Hạ tầng

Hà Nội chi trăm tỷ xén dải phân cách, hiệu quả thế nào?

25/07/2021, 08:47

Giải pháp xén dải phân cách để mở rộng đường không mang lại nhiều hiệu quả trong việc giảm ùn tắc nhưng vì sao hiện Hà Nội vẫn thực hiện?

Từ năm 2017, Hà Nội bắt đầu triển khai xén dải phân cách giữa một số tuyến đường để kéo giảm ùn tắc. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, không ít tuyến đường vẫn rơi vào cảnh “chật như nêm”. Vậy, hiệu quả thực sự của giải pháp này ra sao, PV Báo Giao thông trao đổi với ông Lê Hữu Hồng, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội).

img

Ông Lê Hữu Hồng

Giao thông “giảm nhiệt” một phần

Các dự án xén dải phân cách, mở rộng lòng đường được Hà Nội bắt đầu triển khai từ khoảng 4 năm nay. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc làm này?

Thời gian qua, phương tiện cơ giới tăng cao gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông Thủ đô. Nhiều tuyến đường quá tải và ùn tắc nghiêm trọng trong giờ cao điểm.

Để khắc phục thực tế trên, chúng tôi triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc xén vỉa hè, thu hẹp dải phân cách giữa một số tuyến đường để giải quyết kịp thời tình trạng quá tải và đem lại hiệu quả, trong đó có các tuyến phố như: Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh; Vành đai 2 (đường Láng); Vành đai 3 (Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm), Đại lộ Thăng Long…

Sau khi xén dải phân cách giúp các tuyến đường rộng hơn, tạo điều kiện cho người dân di chuyển. Tuy nhiên, phải thừa nhận, hiện lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến sau xén dải phân cách quá lớn nên chỉ giúp tình hình giao thông “giảm nhiệt” phần nào.

Một số ý kiến cho rằng, xén dải phân cách chỉ là biện pháp mang tính tình thế, nhưng lại rất tốn kém. Chẳng hạn, riêng việc xén dải phân cách giữa mở rộng mặt đường Phạm Hùng từ nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến đến Mai Dịch dài hơn 3km đã tốn hơn 24 tỷ đồng, nhưng hiệu quả không đáng kể. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Thực tế, dải phân cách trên các tuyến đường Hà Nội đang thực hiện thu hẹp để mở rộng lòng đường là quỹ đất dự phòng phục vụ giao thông. Trước đây, khi chưa sử dụng đến nên thành phố đã cho trồng hoa, cây cỏ để tạo cảnh quan.

Đến nay theo khảo sát, lưu lượng phương tiện trên một số tuyến đã quá tải, tạo ra nút thắt tại các nút giao, do vậy cần phải xén bớt dải phân cách để mở rộng lòng đường, giải quyết xung đột giao thông.

Dải phân cách rất cần thiết để tạo cảnh quan đô thị. Vậy, ở những tuyến đường Hà Nội xén dải phân cách có tính đến điều này?

Đường giao thông đô thị bao gồm vỉa hè, dải phân cách, phía dưới là công trình đô thị, trên là công trình cây xanh, chiếu sáng… Khi triển khai, chúng tôi cũng tính toán kỹ lưỡng những công năng trên. Do đó, quá trình xén dải phân cách, vỉa hè đã bớt lại một phần diện tích để tạo cảnh quan, trồng cây xanh.

Tiếp tục triển khai trên 10 tuyến đường

img

Hơn 1 km đường Liễu Giai - Văn Cao được rào chắn để thi công xén dải phân cách, mở rộng lòng đường. Ảnh: ND

Thời gian qua, quá trình đơn vị thi công thực hiện xén dải phân cách đã chặt hạ nhiều cây xanh. Đơn cử như dự án xén dải phân cách, mở rộng đường Láng đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở, thành phố phải chi 3,6 tỷ đồng cho việc chặt hạ, di chuyển cây xanh về vườn ươm. Sau đó, phải tiếp tục chi hơn 31 tỷ để trồng mới. Theo ông việc này có quá lãng phí?

Tôi khẳng định, việc xén dải phân cách được Hà Nội thực hiện theo đúng nguyên tắc, không phải muốn xén thế nào cũng được. Xén dải phân cách mở rộng lòng đường còn là mục tiêu để phát triển các phương tiện công cộng, hạn chế ùn tắc trong tương lai.

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, về lâu dài, giải pháp xén dải phân cách để mở rộng đường không mang lại nhiều hiệu quả trong việc giảm ùn tắc. Tuy nhiên, hiện Hà Nội lại đang tiếp tục thực hiện xén dải phân cách trên nhiều tuyến đường khác. Vì sao lại như vậy, thưa ông?

UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương, trong năm 2021 Sở GTVT Hà Nội tiếp tục thực hiện xén dải phân cách, mở rộng lòng đường, nút giao thông trên khoảng 10 tuyến phố, trong đó có các trục đường: Liễu Giai - Văn Cao, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Tôn Thất Thuyết; cải tạo, chỉnh trang đường Yên Phụ, Thụy Khuê; điều chỉnh kích thước đảo giao thông nút giao Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Quốc Trị - Mạc Thái Tông…

Tuyến Liễu Giai, Văn Cao nằm trên trục đường Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai - Văn Cao. Đây là tuyến trục chính đô thị đi qua nhiều cơ quan, trường học và các khu dân cư đông đúc nên lưu lượng tham gia giao thông rất lớn, thường xảy ra ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm.

Mặt khác đây là tuyến đường đi qua trung tâm hành chính quận Ba Đình, kết nối với quận Tây Hồ và cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Trục đường Trần Duy Hưng được thu hẹp dải phân cách, mở rộng lòng đường năm 2017, đường Nguyễn Chí Thanh thực hiện năm 2018. Sau mở rộng, hiện nay trục Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng có chiều rộng dải phân cách là 4,4m, chiều rộng mặt đường mỗi chiều xe chạy là 16m.

Việc triển khai dự án điều chỉnh kích thước dải phân cách, mở rộng mặt đường Liễu Giai, Văn Cao là hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm đồng bộ mặt cắt trên toàn trục tuyến, giảm bớt áp lực giao thông các tuyến đường lân cận như đường vành đai 2 và 3.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần dần hoàn thiện đồng bộ mặt cắt tuyến đường, sau khi đã mở rộng đường gom đoạn từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia đến cầu vượt Phú Đô và tuyến đường vành đai 3 trên cao sau khi đưa vào hoạt động đảm bảo kết nối lưu thông toàn tuyến, cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường.

Cảm ơn ông!

Theo Ban Duy tu các công trình giao thông Hà Nội, để thi công xén dải phân cách trên hàng chục tuyến đường dự kiến trong năm nay cần số kinh phí lên tới cả trăm tỷ đồng. Bởi sau khi xén dải phân cách gần như phải làm lại đường.

Nền đất ở dải phân cách thường để trồng cây, hoa, có thể chưa có lớp đệm, móng. Do đó, đơn vị thi công sẽ phải đào sâu, lu lèn, thực hiện các bước kỹ thuật để chống thấm, tăng móng, xử lý đất yếu, đảm bảo độ bền theo tải trọng...

Về số kinh phí “khủng” để xén dải phân cách, Ban này cho hay đều được Sở GTVT rà soát đầy đủ các chi phí quy định tại Nghị định số 32 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.