Bán hàng online: đồ thiết yếu cũng tê liệt
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Hương (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), một người bán đồ ăn online không giấu nổi sự bức xúc khi cho rằng: Hạn chế shipper khiến hoạt động kinh doanh gần như tê liệt, ảnh hưởng đến mưu sinh của nhiều gia đình!
Chị Hương kể, từ ngày dịch Covid-19 lần 2 bùng phát, con gái lớn của chị đã phải nghỉ làm ở sân bay Nội Bài sau vài tháng được nhận chính thức. Sau đó ít tháng, cậu con trai làm pha chế ở một quán bar cũng phải ở nhà vì cắt giảm nhân viên.
"Việc đông đảo người giao hàng nghỉ việc và doanh nghiệp liên quan ngừng hoạt động sẽ dẫn đến khủng hoảng trong chuỗi cung ứng". Ảnh minh họa: Nguyên Vũ.
Cả nhà 4 miệng ăn chỉ biết nhìn vào đồng lương công nhân ít ỏi của chị. Các đợt dịch liên tiếp đến khiến các con chị cũng chưa được gọi đi làm trở lại. Chị quyết định làm xúc xích kiểu Đài Loan để bán online từ đầu tháng 7.
Lượng người mua ủng hộ cũng nhiều, khách còn đặt thêm để dự trữ những ngày dịch. Tuy nhiên, từ ngày 29/7, Hà Nội quy định shipper không được hoạt động ngoài quận, huyện khiến chị Hương rơi vào bế tắc.
Chị Hương cho biết, mấy ngày trước con trai chị còn đi giao hàng được nhưng nay các chốt lập nghiêm ngặt, con trai lại không thuộc đối tượng đi làm việc nên không thể đi ra khỏi nhà. Chị đã tìm đặt các shipper của các hãng giao hàng nhưng họ chỉ nhận nội quận, không chấp nhận đi ngoài quận dù ngỏ ý tăng thêm tiền cước phí.
"Thời điểm người dân ở nhà tức là họ rất cần ship hàng. Cấm như vậy khổ cả người mua lẫn người bán", chị Hương nói.
Chị Hương chỉ là một trong số rất nhiều người bán hàng thực phẩm online đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì quy định này của Hà Nội.
Chị Đỗ Thị Nhuận (Từ Liêm, Hà Nội), một người bán các loại thức ăn chế biến sẵn cho biết, từ ngày Hà Nội giãn cách xã hội, nhu cầu đặt hàng tăng rất cao, cũng vì nhiều gia đình hạn chế đi chợ búa, mua sắm. Tuy nhiên, sau khi Hà Nội hạn chế hoạt động của các shipper (bằng cách cấp một lượng thẻ hoạt động nhất định), giá ship đắt gấp rưỡi, gấp đôi khiến chi phí của những người kinh doanh như chị tăng vọt. Đặc biệt, trong 3 ngày gần đây, việc buôn bán của chị gần như tê liệt vì chỉ ship được nội quận, trong khi khách quen của chị ở khắp nơi trong thành phố.
"Giờ muốn bán cho khách ở địa bàn khác ngoài quận Từ Liêm, tôi phải đặt qua mấy cầu, kể cả việc nhờ người quen có giấy đi đường chuyển giúp, khiến thời gian, chi phí tăng vọt. Đây là một sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội trong bối cảnh người dân ai ai cũng lo thắt lưng buộc bụng vì dịch bệnh. Đó là chưa kể, việc một gói hàng được ship qua nhiều chặng mới đến tay người tiêu dùng cũng làm gia tăng tiếp xúc, gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh", chị Nhuận nói.
PV đã liên hệ với AhaMove để tìm hiểu thông tin và được biết, hiện hầu hết các hãng giao hàng đều đang áp dụng chính sách giao hàng nội quận.
Đại diện AhaMove cho biết, kể từ 6h ngày 29/7/2021, AhaMove chỉ nhận giao các đơn hàng là mặt hàng thiết yếu với điều kiện địa chỉ lấy và giao hàng nằm trong cùng một quận, huyện tại Hà Nội và TP. HCM.
Theo vị đại diện, sở dĩ có quy định này là do công ty đang thực hiện theo công văn 2491/UBND-ĐT về Tăng cường quản lý hoạt động xe mô tô ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cần coi shipper đang làm nhiệm vụ chống dịch
Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, vận hành tốt hoạt động thương mại điện tử sẽ góp phần quan trọng cho việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Thực tế cho thấy, việc giãn cách ở mức cao và dài ngày dẫn tới nhu cầu của người dân sẽ phức tạp hơn so với giãn cách dưới 15 ngày, đồng thời bộc lộ một số nhận thức và giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử chưa phù hợp.
Trong khi, hoạt động TMĐT được thực hiện trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhưng với hàng hoá hữu hình không thể tách rời đội ngũ giao hàng.
"Do chưa đánh giá đầy đủ về vai trò của đội ngũ này trong thời gian qua dẫn đến tâm lý tiêu cực của nhiều người giao hàng và các doanh nghiệp quản lý họ.
Do dó, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt tại các chốt kiểm soát giao thông, cần coi người giao hàng đang làm nhiệm vụ chống dịch", Hiệp hội TMĐT Việt Nam thông tin.
Cũng theo Hiệp hội này, việc đông đảo người giao hàng nghỉ việc và doanh nghiệp liên quan ngừng hoạt động sẽ dẫn đến khủng hoảng trong chuỗi cung ứng; ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân các địa phương đang giãn cách xã hội ở mức cao.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) Đặng Hoàng Hải cho biết: Các shipper của các sàn TMĐT sẽ được sàn đăng ký trực tiếp với Sở Giao thông Vận tải (GTVT).
Nếu sàn thương mại điện tử có các đối tác vận chuyển như giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm, J&T Express, AhaMove... thì sàn phải làm việc với hãng giao nhận, đăng ký danh sách với Sở GTVT.
"Sàn TMĐT phải đứng ra đăng ký danh sách shipper cho hãng giao nhận là đối tác của mình. Đối tác chỉ được vận chuyển hàng cho sàn, không được vận chuyển bất kỳ loại hàng hóa nào khác", ông Hải thông tin.
Còn các siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm có nhu cầu thuê đối tác vận chuyển hàng hóa, thì siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm phải đứng ra đăng ký shipper với Sở Công thương tổng hợp, chuyển sang Sở GTVT để phê duyệt. Nhưng shipper phải có hợp đồng lao động và chỉ được vận chuyển hàng hóa cho siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận