Liên quan tới thông tin Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC, Tập đoàn Viettel), đơn vị cung cấp trung tâm dữ liệu cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến của UBND TP.Hà Nội, quyết định ngừng cung cấp dịch vụ từ 0 giờ ngày 4/7, chiều 1/7, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với đại diện Tập đoàn Viettel để làm rõ vấn đề.
Theo vị đại diện, sau rất nhiều lần làm việc bất thành với UBND TP. Hà Nội, Viettel buộc phải ra quyết định cắt cung ứng dịch vụ cho Hà Nội.
“Viettel trúng gói thầu cung cấp dịch vụ cho Hà Nội từ tháng 8/2016 tới tháng 4/2018 thì hết hạn. Tuy nhiên, từ đó tới nay Hà Nội không ký gia hạn hợp đồng cũng không thanh toán cước phí. Sau nhiều lần làm việc không thành, lẽ ra Viettel đã cắt dịch vụ từ tháng 2/2020 nhưng do xảy ra dịch Covid-19 nên chúng tôi đồng ý hỗ trợ thêm TP.Hà Nội. Sau dịch, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ngồi lại họp vài lần và hứa sẽ thanh toán trước 30/6. Tuy nhiên quá hạn Hà Nội vẫn không có phương án thanh toán cho Viettel”, vị đại diện chia sẻ.
Được biết, tổng nợ cước Hà Nội đã nợ Viettel từ tháng 4/2018 tới nay đã lên tới 200 tỷ đồng.
“Mỗi tháng Hà Nội phải trả hơn 7 tỷ đồng tiền cước, trong đó chi phí vốn của đơn vị cung cấp phải chiếm tới 60% chưa kể về nhân công, vốn vay. Chúng tôi chỉ có chi phí đầu ra nhưng lại không có đầu vào nên mỗi lần kiểm toán vào cuộc đều yêu cầu làm rõ. Chỉ khi Hà Nội có văn bản xác nhận khối lượng công việc thì kiểm toán mới xem xét tạm cho qua. Tuy nhiên quá nhiều lần không thể giải quyết được nữa, chúng tôi cũng không đủ kinh phí để duy trì hệ thống”, vị đại diện Viettel phân trần.
Trước khi ra quyết định dừng cung cấp dịch vụ, Viettel IDC đã có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện sao lưu dữ liệu. Sau ngày 3/7, đơn vị này sẽ không chịu trách nhiệm về dữ liệu của TP tại Trung tâm dữ liệu Hòa Lạc khi ngừng dịch vụ.
Trước câu hỏi việc ngừng dịch vụ công trực tuyến sẽ ảnh hưởng ra sao tới người dân, vị đại diện Viettel cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể tiếp tục cung ứng khi Hà Nội ký hợp đồng thuê dịch vụ và thanh toán toàn bộ công nợ. Còn mức độ ảnh hưởng của người dân tới đâu thì Hà Nội và Chủ tịch TP Hà Nội phải có trách nhiệm trả lời”.
Đây không phải lần đầu tiên Viettel IDC đưa ra “tối hậu thư” cho Hà Nội vì bị chậm thanh toán. Từng có hơn 40 cuộc họp giữa Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, lãnh đạo các sở ngành và đại diện Viettel cùng hàng chục văn bản trao đổi giữa 2 bên. Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng nhiều lần cam kết sẽ yêu cầu Sở TT-TT và các bên liên quan hoàn tất thủ tục trong 1 tháng để thanh toán, tuy nhiên, mốc thanh toán đã bị trễ nhiều lần.
Được biết, Trung tâm dữ liệu chính cho TP.Hà Nội (data center - đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc) để triển khai các dịch vụ hành chính công, giáo dục, y tế trực tuyến. Không chỉ Viettel mà VNPT và Nhật Cường…cũng tham gia cung cấp dịch vụ cho Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận