sự hiện diện tại Ukraine ở thời điểm năm 2014.
Trước phán quyết của tòa án Hà Lan, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo cáo buộc quá trình xét xử của tòa án chịu sức ép chưa từng có tiền lệ từ chính trị gia, công tố viên và truyền thông Hà Lan để đưa ra phán quyết có động cơ chính trị.
Phía Nga cũng cho biết không chấp nhận phán quyết của tòa án Hà Lan, cho rằng quá trình xét xử diễn ra không công bằng khi các công tố viên lờ đi bằng chứng cho thấy tên lửa có khả năng được các lực lượng Ukraine phóng từ phần lãnh thổ do Kiev kiểm soát.
Trao đổi với hãng tin TASS, một quan chức Nga cho biết Moscow sẽ không dẫn độ 2 công dân Nga bị tòa án Hà Lan ra phán quyết tù chung thân.
Cuộc điều tra về thảm kịch MH17 do Hà Lan dẫn đầu và có sự tham gia của Ukraine, Malaysia, Australia và Bỉ.
Giới chức Hà Lan và Australia cho biết phiên tòa ngày 17/11 chưa phải phiên xét xử cuối cùng với những người liên quan vụ bắn rơi máy bay. Ông Andy Kraag, người đứng đầu nhóm điều tra, cho biết họ sẽ tiếp tục điều tra làm rõ những nghi phạm ở cấp chỉ huy cao hơn cũng như xác minh những nghi phạm trực tiếp khai hỏa tên lửa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận