Đô thị

Hà Nội: Chưa Tết đường đã tắc khắp nơi

18/01/2021, 10:00

Đường phố Hà Nội những ngày gần đây có thể tắc bất kể đâu, bất kể lúc nào, không cần phải đến giờ cao điểm hay có sự cố giao thông trên đường.

img

Ùn tắc “không lối thoát” diễn ra trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương (Chụp sáng 15/1)

lực lượng chức năng đã bố trí 79 chốt trực để phân luồng, điều tiết phương tiện, tuy nhiên từ nay đến dịp cận Tết Nguyên đán, dự báo tình hình sẽ còn phức tạp.

Tắc “không lối thoát”

Khoảng 16h00 ngày 14/1, trực tiếp lưu thông trên trục đường Khuất Duy Tiến hướng đi Nguyễn Xiển, hình ảnh PV chứng kiến là hàng loạt phương tiện “chôn chân”, kéo dài gần 1km, từ số 226 Khuất Duy Tiến đến nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến.

Cả tuyến đường nêm chặt người và xe, không còn một chỗ trống. Nhiều người đi xe máy phóng lên vỉa hè tìm lối đi. Không lâu sau phần vỉa hè cũng tắc. Hàng loạt ô tô lưu thông từ hướng đường Vành đai 3 trên cao xuống cũng bị chặn đứng.

Cách đó không xa, trên đường Nguyễn Trãi, dù được cải tạo hạ tầng, mở rộng mặt đường tới 10 làn xe nhưng vẫn “dính” ùn tắc khi tất cả các làn xe đều ken đặc phương tiện. Hướng Nguyễn Trãi đi Trần Phú (Hà Đông), hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau nhích từng mét.

Ngoài nguyên nhân các hoạt động giao thương, đi lại dịp cuối năm tăng cao, ghi nhận của PV, trên nhiều tuyến phố lòng đường bị thu hẹp do bị rào chắn để thi công hoặc triển khai các dự án chỉnh trang đường, vỉa hè. Chẳng hạn, hai bên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương đều bị nhà thầu rào chắn một phần làn đường.

Sáng 15/1, có mặt trên đường Tố Hữu, PV Báo Giao thông liên tục chứng kiến dòng ô tô, xe máy, xe buýt nhanh dàn hàng ngang, không còn chỗ trống, ngay cả các hướng rẽ trái, rẽ phải.

Ngay cả những tuyến đường hiện đại mới được đưa vào khai thác như đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; đường Vành đai 2 trên cao; đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt... cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.

Bố trí 79 chốt trực, phân luồng

Trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, để tránh ùn tắc kéo dài, đơn vị chức năng đã tổ chức lại giao thông bằng nhiều cách như: Tăng gần gấp đôi chu kỳ đèn xanh lên 50 giây tại ngã tư Tố Hữu - Khuất Duy Tiến so với trước đó; cho phép phương tiện đi vào làn buýt nhanh BRT, dỡ bỏ nút đèn tín hiệu phía đi Láng Hạ…

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua rà soát, liên ngành đã xác định được các nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông hiện nay là do quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; xung đột giao thông tại một số các nút giao; các điểm đang tổ chức thi công; một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hay chưa hoàn chỉnh tạo thành các nút cổ chai.

Về việc xử lý các điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố, theo ông Viện, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường tổ chức phối hợp, ra quân thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT dịp cuối năm. Theo đó, TTGT sẽ phối hợp với CSTT, CSGT bố trí lực lượng lập 79 chốt trực đảm bảo TTATGT trên toàn địa bàn thành phố.

Về lâu dài, theo ông Viện, Sở GTVT đề xuất UBND TP Hà Nội 9 nhóm giải pháp gồm: Mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông; xây dựng cầu vượt tại một số nút giao quan trọng; xén vỉa hè mở rộng các nút giao để tăng lưu lượng giao thông qua nút; tổ chức giao thông hợp lý, cho các phương tiện rẽ phải liên tục, cấm rẽ trái tại một số nút giao để hạn chế xung đột giao thông…

Ngoài ra, liên ngành sẽ tổng hợp thường xuyên tình hình ùn tắc và cung cấp thông tin cho kênh VOV giao thông để người dân biết và tránh các điểm này.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, không thể hy vọng giải quyết ùn tắc bằng mở rộng mạng lưới đường sá, nếu không có các giải pháp khống chế, quản lý phương tiện cá nhân.

“Mục tiêu lâu nay đặt ra vẫn là giảm ùn tắc, phát triển vận tải công cộng nhưng thực tế cả Hà Nội, TP HCM đều thiếu chương trình hành động để cụ thể hóa chủ trương, tầm nhìn cũng như huy động nguồn lực.

Phải đẩy nhanh thực thi các chính sách hạn chế phương tiện cá nhân, không cần phải bàn nhiều như bây giờ vì các nước đi trước trên thế giới đã có quá nhiều bài học cho chúng ta áp dụng”, ông Tuấn nói.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn đang diễn ra nghiêm trọng, có xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian.

“Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu không để ùn tắc diễn ra quá 30 phút, giảm mật độ phương tiện trong khu vực nội đô. Năm nay, Cục CSGT sẽ hỗ trợ Phòng CSGT TP Hà Nội và các tỉnh thành lân cận phân luồng, tổ chức giao thông từ xa cho nội đô”, ông Trung cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.