Đó là vấn đề nhiều người quan tâm sau khi Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội giao các sở, ngành liên quan dự thảo văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Ứng Hòa.
Cân nhắc kỹ địa điểm Ứng Hòa
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 tại Quyết định 768), có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô, gồm sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.
Đáng chú ý, Sở này cũng đề nghị cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại huyện Ứng Hoà vì có nhiều điểm thuận lợi, khoảng cách và thời gian tiếp cận đến trung tâm Hà Nội hợp lý.
So sánh với vùng TP HCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, cả 2 vùng có quy mô khá tương đồng về diện tích, dân số, song bố trí quy hoạch vùng TP HCM có tới 2 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất với quy mô 40 - 45 triệu khách/năm và Long Thành (Đồng Nai) quy mô tối đa 100 triệu khách). Trong khi đó, vùng Hà Nội hiện chỉ có 1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài (đang nghiên cứu, mở rộng lên 100 triệu khách/năm).
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Nguyễn Bách Tùng cho rằng: Nếu nhìn trước mắt, Hà Nội chưa cần thêm một sân bay dân dụng. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn cho vài chục năm, thậm chí cả trăm năm thì vẫn cần có thêm một sân bay phục vụ cho vùng Thủ đô Hà Nội. Hay nói cách khác, việc đề xuất quy hoạch vị trí sân bay là để phục vụ nhu cầu phát triển trong tương lai, chứ không phải là đầu tư ngay.
Mặc dù vậy, ông Tùng cũng cho rằng, cần nghiên cứu rất kỹ đề xuất về việc nghiên cứu quy hoạch sân bay tại huyện Ứng Hòa, bởi vị trí này có nhiều điểm bất lợi như nằm ở đường xuống của máy bay tiếp cận hạ cánh sân bay Nội Bài.
Trong khu vực còn có một dãy núi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam nên làm sân bay cũng theo hướng này, đầu ra của máy bay sẽ vòng vào trung tâm Hà Nội, vướng vào vùng cấm bay của TP Hà Nội. Đó là chưa kể đến việc Ứng Hòa là vùng trũng, bị ảnh hưởng lũ sông Đáy và có diện tích đất trồng lúa lớn nên cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối nhiều...
Với các vị trí còn lại, ông Tùng phân tích: Vị trí ở Lý Nhân tuy đỡ giao cắt với máy bay tiếp cận sân bay Nội Bài nhưng thuộc vùng hạ lưu sông Hồng, dân cư đông đúc. Với điều kiện như vậy cũng khó thực hiện dù người dân Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình tiếp cận sân bay ở đây gần hơn.
Với Hải Dương, ông Tùng bày tỏ quan điểm ủng hộ đặt sân bay tại đây vì vừa có khả năng kết nối dân cư tương tự Lý Nhân, lại có hướng biển. Riêng với khu vực Tiên Lãng, trước đây đã có nghiên cứu quy hoạch sân bay Tiên Lãng. Ở đây có lợi thế là đất rộng tới 6.000ha, không đông dân cư, nhưng lại là đất bãi bồi nên đầu tư sân bay phải tốn rất nhiều tiền. Chưa kể, nếu xây dựng sân bay ở Tiên Lãng cần bỏ sân bay Cát Bi hiện nay.
Quy hoạch để giữ đất cho tương lai
Đồng quan điểm, một chuyên gia hàng không cho rằng: Với một thành phố lớn như Hà Nội, nhất lại là Thủ đô thì việc có thêm sân bay thứ 2 là tất yếu, chỉ là sớm hay muộn.
Tuy nhiên, làm ở chỗ nào thì cần nghiên cứu chuyên sâu nữa. Chưa kể, tại Hà Nội quỹ đất hạn hẹp, dân cư đông đúc thì- tài chính để triển khai dự án, việc di dân giải phóng mặt bằng là vấn đề cực kỳ lớn, không thể đưa ra nhận định chỉ trên một vài con số được.
Thậm chí, ngay cả khi có phương án rồi cũng cần nghiên cứu thêm rất nhiều, từ hướng đường cất/hạ cánh, tổ chức không phận ra sao, giao thông kết nối có chưa, cần làm thêm gì…
Cũng theo vị này, làm một sân bay không đơn thuần chỉ cần 1.500 - 2.000ha là có thể có ngay sân bay. Nếu xác định vị trí rồi cũng cần phải sớm đặt các trạm quan trắc khí tượng bởi vì để có thể quyết định hướng đường cất/hạ cánh, phải có số liệu khí tượng ít nhất 10 - 15 năm.
Liên quan đến việc liệu có xung đột về vùng trời khi khoảng cách giữa Ứng Hòa và Nội Bài không quá xa, chuyên gia khẳng định hoàn toàn có giải pháp, nhất là với công nghệ hiện đại hiện nay. Tuy nhiên, “chưa thể nói sớm được về những vấn đề nảy sinh”.
Bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra là nếu đã quy hoạch sân bay Nội Bài có thể đón tới 100 triệu khách, vậy quy hoạch sân bay Ứng Hòa khi nào mới triển khai? Nếu để quá lâu liệu có thành quy hoạch treo hay không?
Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch sân bay thứ 2 cho Hà Nội không phải để triển khai ngay, mà là để có một tầm nhìn dài hạn, để giữ lại cho các thế hệ sau một hướng phát triển.
Nếu không quy hoạch, cứ xây dựng phát triển Thủ đô, hết đất, hết không gian thì khi cần sẽ không có chỗ để làm được nữa. Chưa kể, ngay cả khi quy hoạch sân bay thứ 2 rồi thì cũng cần nghĩ đến phân kỳ đầu tư, bởi lẽ xây dựng một sân bay cần rất nhiều thời gian, kinh phí.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng:
Chưa có cơ sở lập quy hoạch chi tiết sân bay cụ thể
Thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không VN thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành trong cuối năm nay. Sau khi hoàn thành, quy hoạch này sẽ thay thế quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay đã được duyệt trong Quyết định số 236 của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thời gian qua, có một số địa phương đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch chi tiết phải phù hợp với quy hoạch tại Quyết định số 236. Việc xem xét các đề xuất của địa phương phải dựa trên cơ sở khoa học, thẩm quyền quyết định là Thủ tướng.
Việc thực hiện quy hoạch vùng Thủ đô và quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay cần có sự phối hợp giữa hai quy hoạch. Hơn nữa, khi chưa điều chỉnh hoặc lập mới quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc thì không có cơ sở để lập quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay cụ thể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận