Hết cảnh ùn tắc trên đường Phạm Văn Đồng
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, tuyến đường Vành đai 3 trên cao (cầu cạn) đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (do Ban QLDA Thăng Long - Bộ GTVT làm chủ đầu tư) giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng và kết nối trung tâm TP Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh khu vực phía Bắc. Sau 28 tháng triển khai thi công, công trình trọng điểm của Bộ GTVT với tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước) đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ hôm qua (11/10).
Ghi nhận của PV, ngay khi tổ chức thông xe, các phương tiện đã được phép lưu thông trên cung đường trên cao đẹp nhất Thủ đô, dài hơn 5,3km với 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, cho phép xe chạy với vận tốc 100km/h từ chân cầu vượt Mai Dịch đến điểm cuối tiếp giáp với chân cầu Thăng Long.
Theo phương án phân luồng và tổ chức của Sở GTVT Hà Nội trong thời gian sửa chữa mặt cầu Thăng Long, các phương tiện được phép lưu thông trên đoạn tuyến cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long gồm: Xe ô tô con, xe tải có khối lượng toàn bộ dưới 5 tấn.
Ghi nhận tại đường Vành đai 3 đi thấp (đường Phạm Văn Đồng) đã hoàn thành mở rộng với 12 làn xe (mỗi bên 6 làn), đường rất thông thoáng, kết hợp với lượng xe phân lưu đi lên cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, khiến hình ảnh về tuyến đường dài hơn 5km đã lột xác hoàn toàn, không còn cảnh tượng ùn tắc diễn ra như vài năm trước đây.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long kết hợp với tuyến Vành đai đi thấp bên dưới đã giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc thường xảy ra trước đây trên đường Phạm Văn Đồng.
Trước 30/4, hoàn thiện các nhánh ramp ra, vào cầu cạn
Tại lễ khánh thành dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long tổ chức sáng 11/10, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, ông Chu Ngọc Anh cũng đề nghị Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long tiếp tục hoàn thiện 6 nhánh ramp ra, vào và nghiên cứu đầu tư mở rộng hai bên cầu vượt Mai Dịch, đầu tư xây dựng hầm chui Hoàng Quốc Việt tại nút giao với đường Phạm Văn Đồng để phát huy tối đa hiệu quả của dự án cầu cạn.
Ông Phạm Anh Tú, Giám đốc Điều hành dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, theo thiết kế ban đầu được Bộ GTVT phê duyệt, dự án chỉ đầu tư cầu cạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, không xây dựng các nhánh ramp ra, vào tuyến đường.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án còn dư vốn nên Bộ GTVT đã phê duyệt bổ sung 6 nhánh ramp lên xuống (trái tuyến 3 nhánh và phải tuyến 3 nhánh) tại các khu vực gần ngã tư Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế và Tân Xuân.
“Chúng tôi đang chỉ đạo các nhà thầu tập trung đối đa để khẩn trương thi công 6 nhánh ramp này ngay khi dự án thông xe. Dự kiến, các nhánh ramp này sẽ hoàn thành toàn bộ để đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2021 để kết nối cầu cạn với khu vực xung quanh”, ông Tú nói.
Mặt khác, để tối ưu hóa hiệu quả công trình, Bộ GTVT đang báo cáo Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dư từ dự án (hơn 2.000 tỷ đồng) để đầu tư bổ sung xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường Hoàng Quốc Việt, đồng thời mở rộng cầu Mai Dịch thêm mỗi bên 7m để khai thác đồng bộ toàn tuyến Vành đai 3 trên cao từ Bắc hồ Linh Đàm - Nam Thăng Long.
Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực của Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long trong quá trình thực hiện đầu tư dự án.
Phó Thủ tướng đặc biệt biểu dương các nhà thầu, tư vấn giám sát, các kỹ sư, công nhân, lao động trên công trường đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục rất nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu, lao động làm việc ngày đêm để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn.
Theo Phó Thủ tướng, việc hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội, đảm bảo tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận, tạo động lực phát triển KT - XH của các khu vực này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận