Nước ngầm ô nhiễm
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Hoàng Mai, Hà Nội, chiếc bể nước ngầm của nhà chị Nguyễn Thị Phương, gần 2 năm chưa thau rửa, nước cặn đen sì, dính nhớt bám chặt thành bể, bốc mùi hôi tanh.
Chị Phương cho biết, trước giờ toàn thuê người thau rửa bể, không để ý, giờ mới là lần đầu tiên tự tay cọ rửa mới biết bẩn như thế nào. Lõi lọc nước vừa thay 1 tháng đã trong tình trạng bẩn thỉu. Nhà chị Phương không phải ở vùng nông thôn hay thành phố mà ở giữa thủ đô, chỉ cách trung tâm hành chính quận Hà Đông 2km.
Tình trạng tương tự, tại 1 hộ dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, chỉ cần khuấy lên là cả bể nước đen đặc toàn đất bẩn, không còn thấy đáy. Hầu như nhà nào cũng phải lắp đặt hệ thống lọc, gia đình chúng tôi phải dùng 2 hệ thống lọc. “Những lúc quên để 9-10 tháng mới thay quả lọc, coi như cả 3-4 quả lọc và lõi đều bẩn hết, bẩn như bụi đường bám đen kịt”, chủ nhà chia sẻ.
Không chỉ các quận gần trung tâm, những huyện ngoại thành, tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra tương tự.
Ghi nhận của PV tại làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, chỉ cách địa bàn huyện Thanh Trì vài bước chân, thế nhưng dân của huyện Thanh Trì thì có nước sạch, dân làng Hạ Thái thì không.
Do chưa có nước sạch về làng nên gia đình Trần Văn Việt phải mua máy để lọc nguồn nước giếng khoan ngầm lên sử dụng.
Do lọc trực tiếp nguồn bơm ngầm nên những lõi lọc bám đặc màu đất đỏ. Chỉ cần quyệt nhẹ, lớp đất bám trên quả lọc hiện rõ hình những ngón tay.
Anh Việt chia sẻ, lâu nhất khoảng 2 tháng phải thay một lần. Nếu không kịp thay, lõi lọc xuống cấp, đất bùn đỏ au chảy trực tiếp theo nguồn nước ra ngoài, không thể sử dụng được.
"Chưa có nguồn nước sạch, chúng tôi phải dùng nước giếng khoan để tắm rửa, mua nước bình đóng chai 20 lít để nấu ăn. Gia đình tôi cũng như những người dân trong thôn rất mong muốn có một nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn", anh C., bày tỏ nguyện vọng.
Trao đổi với PV, đại diện xã Duyên Thái cho hay, theo khảo sát của địa phương trong thời gian gần đây, nguồn nước ngầm ở khu cụm 2, xóm Bến ngoài có nồng độ asen vượt hơn 330% so với nồng độ cho phép. Cụm 5, xóm Chùa Asen vượt gần 290% so với quy chuẩn.
Giảm dần sử dụng nước ngầm
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, hiện toàn thành phố có 64 cơ sở cấp nước có công suất thiết kế trên 1000m3/ngày đêm. Hầu hết đều là các cơ sở khai thác nước ngầm. Gần 40% các cơ sở khai thác nước ngầm thường xuyên có các chỉ tiêu chất lượng bị phát hiện không đạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
“22 cơ sở vẫn còn chỉ tiêu chất lượng nước chưa đạt tiêu chuẩn đều là các cơ sở sử dụng nước ngầm. Các chỉ tiêu không đạt tập trung vào các chỉ tiêu thứ nhất là cảm quan, như màu, độ đục, sắt, mangan, và thứ hai là chỉ tiêu vệ sinh như pH ngắn hạn, nitric, amoni. Vẫn còn 1 vài cơ sở nhiễm kim loại nặng như asen”, đại diện trung tâm này cho hay.
Đại diện Sở xây dựng HN cho hay, TP Hà Nội mới được bổ cập thêm nguồn nước mặt trong một vài năm gần đây như: Nước mặt sông Đà từ đầu năm 2012, nước mặt sông Đuống từ đầu năm 2019. Nhưng nước mặt mới chỉ thay thế 50% nguồn nước ngầm. Điều đó có nghĩa là khoảng 4 triệu dân Hà Nội vẫn đang sử dụng nguồn nước ngầm chưa đảm bảo.
“Hiện nay, tổng công suất nguồn cấp cho thành phố Hà Nội là 1.520.000m3/ngày đêm, trong đó khoảng 50% các nguồn từ nhà máy nước ngầm, đặc biệt là nhà máy nằm trong khu vực nội thành Hà Nội”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.
Cũng theo Sở Xây dựng, hiện tổng công suất nước cung cấp đạt khoảng 1.065.145m3 một ngày, trong đó nguồn nước ngầm khoảng 629.850m3 một ngày; Nguồn nước mặt sông Đà thuộc Cty CP nước sạch CP đầu tư nước sạch sông Đà cấp khoảng 219.295 m3 một ngày trên tổng công suất nhà máy nước sông Đà giai đoạn 1 là 300.000m3 một ngày. Còn nguồn nước mặt sông Đuống, thuộc Cty CP nước mặt sông Đuống cấp khoảng 150.000m3 một ngày trên tổng công suất, giai đoạn 1 là 300.0000m3 một ngày.
Ngoài hai nhà máy khai thác nguồn nước mặt, việc cấp nước khu vực đô thị còn được giao cho các đơn vị cấp nước chính như Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Cty Hawacom); Cty TNHH MTV nước sạch Hà Đông (Cty nước sạch Hà Đông); Cty CP Đầu tư Xây dựng và kinh doanh nước sạch (Cty Viwaco)…
Hiện TP đã có quy hoạch cụ thể về nước sạch cho nhân dân. Theo đó, mục tiêu đến giai đoạn đến 2025, TP sẽ dừng khai thác nước ngầm tại các trạm xử lý nước ngầm quy mô công suất quá nhỏ, hoạt động không hiệu quả và thay thế bằng nguồn nước mặt từ các nhà máy nước mặt công suất lớn.
Tiếp đến, giai đoạn đến năm 2030, TP sẽ dừng khai thác nước ngầm tại các nhà máy nước ngầm Tương Mai, Pháp Vân, Hạ Đình là nơi có chất lượng nguồn nước ngầm quá xấu (hàm lượng sắt, độ nhiễm bẩn hữu cơ, hàm lượng amoni rất lớn) dẫn đến chi phí sản xuất nước rất cao nếu như yêu cầu nước sau xử lý phải đạt chất lượng theo quy chuẩn.
Cũng đến năm 2030, sẽ dừng hẳn việc khai thác nước ngầm tại các nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam Hà Nội. Giai đoạn đến năm 2050 dừng hẳn việc khai thác nước ngầm khu vực phía Tây Hà Nội. Quy mô khai thác nước ngầm tại các nhà máy tập trung tại khu vực trung tâm, khu vực phía Bắc, khu vực phía Đông Hà Nội giai đoạn 2020, 2030, 2050 giảm dần.
Các nhà máy nước ngầm giảm dần công suất và chuyển thành các trạm bơm tăng áp, nguồn nước dự phòng khi có nguồn nước mặt thay thế và dừng hoạt động từ giai đoạn 2050, Sở Xây dựng cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận