Riêng Transerco đã cần 21 nghìn tỷ đồng để thay mới toàn bộ đoàn phương tiện
UBND TP Hà Nội đang giao Sở GTVT Hà Nội cùng phối hợp với các đơn vị xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane (khí mê-tan) của ngành GTVT.
Xe buýt điện giúp giảm ô nhiễm môi trường hướng đến cuộc sống xanh, sạch - Ảnh minh hoạ
Là đơn vị được giao tham mưu, xây dựng kế hoạch sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh trên địa bàn,Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, hiện nay, đơn vị này đang vận hành 83 tuyến buýt đấu thầu và 1 tuyến buýt BRT đặt hàng với tổng số phương tiện gần 1.100 xe.
Theo Quyết định số 876 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane (khí mê-tan) của ngành GTVT, trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45% -50%.
Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.
Từ năm 2016 đến nay, Tổng công ty đã tập trung đầu tư gần 600 xe buýt mới tiêu chuẩn khí thải Euro 3 & 4 để thay thế các phương tiện cũ. Số phương tiện dưới 5 tuổi hiện là khoảng 800 xe chiếm trên 73% tổng số phương tiện.
Xét theo công bố của một số nhà sản xuất, pin của xe buýt điện có thể chạy từ 250 - 300 km/1 lần sạc. Các tuyến xe buýt điện đang thí điểm tại Hà Nội hiện nay có tổng quãng đường chạy là 230 - 240 km/xe/ngày.
Tuy nhiên, đối với các tuyến xe buýt Tổng công ty đang vận hành đa số có năng suất 250 - 300 km/xe/ngày và có nhiều tuyến trên 300 km/xe/ngày.
Do vậy, dự kiến tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% đoàn phương tiện hiện có của Tổng công ty.
Ngoài ra, theo Transerco, các phương tiện này vẫn còn niên hạn sử dụng sau khi đấu thầu lại từ năm 2025 và sẽ được thay thế trong 2 - 4 năm kể từ khi đấu thầu lại.
Để có thể đưa các tuyến này chuyển sang xe buýt điện và việc đầu tư thay thay thế phù hợp lộ trình đầu tư thay thể chuyển sang xe buýt điện tại Chương trình hành động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khi đấu thầu lại các tuyến này, hồ sơ mời thầu và hợp đồng cần bao gồm cả định mức, đơn giá cho cả chủng loại xe buýt diesel và xe buýt điện và cho phép thay thế xe buýt diesel bằng xe buýt điện khi xe buýt diesel hết 10 năm khai thác theo quy định về khấu hao của Thành phố.
Thời hạn tính khấu hao phương tiện để xác định đơn giá khấu hao phương tiện tại quyết định số 1494 của Thành phố là 10 năm. Để các đơn vị xe buýt thu hồi đủ vốn đầu tư phương tiện, việc thay thế sang xe buýt điện chỉ xem xét khi đầu tư, thay thế xe buýt đủ thời gian khai thác theo định mức khấu hao quy định (10 năm theo quy định của Thành phố).
Với các tuyến còn lại, Transerco cho biết "cần phải được xem xét kỹ hoặc đến thời điểm đó, nhà sản xuất nâng được tổng số km xe chạy cho một lần sạc, phù hợp với quãng đường đi lại của các tuyến đó". Cụ thể là 21 tuyến và nhánh tuyến có năng suất ngày xe từ 260 - 300 km/xe/ngày ( tổng số xe vận doanh là 224, chiếm 20,5% đoàn phương tiện); 29 tuyến và nhánh tuyến có năng suất ngày xe từ 300 - 400 km/xe/ngày ( tổng số xe vận doanh là 259 xe, chiếm 23,7% đoàn phương tiện); 15 tuyến và nhánh tuyến có năng suất ngày xe trên 400 km/xe/ngày ( tổng số xe vận doanh là 161 xe, chiếm 14,8% đoàn phương tiện).
Riêng 3 tuyến sử dụng xe buýt nhỏ (23, 84, 99), Transerco đề xuất chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện do thị trường hiện nay chưa có xe buýt điện loại nhỏ.
Về tuyến BRT, lãnh đạo Transerco cho hay xe trên tuyến thuộc tài sản của dự án tuyến xe buýt nhanh BRT, chưa giao vốn về Tổng công ty và dự án đang trong giai đoạn quyết toán. Bên cạnh đó, thị trường cũng chưa có loại xe buýt nhanh BRT sử dụng điện. Tổng công ty chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện.
Cũng theo lãnh đạo Transerco, các tuyến buýt hiện nay thực hiện theo hợp đồng thầu theo định mức, đơn giá xe buýt diesel. Nếu chuyển sang xe buýt điện trong thời gian hợp đồng thầu sẽ làm thay đổi cơ bản so với hồ sơ mời thầu và hợp đồng thầu, chưa phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu. Vì vậy, việc xem xét chuyển sang xe buýt điện nên xem xét khi đấu thầu lại các tuyến từ năm 2025 đối với các tuyến có phương tiện đã khai thác đủ 10 năm theo quy định của Thành phố.
"Qua rà soát, khi đấu thầu lại các tuyến từ năm 2025, tất cả các phương tiện của Tổng công ty đều còn thời gian khai thác dưới 10 năm và sẽ được thay thế sau khi đấu thầu lại 2-3 năm.
Bên cạnh đó, có một số tuyến sẽ thay thế phương tiện mới từ 1-2 nằm ngay trước năm đấu thầu lại vào năm 2025. Nếu chuyển ngay sang xe buýt điện thay thế các phương tiện vẫn còn thời gian khấu hao xe theo quy định của Thành phố khi đấu thầu lại mà không có phương án khai thác tiếp số phương tiện này sẽ là lãng phí.
Tổng công ty đề xuất Thành phố và Sở GTVT xem xét chỉ đạo phương án xử lý đối với số phương tiện thay ra có thời gian sử dụng dưới 10 năm để các đơn vị vận tải thu hồi vốn đầu tư", lãnh đạo Transerco kiến nghị.
Cách nào để chuyển sang 100% xe buýt điện?
Căn cứ kế hoạch lộ trình chuyển sang sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh tại Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT được phê duyệt tại quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ; đặc điểm kỹ thuật luồng tuyến, đặc điểm hoạt động của xe buýt tại Hà Nội, để bảo đảm việc các tuyến hoạt động phù hợp với đặc điểm kỹ thuật, khả năng hoạt động của các loại xe buýt điện hiện nay, Transerco cũng đề xuất tiêu chí lựa chọn các tuyến để xây dựng lộ trình chuyển sang sử dụng xe buýt điện.
Cụ thể, Thành phố cần chỉ đạo xây dựng lộ trình triển khai xe buýt điện để các doanh nghiệp vận hành xây dựng phương án chuẩn bị; Nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu kỹ thuật vận hành phù hợp với đặc điểm kỹ thuật của xe buýt điện và điều chỉnh định mức năng suất ngày xe đối với xe buýt điện không quá 250 km/xe/ ngày.
Xây dựng hồ sơ đấu thầu lại vận hành các tuyến xe buýt bao gồm cả chỉ tiêu vận hành, định mức, đơn giá cho xe buýt diesel và xe buýt điện để làm căn cứ thực hiện chuyển sang xe buýt điện khi đến thời điểm phải thay xe mới trong quá trình thực hiện hợp đồng thầu.
Thành phố có chính sách nhất quán và bố trí đủ nguồn ngân sách trợ giá đảm bảo ổn định hàng năm cho mạng lưới xe buýt khi chuyển dần sang xe buýt điện nhằm ổn định chất lượng dịch vụ mạng lưới VTHKCC của Thủ đô. Xem xét các tuyến sẽ đấu thầu lại từ năm 2025 và đến thời điểm thay thế phương tiện;
Đối với những tuyến năng suất ngày xe trên 250 km/ xe/ ngày: để có thể chuyển sang sử dụng xe buýt điện, Tổng công ty đề xuất nghiên cứu điều chỉnh các chỉ tiêu kỹ thuật vận hành tuyến và thay đổi định mức ca xe tại quyết định 1494 của xe buýt diesel cho phù hợp với đặc điểm kỹ thuật của xe buýt điện (là đảm bảo định mức ngày xe hoạt động không quá 250 km/xe/ ngày).
Thực tế, theo thông tin của Báo Giao thông, chi phí mà doanh nghiệp phải trả nếu đầu tư xe buýt điện sẽ cao gấp 3,5 đến 5 lần xe xăng. Theo chi phí khái toán của Transerco, nếu chuyển toàn bộ đoàn phương tiện của đơn vị này sang sử dụng xe buýt điện, ước tính tổng chi phí đầu tư là khoảng 21 nghìn tỉ đồng.
"Với chi phí đầu tư như trên là rất lớn so với nguồn lực của Tổng công ty hiện nay, nên rất cần sự hỗ trợ chính sách từ Thành phố", lãnh đạo Transerco nói và nhấn mạnh: Do chi phí đầu tư lớn, nên chi phí vận hành (trợ giá) cũng tăng hàng năm theo km và khấu hao phương tiện, thiết bị của loại hình xe buýt điện.
Để có thể triển khai xe buýt điện trong thời gian tới, Transerco đề nghị Sở GTVT báo cáo đề xuất UBND Thành phố xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là bố trí ngân sách hỗ trợ cho xe buýt công cộng đồng thời chỉ đạo xây dựng và phê duyệt đơn giá, định mức áp dụng với loại hình xe buýt điện để làm cơ sở đấu thầu chuyển sang xe buýt điện, đặc biệt là định mức, đơn giá khấu hao phương tiện, hạ tầng xe buýt điện đảm bảo thu hồi vốn đầu tư...
Cùng đó, UBND Thành phố có chính sách hỗ trợ vay vốn và lãi vay đầu tư xe buýt điện, hạ tầng phục vụ xe buýt điện; chỉ đạo các công ty điện lực hỗ trợ và có phương án cung cấp nguồn điện công suất lớn để vận hành các trạm nạp xe điện tại Depot và tại một số điểm khẩn cấp trên đường.
Trước đó, ngày 2/12/2021 TP. Hà Nội chính thức đưa vào khai thác thương mại tuyến xe buýt điện đầu tiên của VN. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có 9 tuyến buýt điện hoạt động có trợ giá gồm: Tuyến E01 Bến xe Mỹ Đình - Ngã Tư Sở - KĐT Ocean Park; tuyến E02: Hào Nam - Long Biên - KĐT Ocean Park; tuyến E03: Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Thái Hà - KĐT Ocean Park; tuyến buýt E04 lộ trình Khu đô thị Vinhomes Smart City - Trung tâm thương mại Vincom Plaza Long Biên; tuyến E05: Long Biên - Cầu Giấy - KĐT Smart City; tuyến E06: Bến xe Giáp Bát - Bến xe Nước ngầm - KĐT Smart City; tuyến E07: Long Biên - Bờ Hồ - KĐT Smart City tuyến E08: Khu Liên Cơ Sở ngành Hà Nội - Khu Ngoại giao Đoàn - KĐT Times City; tuyến xe buýt điện E09 có lộ trình KĐT Smart City - công viên nước Hồ Tây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận