Rác thải tập kết vô tội vạ
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại các tuyến đường trọng điểm như: Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Tây Sơn... mỗi buổi chiều những xe chứa đầy rác lại được tập kết ngay tại lòng đường khiến tình trạng ùn tắc giao thông càng thêm nghiêm trọng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 6.500 - 6.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Để thu gom và xử lý khối lượng rác đang ngày càng gia tăng trên địa bàn, Hà Nội cần 5 trạm trung chuyển và ít nhất mỗi phường cần 1 điểm chuyển tải rác. Tuy nhiên, thực tế thành phố hiện mới có 2 trạm trung chuyển là trạm ở Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), trạm ở huyện Mê Linh; 3 điểm chuyển tải: Điểm ở Lâm Du (quận Long Biên); điểm ở Vân Đồn (quận Hai Bà Trưng) đã hoạt động và khu Ao Bút (quận Thanh Xuân) đang chuẩn bị thí điểm.
Cụ thể trục đường Quang Trung - Nguyễn Trãi, hàng ngày có lưu lượng phương tiện đi lại rất lớn. Tuy nhiên, tuyến đường chưa đầy 5km, nhưng có đến hàng chục điểm tập kết rác dưới lòng đường.
Ngay tại điểm chờ gần số 493 Nguyễn Trãi xuất hiện 4 - 5 xe rác chất cao có ngọn được xếp thành những hàng dài trên vỉa hè và cả lòng đường. Chưa có xe ép thu gom, các xe rác này tập kết thành hàng dài, chiếm trọn một phần đường gây mất ATGT.
Em Vũ Thị Thúy đang đứng chờ xe buýt bức xúc: “Ngay điểm chờ xe buýt mà thành phố cũng cho tập kết rác dưới lòng đường. Hành khách rất bất an mỗi khi đứng đây đợi xe buýt vì mùi nồng nặc và nguy cơ ùn tắc, mất an toàn rất cao”.
Tại phía lòng đường đối diện Học viện Bưu chính Viễn thông cũng xuất hiện hàng dài xe rác được tập kết. Theo quan sát của PV, tuyến đường này thường ngày có rất nhiều phương tiện qua lại. Giờ cao điểm, các xe rác dừng lấn chiếm trên đường gây ùn ứ giao thông. Đáng nói, tại điểm tập kết này, các xe rác không đạt quy chuẩn nên nước rác từ xe rỉ theo các khe hở, chảy xuống rồi tràn ra, loang lổ trên mặt đường khiến cho bề mặt của đường nhuốm màu nhem nhuốc, mùi rác bốc lên khiến người đi đường tỏ ra khó chịu. Lưu lượng phương tiện qua đây rất đông, phía trước 30m là nút đèn tín hiệu nên các phương tiện thường xuyên phải dừng sát các xe rác do không còn chỗ đứng chờ.
Tại lối rẽ vào phố An Hòa, phường Mộ Lao hay trước lối rẽ vào chung cư An Lạc, 368B Quang Trung thường xuyên có gần chục xe chở rác được chất đầy, xếp thành hai hàng, nước rỉ ra từ các xe rác này chảy lênh láng xuống lòng đường.
Trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú còn xuất hiện nhiều điểm tập kết rác tương tự gây mất mỹ quan như: Điểm tập kết rác tại ngõ 146 đường Trần Phú; điểm tập kết phía ngoài cổng siêu thị Co.opmart; điểm tập kết tại số 36 Nguyễn Trãi…
Tương tự, điểm tập kết rác tại ngõ 167 phố Tây Sơn xe rác tập kết thành hàng dài, nhiều xe không che đậy, chảy nước rỉ xuống đường, mùi xú uế nồng nặc khiến người đi đường bịt mũi, ngán ngẩm.
Một người dân ở đây bộc bạch, chỗ này tập kết rác hàng chục năm rồi, có ngày tới tận đêm khuya người ta mới chuyển đi, khiến đoạn đường thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc. Người dân và người tham gia giao thông phải nín thở và sống chung với mùi hôi thối từ rác thải.
Rà soát xây dựng thêm các trạm trung chuyển rác
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, lòng đường, vỉa hè là nơi dành cho người, phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, hiện trên nhiều tuyến đường phố xuất hiện các điểm tập kết rác dưới lòng đường, chiếm phần diện tính lưu thông của các phương tiện. Việc này còn gây ô nhiễm rất cao cho người tham gia giao thông.
“Hà Nội cần di chuyển các bãi tập kết rác dưới lòng đường, trên vỉa hè hoặc có những giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ mùi hôi và mỹ quan mà các bãi rác gây ra trên đường”, ông Giang nói.
Ông Phạm Thành Trung, đại diện HTX Thành Công, phụ trách công tác thu gom rác thải trên địa bàn quận Hà Đông, Thanh Xuân cho biết, hiện trên địa bàn quận chưa bố trí để xây được các trạm trung chuyển nên việc thu gom rác vẫn chủ yếu thực hiện dưới lòng đường. Theo quy định rác thải sinh hoạt được thu dọn về các điểm tập kết rồi mới được chuyển đi vào 10h, 18h và 24h. “Chúng tôi đang đề nghị chính quyền địa phương rà soát lại các vị trí giải phóng mặt bằng trước đây thu hồi không hết để làm các trạm trung chuyển”, ông Trung nêu.
Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết, quận có 56 điểm tập kết rác thải nhưng không có điểm chuyển tải nào. UBND quận đã đề xuất xây dựng các điểm chuyển tải rác thải trên địa bàn quận, trước hết, sẽ thí điểm tại một phường có đông dân cư nhằm xóa bỏ những điểm tập kết rác hở. Cùng đó, quận cũng đang nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến, thống nhất bảo đảm các tiêu chuẩn hiện hành về môi trường như: Trạm trung chuyển phải đảm bảo kín đáo, biệt lập, hợp vệ sinh, có hệ thống phun hóa chất khử mùi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận