Xã hội

Hà Nội chi khủng quảng bá trên CNN, chuyên gia nói gì?

11/12/2016, 15:05

Mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết sẽ chi 2 triệu USD cho Hãng truyền hình CNN để quảng bá hình ảnh...

34

TS. Victor Wee, cựu Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch Malaysia

Mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết sẽ chi 2 triệu USD cho Hãng truyền hình Mỹ CNN để quảng bá hình ảnh của Hà Nội trong hai năm, từ 1/1/2017 đến 31/12/2018. Nhân sự kiện này, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. Victor Wee, cựu Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch Malaysia, người từng sang Việt Nam tư vấn kinh nghiệm xây dựng thương hiệu điểm đến quốc gia.

Vì sao trong một thời gian dài, Malaysia chọn quảng cáo du lịch trên hai kênh Discovery và National Geographic (NG), thưa ông?

Nhiều nước quảng cáo du lịch quốc gia trên các kênh truyền hình cáp toàn cầu sử dụng tiếng Anh vì rất hiệu quả và Malaysia đã thực hiện thành công. Discovery và NG được rất nhiều khán giả quan tâm do phim có hình ảnh đẹp, nội dung mang tính khám phá cao và giới thiệu chi tiết điểm đến mới lạ. Người xem tìm được những sự khác biệt, thú vị mới mẻ, từ đó khích lệ nhu cầu đi du lịch nhiều hơn...

Tuy nhiên, CNN và BBC nổi tiếng hàng đầu thế giới, đông người xem hơn hẳn Discovery lẫn NG?

Phải hiểu rằng, mỗi kênh truyền hình hướng tới đối tượng khán giả khác nhau. BBC và CNN được đông đảo công chúng biết tới, thường xuyên cập nhật tin tức thời sự nóng hổi về tình hình chính trị - kinh tế - xung đột quân sự trên thế giới. Do người xem quan tâm những vấn đề đó, nên quảng cáo du lịch xen vào chưa chắc đã đạt hiệu quả cao, dù phát trên phạm vi toàn cầu đi nữa.

Bên cạnh đó, người giỏi tiếng Anh mới nghe - hiểu được CNN và BBC. Thử nghĩ xem nhiều người Đức, Pháp có quan tâm không? Dân Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng ít xem do tiếng Anh hạn chế… Vì thế, đừng nên quá phụ thuộc vào hai kênh thiên về tin tức này. Theo tôi, nên chọn những kênh giải trí, giới thiệu nhiều về du lịch và khám phá điều mới lạ.

Vậy, Việt Nam có nên tập trung quảng cáo du lịch trên Discovery và NG?

Nhiều quốc gia quảng cáo du lịch trên một kênh truyền hình khiến thông tin điểm đến bị loãng. Quảng cáo trên truyền hình cáp toàn cầu rất đắt, Việt Nam nên nghiên cứu thật tốt để tìm ra kênh truyền hình mới phù hợp với thị hiếu của đối tượng khách muốn nhắm tới, mục tiêu khai thác thị trường.

35
Một số khảo sát do quốc tế thực hiện cho thấy khách chủ yếu tìm kiếm, tham khảo thông tin trên internet trước khi du lịch Việt Nam

Với tư cách khách du lịch, ông thích xem kênh truyền hình nào?

Cá nhân tôi không thích xem TV, cũng không thể khẳng định quảng cáo du lịch trên kênh truyền hình nào hiệu quả hơn, vì phụ thuộc đối tượng khách các bạn muốn khai thác thích gì. Đơn cử tại Trung Quốc, quảng bá du lịch trên internet rất hiệu quả vì phù hợp với thị hiếu của khách và giá rẻ, trong khi giá quảng cáo trên truyền hình rất đắt.

Ông đánh giá cao quảng cáo du lịch trên internet vì hiệu quả, chi phí thấp, lại phù hợp xu thế thời đại?

Đúng vậy, nếu biết thực hiện tốt trên cơ sở tận dụng lợi thế kỹ thuật của internet thì đây là kênh quảng cáo cực kỳ hữu hiệu, đôi khi còn hơn cả TV. Thật ra, Malaysia từng phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo trên truyền hình quốc tế, chưa đầu tư thỏa đáng cho internet nên phải điều chỉnh lại.

Chúng tôi còn thực hiện nhiều cách quảng bá hữu hiệu khác ở nước ngoài như: Dán biểu tượng trên taxi, quảng cáo ở trạm xe buýt và ga tàu điện ngầm… sử dụng ngôn ngữ địa phương vì không phải dân nước nào cũng thạo tiếng Anh. Thậm chí, phát loa nơi công cộng cũng hiệu quả và giá rẻ.

Ông có lời khuyên nào với việc quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam?

Ngân sách cấp cho xúc tiến ra nước ngoài ít ỏi thì càng phải tận dụng tối đa trí tuệ, khả năng sáng tạo của con người và quản lý hiệu quả phần tiền quý giá. Kế hoạch xúc tiến cần được xây dựng dài hạn; Phù hợp và gắn kết chặt chẽ với chiến lược quảng bá thương hiệu điểm đến quốc gia, kế hoạch khai thác thị trường mục tiêu, định hướng xây dựng sản phẩm… Đặc biệt, hình ảnh và thông điệp của quảng cáo phải đồng nhất với hạ tầng du lịch, năng lực đón và chất lượng sản phẩm tại điểm đến được giới thiệu.

"Thay vì dồn hàng chục tỷ đồng quảng cáo trên truyền hình quốc tế để rồi tranh luận hiệu quả cao hay thấp, cơ quan quản lý nên ưu tiên ngân sách tuyên truyền cho người dân ứng xử thân thiện với du khách. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm để du khách đến Việt Nam khi về nước có ấn tượng tốt, kể lại cho người thân quen…” .

Ông Phạm Hà
Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Sang trọng Việt Nam

Từ năm 2007 - 2013, Việt Nam thường xuyên chi hơn 1 triệu USD/năm để quảng bá du dịch trên CNN và BBC. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lữ hành trong và ngoài nước đều cho rằng việc quảng bá này rất ít hiệu quả, do thời lượng phát bị ngắt quãng, khu vực phủ sóng liên tục thay đổi… Cuối năm 2015, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã quyết định phát 300 lần clip quảng bá điểm đến trên kênh truyền hình Travel Channel của Anh, với mức chi phí khá khiêm tốn, chỉ 30 nghìn USD. Mặt khác, kết quả phỏng vấn 200 du khách quốc tế tại Hà Nội, Huế, TP.HCM cho thấy: Phần lớn khai thác thông tin du lịch Việt Nam trên internet.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.