Ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết: Sau gần 3 tháng chuẩn bị khẩn trương, đơn vị tiến hành thực hiện triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho VTHKCC trên địa bàn thành phố.
"Đến nay, 13 tuyến buýt thường và 1 tuyến BRT đã hoàn thành xong công tác chuẩn bị cùng các thủ tục liên quan, đủ điều kiện để chính thức đưa vào khai thác vận hành thí điểm đợt 1. Đối với 10 tuyến buýt còn lại do Công ty CP Tập đoàn công nghệ Vietsens đang được giao triển khai thí điểm, phải tích cực hoàn thiện thêm giải pháp để sớm đưa thực hiện thí điểm", ông Phương nói và cho biết thêm: Sau hôm nay, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tham gia thí điểm và các đơn vị vận hành bám sát diễn biến thực tế để hiệu chỉnh, hoàn thiện những vấn đề phát sinh.
Việc thí điểm chỉ được coi là thành công khi đáp ứng tốt yêu cầu của 3 đối tượng: Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Có đáp ứng tốt yêu cầu này từ khi thí điểm thì mới có cơ sở để định hình cho việc phát triển nhân rộng ra toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết: Hiện tại, mạng lưới VTHKCC trên địa bàn thành phố có 154 tuyến buýt, 1 tuyến đường sắt đô thị. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác vẫn chủ yếu được thực hiện thông qua việc sử dụng vé giấy, thanh toán thủ công bằng tiền mặt.
"Các tuyến ĐSĐT đã và đang triển khai mặc dù có hệ thống thẻ vé điện tử nhưng có các công nghệ thẻ vé khác nhau dẫn đến chưa đảm bảo tính liên thông và vẫn chỉ là vận hành độc lập.
Việc chưa đồng bộ thẻ vé gây khó khăn rất lớn trong việc tính toán, phân bổ sản lượng, doanh thu; chưa đa dạng được hình thức thanh toán; không đảm báo tính liên thông và hạn chế khả năng tiếp cận của người dân", ông Thường nói.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ông Thường cho rằng, việc sớm triển khai triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt và ĐSĐT trên địa bàn TP Hà Nội là rất cần thiết nhằm giải quyết được kịp thời các tồn tại, bất cập hiện nay.
Đây là cơ sở để thành phố triển khai các chính sách giá vé có tính ưu việt, hỗ trợ nhiều hơn cho hành khách trong tương lai, từ đó thu hút, gia tăng sản lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt, giúp đa dạng, tiện lợi hình thức thanh toán, tiết giảm kinh phí ngân sách nhà nước thông qua việc không sử dụng nhân viên phục vụ trên xe; từng bước hình thành thói quen cho hành khách trong việc sử dụng hệ thống thanh toán tự động, tiến tới hạn chế sử dụng tiền mặt.
Thông qua hệ thống thu vé điện tử, cơ quan quản lý nhà nước có được cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, điều hành, quản lý hệ thống xe buýt trên địa bàn Thành phố một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Hành khách đi lại bằng vé lượt, vé tháng 1 tuyến và vé tháng liên tuyến trên 24 tuyến xe buýt thí điểm (tuyến buýt nhanh BRT; 02; 08; 21; 32; 58; 64; 65; 74; 103; 142; 143; 146; 157; 159; E01; E02; E03; E04; E05; E06; E07; E08; E09 sử dụng vé điện tử.
Hành khách có thể đăng ký vé, mua vé, thanh toán online (qua website, qua APP mobile) hoặc trực tiếp tại các quầy vé. Hệ thống chấp nhận nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code. Trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục thí điểm hệ thống vé điện tử kết nối liên thông với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận