Dân chung cư Keangnam tiếp tục băn khoăn khoản phí bảo trì |
Hàng trăm hộ dân tại sinh sống tại nhiều khu chung cư tại Hà Nội liên tục kiến nghị lên cơ quan chức về việc bị chủ đầu tư chiếm dụng trái phép hàng chục tỷ đồng tiền quỹ bảo trì chung cư.
Chây ỳ để chiếm dụng vốn?
Hầu hết người dân sinh sống tại nhiều khu chung cư đều phản ánh rằng khi họ mua nhà đều phải đóng một khoản tiền bằng 2% tổng số tiền mua nhà để làm quỹ bảo trì dùng để bảo trì, sửa chữa chung cư khi đi vào hoạt động. Khi mua nhà hầu hết các chủ đầu tư đều nói sẽ trả sổ tiền nay cho cư dân quản lý. Thế nhưng, nhiều chung cư từ bình dân đến cao cấp, khi người dân hỏi về số tiền này thì chủ đầu tư lại chây ì không trả.
Điển hình cho tình trạng trên phải kể đến Chung cư Keangnam Vina với số tiền quỹ bảo trì lên đến 160 tỷ đồng mà chủ đầu tư cố tình không bàn giao. Đến khi cư dân nơi đây phải kêu cứu lên Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội thì việc bàn giao mới được thực hiện.
Việc chủ đầu tư ôm phí bảo trì rồi im lặng là điều không mới, cũng giống Keangnam, hàng loạt chung cư khác trên địa bàn TP Hà Nội như The Manor, Sky City, Tổ hợp chung cư NO5 ở Trung Hòa - Nhân Chính… trong tình trạng tương tự.
Gần 1.000 hộ dân của chung cư N05 khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) được nhận nhà từ năm 2012 và đến năm 2013 đã thành lập được BQT, nhưng chủ đầu tư là Tổng Công ty Vinaconex vẫn cố tình không trả lại phí bảo trì.
Với số tiền phí bảo trì hơn 70 tỷ đồng, BQT đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy định nhưng Vinaconex vẫn “làm ngơ” không chịu bàn giao, trong khi chung cư đã có nhiều hạng mục xuống cấp mà BQT muốn sửa chữa nhưng không có kinh phí.
Tại khu chung cư cao cấp Sky City (88 Láng Hạ, Hà Nội), sau thời gian dài đấu tranh cư dân mới đòi lại được gần 30 tỷ đồng, còn lại gần 10 tỷ đồng phí bảo trì từ các căn hộ cư dân đã mua hiện vẫn chưa được chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Hanotex.
Tháng 12/2015, người dân sống tại tòa nhà D11, Khu Đô thị mới Cầu Giấy, TP. Hà Nội đã làm đơn kiện chủ đầu tư cố tình không bàn giao 2% giá trị nhà ở cho Ban quản lý (BQL) tòa nhà.
“Tiền quỹ bảo trì bị chủ đầu tư chiếm dụng suốt nhiều năm nay khiến chúng tôi gặp vô cùng khó khăn. Sau 4 năm, tòa nhà đã có nhiều biểu hiện xuống cấp cần tiền để sửa chữa nhưng chủ đầu tư mãi không trả. Hàng trăm hộ dân sống trong tòa nhà thường xuyên phải sống trong cảnh khổ cực vì thang máy, máy phát điện, các hạng mục công cộng hỏng hóc” – ông Nguyễn Thạch Toàn, người có vị trí trong ban quản lý cho biết.
Gần đây nhất, tháng 6/2016, người dân tại một khu trung cư cao cấp nằm trên đường Trần Duy Hưng, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội cũng xảy ra tình trạng này.
Được biết, đây là khu chung cư cao cấp được bán với giá trung bình 52 triệu/m2. Với 300 căn hộ được bán ra, diện tích sàn lên tới khoảng 33.000m2 thì số tiền phí bảo trì chung cư theo quy định mà chủ đầu tư phải trả cho người dân là gần 40 tỷ đồng (chiếm 2% giá bán).
Lúc đầu, một công ty đứng ra thu số tiền này, sau khi có ban quan trị của tòa nhà thì sẽ phải bản giao quỹ bảo trì chung cư lại cho ban quan trị.
Tuy nhiên, theo người dân suốt 3 năm qua, chủ đầu tư công trình vẫn chưa chây ỳ, tìm mọi cách không chuyển quỹ bảo trì như theo quy định.
Dân kêu cứu mới chịu bàn giao
Theo quy định của pháp luật, người mua, thuê mua nhà ở và chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, khi tòa nhà bắt đầu được đưa vào hoạt động.
Nghị định 99/2015 cũng nêu rõ chủ đầu tư tòa nhà có trách nhiệm mở tài khoản tại tổ chức tín dụng để nhận tiền phí bảo trì và quản lý theo quy định của pháp luật. Đến khi Ban quản trị chung cư được thành lập và có yêu cầu, chủ đầu tư sẽ phải chuyển khoản số tiền phí bảo trì sang cho Ban quản trị trong thời gian tối đa là 7 ngày, nếu đã quyết toán số liệu, hoặc 10 ngày nếu chưa quyết toán số liệu.
Nếu chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao thiếu, không đúng thời gian quy định, Ban quản trị tòa nhà có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì. Trong vòng 45 ngày, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao phí bảo trì hoặc thực hiện công tác cưỡng chế và chuyển giao khoản kinh phí này cho các Ban quản trị tòa nhà. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, UBND cấp tỉnh phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra, xử lý.
Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư vẫn ngang nhiên vi phạm và cố tình chây ì không chịu bàn giao số quỹ này cho cư dân. Chỉ đến khi cư dân bức xúc quá, kêu cứu các cơ quan chức năng thì chủ đầu tư mới chịu “nhả” khoản tiền này ra. Nhiều chung cư, chủ đầu tư còn cố tình gây khó dễ cho cư dân bằng việc liên tục trì hoãn hội nghị để thành lập BQT vì khi chưa thành lập được BQT, chủ đầu tư sẽ chưa phải bàn giao quỹ bảo trì.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông ngày 11/7, đại diện BQT chung cư Keangnam cho biết, tới nay, phía Keangnam Vina vẫn chưa bàn giao đủ số tiền quỹ bảo trì cho cư dân. Dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng vị này cho biết số tiền Keangnam Vina còn nợ cư dân lên đến hàng chục tỷ đồng.
Các tòa chung cư cao tầng đang mọc lên ngày càng nhiều tại Hà Nội, tuy nhiên nếu không có những quy định cụ thể, cùng với đó là các biện pháp quản lý chặt chẽ và quyết liệt, thì những người dân sinh sống tại các tòa nhà này sẽ còn gặp phải nhiều thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nhà nước cần nhanh chóng xây dựng cơ chế công nhận các ban quản trị nhà chung cư là pháp nhân, bởi đây là nguyên nhân chính dẫn tới sự lép vế của các tổ chức này khi đứng ra đấu tranh với chủ đầu tư.
Theo Nghị định 99/2015, chủ đầu tư tòa nhà có trách nhiệm mở tài khoản tại tổ chức tín dụng để nhận tiền phí bảo trì và quản lý theo quy định của pháp luật. Đến khi Ban quản trị chung cư được thành lập và có yêu cầu, chủ đầu tư sẽ phải chuyển khoản số tiền phí bảo trì sang cho Ban quản trị trong thời gian tối đa là 7 ngày, nếu đã quyết toán số liệu, hoặc 10 ngày nếu chưa quyết toán số liệu. Nếu chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao thiếu, không đúng thời gian quy định, Ban quản trị tòa nhà có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì. Trong vòng 45 ngày, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao phí bảo trì hoặc thực hiện công tác cưỡng chế và chuyển giao khoản kinh phí này cho các Ban quản trị tòa nhà. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, UBND cấp tỉnh phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra, xử lý. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận