Đô thị

Hà Nội: Cho thuê vỉa hè kinh doanh 45.000 đồng/m2, sao không đấu giá?

11/01/2022, 13:44

Mức phí 45.000 đồng/m2 cho thuê dựa trên căn cứ nào? Khi cho kinh doanh trên vỉa hè, liệu người đi bộ có bị đẩy xuống lòng đường?...

UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm sử dụng vỉa hè để kinh doanh, phục vụ du khách. Điều khiến dư luận quan tâm là tới đây việc triển khai kinh doanh trên vỉa hè tổ chức thế nào?

Người đi bộ liệu có bị đẩy xuống lòng đường? Căn cứ nào áp giá thuê 45.000 đồng/m2?...

img

Vị trí vỉa hè tại số 94 Lý Thường Kiệt là quán cà phê rộng khoảng 20 - 25m được thiết lập sát khách sạn Mercure

Vì sao cho thuê 45.000 đồng/m2/tháng?

Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 9/1 tại các khu vực vỉa hè quận Hoàn Kiếm đang cho kinh doanh trên vỉa hè như: Số 11 Lê Phụng Hiểu, 30A, 94 Lý Thường Kiệt... đều là các quán cà phê được sắp xếp khá gọn gàng, ngăn nắp.

Đơn cử tại vỉa hè số 94 Lý Thường Kiệt là quán cà phê rộng khoảng 20 - 25m, được thiết lập sát khách sạn Mercure, bố trí view đẹp mắt khi hướng ra lòng đường với 3 bộ bàn ghế phục vụ khách, xung quanh là những bồn cây xanh.

Bên ngoài vẫn còn khoảng hè rộng 4m để phục vụ người đi bộ.

Cách đó không xa, tại số 30A Lý Thường Kiệt, một quán cà phê nằm ngay góc ngã tư nhìn ra đường, được thiết kế tương tự khi vị trí của quán được bố trí sâu bên trong vỉa hè, bên ngoài vẫn còn khoảng trống để người dân đi bộ.

Đại diện Phòng Quản lý Đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, kể từ giữa năm 2021, quận đã tổ chức thí điểm kinh doanh vỉa hè tại 3 vị trí trên.

Cụ thể, Công ty TNHH Bất động sản Mặt trời Thủ Đô sử dụng tạm thời hè phố sát tường (khách sạn) 11 Lê Phụng Hiểu với chiều rộng 1,5m; Công ty CP Prodigy Việt Nam sử dụng tạm thời hè phố sát tường (khách sạn) 94 Lý Thường Kiệt, với chiều rộng 2m; Công ty CP Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu sử dụng tạm thời hè phố sát tường toà nhà 30A Lý Thường Kiệt với chiều rộng 1,5m… để kinh doanh bán cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh phục vụ du khách.

Theo vị đại diện này, tiền phí thu được, quận nộp vào ngân sách thành phố, tất cả thực hiện theo Luật Phí, lệ phí.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã thống nhất với Sở Tài chính cho phép UBND quận Hoàn Kiếm sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh, phục vụ du khách.

Theo kiến nghị của quận, 3 doanh nghiệp nói trên được phép sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh.

Vị trí sử dụng hè phố sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của toà nhà kết nối với không gian tầng 1. Thời gian cấp phép 6 tháng/ lần, sử dụng tạm thời hè phố với mức phí 45.000 đồng/m2/tháng.

Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng, mức phí 45.000 đồng/m2 là quá rẻ so với vỉa hè quận “lõi” đô thị, đại diện quận Hoàn Kiếm khẳng định: “Giá 45.000 đồng/m2 được chúng tôi tính căn cứ theo Nghị quyết số 06 của HĐND TP ban hành về phí tạm thời sử dụng hè phố, đây không phải là số tiền do chúng tôi đề xuất. Hiện chúng tôi đang xây dựng đề án kinh doanh vỉa hè trên địa bàn quận ở các tuyến phố có diện tích, điểm phù hợp. Trong đó, sẽ đề nghị HĐND xem xét lại mức phí sử dụng tạm thời hè phố”.

Nên đưa ra đấu giá thay vì áp giá?

img

Vỉa hè tại số 94 Lý Thường Kiệt

Thông tin thêm về đề án kinh doanh vỉa hè, đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết: “Mục đích của chúng tôi không phải kinh doanh đại trà tại tất cả vị trí các tuyến phố mà chỉ cho phép kinh doanh vài điểm phù hợp về mỹ quan, trật tự đô thị để phục vụ cho khách du lịch. Không có chuyện cho kinh doanh vỉa hè trước mặt nhà khác đang ở. Hiện đề án đang nghiên cứu, xin ý kiến các sở ngành”..

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, theo thiết kế trên một tuyến đường, trung tâm đường sẽ dành cho các phương tiện xe cơ giới, hai bên đường vỉa hè là phần đường đi bộ đóng vai trò quan trọng khi là “lối đi riêng” cho mọi người đi bộ được an toàn, tách biệt với các phương tiện cơ giới khác.

“Một số vỉa hè có thể được sử dụng cho nhiều mục đích xã hội khác như: Quán cà phê vỉa hè, biểu diễn đường phố, trông giữ xe”, bà Thuỷ nói và cho rằng, nếu vị trí vỉa hè đảm bảo các điều kiện thì cho phép kinh doanh và tổ chức thu phí cho ngân sách là phù hợp.

Theo bà Thủy, hiện nhiều quận, huyện đều có tình trạng kinh doanh trái phép trên vỉa hè nhưng chính quyền không dẹp được.

Tình trạng này gây lộn xộn, mất ATGT, thậm chí còn khiến vỉa hè xuống cấp. Do đó, tới đây TP có thể nghiên cứu nhân rộng việc kinh doanh vỉa hè nhưng vẫn đảm bảo cho người đi bộ đi lại an toàn và làm đẹp đô thị.

“Đưa các hộ kinh doanh vào khuôn khổ, thay vì cứ để kinh doanh tự phát và không quản lý được”, bà Thủy kiến nghị.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho rằng, phải đặt ưu tiên cho người đi bộ lên trên hết, nếu có cho kinh doanh cũng không được để người đi bộ phải chen lấn với hàng quán.

Về thông tin mức phí 45.000 đồng/m2, TS. Bình cho rằng, cần căn cứ theo bảng giá do chính quyền công bố. Có thể chính quyền định ra 45.000 đồng/m2 là mức tối thiểu, từ đó đem ra đấu giá, đơn vị nào đấu giá cao hơn được kinh doanh.

“Kinh doanh cần đảm bảo minh bạch, có tính cạnh tranh và có tiêu chí cụ thể”, TS. Bình nói.

Cần nghị quyết chuyên đề để triển khai đồng bộ

Theo luật sư Phạm Văn Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất cho thuê vỉa hè cần căn cứ vào những quy định cụ thể như: UBND TP Hà Nội đã có nghị quyết về chủ trương cho thuê vỉa hè hay chưa? Giá cho thuê vỉa hè 45.000 đồng/m2/tháng có dựa trên bảng giá được quy định hay không? Ý kiến người dân cho rằng giá cho thuê quá rẻ là có cơ sở. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thực tế để quy định mức giá phù hợp.

“Nếu xác định việc cho thuê vỉa hè mang lại lợi ích, góp phần chỉnh trang đô thị thì TP Hà Nội cần có một nghị quyết chuyên đề để triển khai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn các quận mới đem lại hiệu quả thiết thực”, luật sư Hải nêu quan điểm.

Việt Hòa

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.