Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đang phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm ghi hình, xử lý các trường hợp xả rác không đúng quy định trên phố đi bộ Hồ Gươm. Từ khi triển khai, hầu hết người dân và du khách đều sợ bị ghi hình xử phạt nên không dám vi phạm...
Bố trí camera và hơn 30 nhân viên giám sát xử phạt
Tối 4/6, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên các tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm như: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay... gần như sạch bóng rác. Hàng chục tấm biển nhựa cảnh báo không xả rác bừa bãi được các cơ quan chức năng đặt xung quanh các tuyến phố đi bộ. Nội dung biển cảnh báo nhắc nhở mọi người để rác đúng nơi quy định và cảnh báo về mức xử phạt có thể lên tới 7 triệu đồng. “Chúng tôi sẽ chụp ảnh, quay phim hành vi xả rác bừa bãi”, nội dung các tấm biển nêu rõ.
Theo Điều 20 Nghị định 155 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.
Cũng theo ghi nhận của PV, hai máy quay cố định được Urenco đặt tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay. Khoảng hơn 30 nhân viên thay phiên nhau nhắc nhở, ghi hình những trường hợp cố tình vứt rác bừa bãi và chuyển hình ảnh trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt.
Anh Đồng Mạnh Quyền, một người vẽ tranh ký họa khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cho biết, vào những ngày cuối tuần, quảng trường là nơi tập trung rất nhiều bạn trẻ đến sinh hoạt, ca hát theo nhóm, mỗi lần các nhóm rời khỏi lại để lại rất nhiều bọc rác, vỏ bánh kẹo, cốc nước sử dụng một lần. Chưa kể khu vực này lại gần các tiệm bán kem Thủy Tạ. Nhiều người ăn xong là xả luôn rác ra đường, nhìn rất mất mỹ quan.
“Tuy nhiên, từ khi việc theo dõi hành vi vứt rác bừa bãi bằng camera được gắn bảng biển thông báo rộng rãi, các tuyến đường xung quanh Hồ Gươm gần như thay đổi diện mạo. Những đứa trẻ đến phố đi bộ chơi cũng được gia đình nhắc nhở bỏ rác đúng nơi quy định”, anh Quyền nói.
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trung bình mỗi ngày, phố đi bộ đón 20.000 - 25.000 lượt khách tham quan. Ngày lễ, Tết có thời điểm lên tới 200.000 người.
Sau mỗi lần sự kiện ngoài trời được tổ chức, tuyến phố đi bộ tràn ngập rác thải, đồ ăn thừa, túi nilon. Thống kê của Xí nghiệp Môi trường đô thị số 2 (Urenco2), trung bình mỗi ngày đơn vị này thu gom hơn 200 tấn rác thải sinh hoạt từ khu vực phố đi bộ. Do đó, để đảm bảo mỹ quan trong các tuyến đường lõi đô thị, Urenco đang phối hợp với quận Hoàn Kiếm lắp thí điểm hai camera đặt cố định tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay, ghi hình những người xả rác bừa bãi ở khu vực Bờ Hồ, phố đi bộ. Khi phát hiện hàng quán, khách du lịch xả rác bừa bãi, hơn 30 nhân viên môi trường ghi hình làm bằng chứng.
Một công nhân thuộc Urenco phụ trách bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực quận Hoàn Kiếm cho biết, trước đây, nhân viên môi trường luôn phải “vật vã” bởi rác thải xung quanh Hồ Gươm. Vừa dọn đằng trước, đằng sau người đi bộ lại xả rác xuống. Dù liên tục nhắc nhở, nhưng mọi người ngó lơ.
“Có trường hợp mình đi sau tận mắt thấy họ xả rác trên vỉa hè, thậm chí ném các túi đồ ăn thừa vào bãi cỏ, nhưng khi nhắc nhở, họ chối bay chối biến. Nhưng từ khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt, ý thức của người dân đến phố đi bộ cao hơn nhiều, ai cũng sợ bị phạt nên đều mang rác bỏ đúng nơi quy định theo chỉ dẫn của các bảng khuyến cáo”, nhân viên này cho hay.
Sẽ nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, không gian đi bộ Hà Nội mở cửa từ 19h đến 24h các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần thường xuyên xuất hiện tình trạng xả rác bừa bãi không theo quy định nào.
“Để thay đổi tình trạng này, chúng tôi thí điểm lắp camera xử phạt vi phạm. Công việc ghi hình này được thực hiện vào 3 ngày cuối tuần. Khi phát hiện hàng quán, khách du lịch xả rác bừa bãi thì nhân viên môi trường ghi hình làm bằng chứng”, ông Tiến nói và cho biết, với du khách và người dân vi phạm, công ty sẽ gọi công an khu vực, trật tự phường đến lập biên bản ngay; còn với hàng quán có địa chỉ cụ thể, đơn vị tổng hợp video gửi cho chính quyền xử phạt.
Theo ông Tiến, sau một tháng triển khai, đơn vị đã cung cấp hình ảnh để chính quyền xử phạt 26 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 40 triệu đồng. Trong đó, phạt một đơn vị tổ chức sự kiện với số tiền 8 triệu đồng.
“Chỉ sau hơn một tháng thí điểm, chúng tôi thấy việc này rất hiệu quả. Hầu hết người dân, du khách đều có ý thức hơn. Đặc biệt các hộ kinh doanh trong không gian đi bộ sợ bị ghi hình xử phạt không dám vi phạm nữa. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị dựng thêm camera xử phạt trên các địa bàn quận khác để nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố, tạo thói quen tốt cho người dân”, ông Tiến nhìn nhận.
Lãnh đạo Urenco cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ đặt biển cảnh báo tại 14 chốt ra vào và 50 biển đặt tại các tuyến phố trong không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm. Cùng đó, sẽ lắp đặt thêm các thùng rác để du khách có chỗ bỏ rác.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, để xử lý tình trạng xả rác nơi công cộng, các phòng ban từ Tài nguyên - Môi trường, Quản lý đô thị, Ban Quản lý dự án - Đầu tư xây dựng, Công an quận, Xí nghiệp Môi trường đô thị Chi nhánh Hoàn Kiếm và UBND 18 phường cử cán bộ tham gia kiểm tra việc đảm bảo trật tự đô thị, trật tự ATGT, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận từ 20h - 23h vào các buổi tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận