Thế giới giao thông

Hà Lan mạnh tay cắt chuyến bay để giảm phát thải

20/04/2023, 06:12

Chưa có quốc gia nào mạnh tay như Hà Lan khi quyết định giảm cả số chuyến bay quốc tế để đạt mục tiêu khí thải.

Sân bay Schiphol, Amsterdam - một trong những trung tâm hàng không bận rộn nhất châu Âu đang đứng trước viễn cảnh phải giảm mạnh số chuyến bay, hạn chế bay khung giờ đêm.

Đề xuất một loạt biện pháp mạnh

img

Schiphol là sân bay bận rộn nhất Hà Lan và đứng thứ 5 ở châu Âu

Mới đây, Bộ Giao thông Hà Lan thông báo một gói biện pháp hạn chế đối với tất cả các chuyến bay quốc tế khởi hành từ Hà Lan. Mục đích cuối cùng là để giảm phát thải.

Trước đây, khu vực châu Âu đã có nhiều động thái để hạn chế hoặc cấm các chuyến bay vùng, các chuyến ngắn để giảm khí thải carbon.

Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào mạnh tay như Hà Lan khi quyết định giảm cả số chuyến bay quốc tế để đạt mục tiêu khí thải.

Ngành hàng không đang chiếm khoảng 2 - 3% lượng ô nhiễm gây hiện tượng ấm lên toàn cầu nhưng tỷ lệ phát thải tại từng quốc gia có thể cao hơn.

Đặc biệt, Hà Lan là quốc gia nhỏ nhưng có số lượng chuyến bay quá lớn. Do đó, nước này đã nhắm đến hàng không để đáp ứng các cam kết về khí hậu.

Bộ Giao thông Hà Lan cho biết, theo dự thảo mới, Schiphol và các sân bay khác sẽ từng bước giảm bớt phát thải trong thời gian tới.

Mỗi sân bay sẽ có mức phát thải CO2 tối đa và áp dụng trong nhiều năm. Qua đó, mức dư của năm nay có thể bù sang năm sau. Chính sách này sẽ giúp Hà Lan đuổi kịp mục tiêu giảm carbon.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục công bố thêm các chi tiết mới và cam kết sẽ bàn bạc với tất cả các bên liên quan.

Đặc biệt, sân bay Schiphol là một trung tâm hàng không lớn nhất của Hà Lan và lớn thứ 5 của Liên minh châu Âu. Do đó, Chính phủ Hà Lan đã nhắm tới sân bay này để làm điểm với dự thảo “Mô hình Schiphol sơ bộ”.

Trong đó, Chính phủ Hà Lan đề xuất cắt giảm số chuyến bay từ 500.000 chuyến xuống 460.000 chuyến trong thời gian từ mùa Đông năm 2023 đến mùa Hè 2024.

Cấm máy bay tư nhân, giảm bay đêm

img

Hãng hàng không KLM kiện Chính phủ Hà Lan vì đề xuất cắt giảm số chuyến bay tại Schiphol

Sau khi Chính phủ Hà Lan đưa ra thông báo trên, bản thân cảng hàng không Schiphol cũng chủ động công bố đề xuất cấm máy bay tư nhân.

Theo đó, dự kiến muộn nhất, vào năm 2025 - 2026, máy bay tư nhân sẽ không còn được chào đón tại Schiphol. Đồng thời, cảng hàng không này cũng sẽ cấm máy bay hạ cánh vào khoảng từ nửa đêm đến 5h sáng theo giờ địa phương hoặc cất cánh trong khoảng từ nửa đêm đến 6h sáng. Sân bay này cũng sẽ bỏ kế hoạch xây dựng đường băng mới.

Giải thích về việc đưa ra các biện pháp cứng rắn này, Schiphol cho hay, sở dĩ họ nhắm vào các máy bay tư nhân vì loại phương tiện này gây ra tổng lượng tiếng ồn và khí thải quá cao tính trên lượng hành khách.

Theo tính toán từ tổ chức giao thông sạch châu Âu, máy bay tư nhân tạo ra ô nhiễm gấp 14 lần so với máy bay thương mại và 50 lần so với tàu.

Thông thường, máy bay tư nhân khởi hành từ Schiphol sẽ có từ 30 - 50% số máy bay hướng đến các điểm du lịch nổi tiếng như Ibiza (Tây Ban Nha), Cannes (Pháp) hoặc Innsbruck (Áo). Trong khi, đã có rất nhiều chuyến bay từ Amsterdam đến các địa điểm này.

“Do vậy, các hành khách giàu có nên chọn các chuyến bay thương mại thay vì sử dụng máy bay tư nhân vì mục tiêu chung là giảm khí thải. Mặt khác, việc giảm tần suất bay đêm đồng nghĩa mỗi năm sẽ bớt được 10.000 chuyến bay đêm, từ đó giúp Schiphol không chỉ đạt được mục tiêu giảm phát thải mà còn giúp người dân địa phương bớt phải chịu tiếng ồn từ sân bay, tỷ lệ giấc ngủ tốt hơn sẽ tăng khoảng 54%” đại diện sân bay Schiphol nói và khẳng định, sẽ dần siết chặt các tiêu chuẩn hiện tại đối với máy bay được phép cất/hạ cánh tại đây.

Sân bay cũng cam kết sẽ để dành khoảng 10 triệu euro/năm cho quỹ môi trường đối với khu vực địa phương.

Tuy cắt giảm vận tải hành khách nhưng sân bay khẳng định, sẽ duy trì hoạt động vận tải hàng, giữ 2,5% slot cất/hạ cánh dành cho chở hàng. Dù vậy, các chuyến bay này cũng buộc phải tuân thủ quy định mới, chặt chẽ hơn về tiếng ồn và hạn chế bay đêm.

Ông Ruud Sondag, Giám đốc điều hành Tập đoàn Schipol, đơn vị quản lý sân bay Amsterdam cho rằng, cần thay đổi tư duy, không nên chạy theo tăng trưởng mà bỏ quên những tác động về môi trường.

Các hãng hàng không phản đối kịch liệt

Đề xuất của Hà Lan và sân bay Schiphol vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các hãng hàng không.

KLM – hãng hàng không quốc gia Hà Lan và một trong những hãng bay lớn nhất thế giới hoạt động tại Schiphol bày tỏ kinh ngạc và quan ngại.

Các hãng hàng không như KLM và nhiều “ông lớn” khác như hãng Delta, Easy Jet cùng ra thông báo chung, chỉ trích quyết định này là “khó hiểu”.

Họ cho rằng: “Các hãng hàng không đã đầu tư hàng tỷ euro để đáp ứng các mục tiêu gần và dài hạn theo đúng quỹ đạo giảm carbon và chính sách chính phủ đề ra nhưng các nhà quản lý lại quyết hạn chế hoạt động mà không cân nhắc tới các giải pháp thay thế khác”.

Delta Airlines vốn là một đối tác quan trọng của KLM và là cổ đông lớn của liên doanh Air France-KLM, cũng cực lực phản đối việc giảm công suất tại sân bay Schiphol.

Hãng bay này khẳng định, vẫn tập trung vào đầu tư cho chương trình hiện đại hóa, tái tạo, coi đây là phương pháp hiệu quả nhất để hạn chế các vấn đề môi trường và tiếng ồn.

Thậm chí, KLM đã nộp đơn kiện Chính phủ Hà Lan về quyết định trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.