Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội (HAPTA) vừa có văn bản kiến nghị tới Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan về một số nội dung gồm tháo gỡ khó khăn cho DN VTHKCC; phát triển VTHKCC và xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Giao thông Đường bộ.
Tuyến buýt nhanh BRT bị các phương tiện cá nhân bủa vây, lấn làn - Ảnh minh hoạ
Theo đó, HAPTA kiến nghị UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội xem xét điều chỉnh kế hoạch sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho DN hiện đang phải chịu suy giảm sản lượng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tăng tần suất trên tất cả các tuyến VTHKCC, tạo thêm công ăn, việc làm để cải thiện thu nhập cho người lao động.
Cùng đó, kiên trì với chủ trương ưu tiên phát triển VTHKCC, đảm bảo cho người dân được thuận tiện, tiếp cận an toàn và di chuyển bằng xe công cộng nhanh hơn phương tiện cá nhân.
Đáng chú ý, Chủ tịch HAPTA kiến nghị TP cần tiếp tục duy trì đường dành riêng, tăng tần suất cho tuyến buýt BRT và đẩy mạnh các chế tài xử lý, chống các phương tiện khác chiếm dụng làn đường đang diễn ra khá phổ biến như hiện nay nhằm nâng cao năng lực phục vụ.
Đồng thời, tiếp tục phát triển làn đường dành riêng cho xe buýt. Sớm có kế hoạch triển khai 14 tuyến đường dành riêng để khai thác hiệu quả, nâng cao khả năng phục vụ của xe buýt bằng tốc độ xe chạy.
Với các tuyến buýt, BRT, metro, cần tổ chức hệ thống giao thông tiếp cận một cách thuận tiện, an toàn và phải được một tổ chức trực thuộc TP quản lý, vận hành, khai thác.
Bên cạnh các đề xuất nhằm nâng cao năng lực của VTHKCC, HAPTA cũng nêu kiến nghị với Bộ GTVT, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị với Chính phủ để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung luật Giao thông Đường bộ cho hoàn thiện, phù hợp với giai đoạn mới và thông lệ quốc tế.
Về đề xuất xây dựng luật “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ”, Chủ tịch HAPTA cho rằng nếu thực hiện sẽ tạo tiền lệ cho việc phải xây dựng thêm các luật ATGT tương ứng như Đường sắt, Thủy, Hải, Hàng không.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất TP Hà Nội cho phép các phương tiện gồm: Xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường đi chung vào làn BRT để giảm thiểu UTGT trên tuyến.
Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hợp phần xe buýt nhanh BRT 01 từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ theo Hiệp định tín dụng tài trợ cho dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và Hiệp định tín dụng viện trợ của Quỹ môi trường toàn cầu.
Để thực hiện điều chỉnh thí điểm như trên, Sở GTVT kiến nghị với TP Hà Nội có ý kiến thống nhất với WB.
Tuyến buýt nhanh BRT 1 lộ trình bến xe Yên Nghĩa- Kim Mã. Hiện tại, xe buýt BRT chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La- Quang Trung - Lê Trọng Tấn - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. Các đoạn đi hỗn hợp với các phương tiện khác gồm đoạn bến xe Yên Nghĩa - Ba La, đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận