Hạ tầng giao thông là động lực
Nằm ngay quốc lộ 21A, trung tâm thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng), dự án Flamingo Golden Hill Hà Nam (do Flamingo Group làm chủ đầu tư) đang thu hút sự quan tâm giới đầu tư bất động sản. Dự án có diện tích 6,5ha, sản phẩm gồm 180 lô liền kề (3-4 tầng) và biệt thự (4 tầng), bàn giao thô, hoàn thiện mặt ngoài.
Khách hàng đến xem quy hoạch dự án Sun Urban City Hà Nam.
Anh T, nhân viên sale cho biết: "Dự án nằm cách sân golf BRG 2km, đối diện khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc. Dự án đã xây xong, khách hàng thanh toán, nhận nhà luôn. Sổ đỏ sở hữu lâu dài, đã tách từng lô. Căn diện tích 105m2 có giá gần 6 tỷ đồng".
Cũng trên địa bàn Hà Nam, Sun Property (thành viên Sun Group) vừa khởi công dự án Đô thị thời đại Sun Urban City (khu vực Bắc Châu Giang, TP Phủ Lý). Theo giới thiệu của SunGroup, dự án có quy mô 420ha, tổng mức đầu tư lên đến 35.000 tỷ đồng.
Sun Urban City thừa hưởng và đón đầu hạ tầng giao thông huyết mạch như: quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, các tuyến vành đai 3.5, 4. Tới đây là nút giao Phú Thứ trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hoàn thành năm 2025; sân bay thứ hai vùng Thủ đô dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng tại huyện Ứng Hòa - Phú Xuyên (Hà Nội)...
Dự án chưa có thông tin về giá bán cụ thể, song được kỳ vọng tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nam, đem lại công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.
Hạ tầng giao thông chính là động lực thúc đẩy các "ông lớn" bất động sản công nghiệp về Hà Nam. Trong đó, Taseco Land đầu tư dự án khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III. Dự án nằm ngay phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với diện tích 223ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.320 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút gần 500 dự án đầu tư.
Còn nhiều dư địa thu hút đầu tư
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), từ đầu năm đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh Hà Nam thu hút 29 dự án (bằng 223% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh vốn 22 dự án (bằng 200% so với cùng kỳ năm 2023).
Dự án Flamingo Hà Nam.
Bà Phạm Thị Miền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản cho biết, toàn tỉnh Hà Nam hiện chỉ có khoảng hơn 40 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Theo bà Miền, trước năm 2023, nguồn cung nhà ở Hà Nam chủ yếu là các sản phẩm đất nền và một lượng nhỏ căn nhà ở thấp tầng từ các dự án quy mô nhỏ. Những năm gần đây, Hà Nam thu hút nhiều nhà đầu tư như: Sun Group, Bitexco, BRG Group, T&T hay Icon4... nhờ sở hữu lợi thế vị trí, giao thông.
TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, khi hạ tầng giao thông phát triển sẽ kéo theo cơ hội cho các ngành dịch vụ, thương mại, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Giao thông thuận tiện, hệ thống tiện ích đồng bộ, hiện đại cũng sẽ thu hút dân cư đến sinh sống và làm việc, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.
"Hà Nam nằm trên trục kinh tế Bắc - Nam, có lợi thế để tăng trưởng. Hà Nam cũng phát triển chậm hơn Bắc Ninh, Hưng Yên và một số tỉnh, thành phía Bắc, nhưng đây lại là may mắn khi Hà Nam còn dư địa, cơ hội thu hút các tập đoàn lớn, đầu tư bài bản", ông Đính nói.
Nhiều kỳ vọng
Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện Flamingo cho biết, vị trí đắc địa là yếu tố cốt lõi để Flamingo lựa chọn Hà Nam là điểm đến đầu tư. Hà Nam có lợi thế sẵn có về quỹ đất sạch, môi trường đầu tư thông thoáng.
Một dự án bất động sản đang xây dựng tại Hà Nam.
Những năm gần đây, tỉnh đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, mở rộng không gian đô thị, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai. Chính vì vậy, thị trường du lịch và bất động sản Hà Nam đứng trước cơ hội phát triển vô cùng lớn.
"Chúng tôi đã phát triển Golden Hill theo mô hình khu đô thị, quần thể nghỉ dưỡng cao cấp và đặc biệt với sản phẩm bất động sản đỉnh cao cùng hàng trăm dịch vụ, tiện ích... Flamingo Golden Hill Hà Nam kỳ vọng sẽ chung tay phát triển thị trường du lịch và bất động sản tỉnh lên một tầm cao mới", vị này cho biết.
Ông Trần Minh Sơn, Phó chủ tịch Tập đoàn Sun Group cũng chia sẻ, Sun Urban City khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tạo môi trường sống tốt hơn cho người dân. Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, du lịch.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam, trong quý II/2024, số lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng đạt 4.314 giao dịch, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị giao dịch lên tới 2.562 tỷ đồng.
Giá bất động sản khá thấp, đất nền dao động 15-20 triệu đồng/m2, khu vực trung tâm TP Phủ Lý chỉ khoảng 40 triệu đồng/m2. Hà Nam cũng đã chấp thuận đầu tư 4 dự án nhà ở thương mại và lựa chọn đầu tư cho 2 dự án khác.
Hiện nay, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang được đẩy nhanh. Điển hình như dự án xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, TP Phủ Lý với tổng mức đầu tư 1.398,7 tỷ đồng; Dự án đầu tư tuyến đường bộ song hành quốc lộ 21 (Kim Bảng) tổng mức đầu tư 691,4 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường vành đai 4, 5 qua quốc lộ 38 đến quốc lộ 21 huyện Kim Bảng với tổng mức đầu tư 1.496 tỷ đồng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận