Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện tại, trên địa bàn Thành phố có 29/32 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động với 53/62 dây chuyền kiểm định đang hoạt động, đáp ứng khoảng 76.320 xe/tháng.
Tính đến tháng 9/2024, có 211 đăng kiểm viên đang vận hành 53 dây chuyền kiểm định. Trong số này có 113 đăng kiểm viên bị khởi tố, một số đã bị Tòa tuyên án treo (chiếm tỷ lệ 53%), được tại ngoại đã và đang tham gia hỗ trợ tích cực cho hoạt động kiểm định xe cơ giới).
Theo số liệu của Công an Thành phố, sẽ có 27 trung tâm đang hoạt động sẽ phải dừng hoạt động do thiếu nhân lực. ĐIều này cũng đồng nghĩa với việc toàn thành phố chỉ còn 2 trung tâm đăng kiểm hoạt động với 4 dây chuyền kiểm định (Trung tâm 2908D có 3 dây chuyền, Trung tâm 2933D có 01 dây chuyền).
Từ đây, cơ quan này đề nghị Sở Nội vụ kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép các đăng kiểm viên bị kết án treo được tiếp tục ký hợp đồng lao động có thời hạn làm việc tại Trung tâm kiểm xe cơ giới Hà Nội cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức đăng kiểm viên thay thế.
Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định các hiện tượng liên quan đến tiêu cực đã bị cơ quan điều tra phát hiện trong thời gian vừa qua không còn tái phạm.
Dự báo trong thời gian tới với số lượng phương tiện kiểm định gia tăng, số lượng đăng kiểm viên khởi tố, tuyên án rất lớn trong khi ngành đăng kiểm là ngành nghề đặc thù.
Để có đăng kiểm viên làm việc được đòi hỏi phải mất nhiều thời gian đào tạo nên không thể có ngay được trong khoảng thời gian ngắn (6 năm đối với đăng kiểm viên và 9 năm đối với người có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kể từ thời điểm được đào tạo tại trường đại học.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các địa phương lân cận như: Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên cũng gặp khó khăn như Hà Nội. Do vậy, nếu không tạo điều kiện như nêu trên dễ dẫn đến ảnh hưởng, ùn tắc trong việc đăng kiểm của người dân trên địa bàn Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận