Tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển kinh tế địa phương
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp đơn vị tư vấn vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Định hướng quy hoạch du lịch Ba Vì, Phúc Thọ, Sơn Tây.
4 huyện, thị xã trên cũng sẽ phát triển các khu vực đô thị tập trung theo mô hình TOD, đó là gắn với hình thành hệ thống giao thông hiện đại, thông minh, hạ tầng đô thị đồng bộ, hấp dẫn, thu hút dân cư, đặc biệt là lực lượng lao động trí thức chất lượng cao.
Hằng năm, ngành Du lịch Ba Vì đón khoảng 3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 400 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện đã đón và phục vụ khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch, bằng 61% kế hoạch, doanh thu ước đạt khoảng 205 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch năm 2023.
Phát triển không gian gắn với hình thành các trục quan trọng của Hà Nội gồm: Hành lang sông Hồng, sông Đà, hành lang Quốc lộ 32, và trục Hồ Tây - Ba Vì…
Đề cập đến tính đột phá trong định hướng phát triển, đơn vị tư vấn đề xuất hình thành thành phố du lịch vùng Thủ đô với đô thị Sơn Tây là cửa ngõ, núi Ba Vì là trung tâm. Đây cũng là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị đơn vị tư vấn cần đánh giá đúng thực tiễn, “điểm nghẽn” về cơ chế, thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục hành chính.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt lưu ý các sở, ngành thay đổi tư duy, nhận thức, cách làm, cập nhật đầy đủ hiện trạng phát triển ngành tại các địa phương để đưa ra định hướng phát triển với tầm nhìn dài hạn, sáng tạo, đột phá.
Tiềm năng du lịch Ba Vì
Nằm phía Tây Hà Nội, Ba Vì từ lâu đã được du khách mọi miền đất nước biết tới là nơi “sơn thủy hữu tình”. Núi Ba Vì đươc coi như “núi tổ” của Việt Nam.
Ba Vì sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, được biết đến như cái nôi của tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh. Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nơi đây có những ngôi đình được các nhà nghiên cứu xếp vào loại đình cổ nhất, kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam như: đình Tây Đằng, đình Thụy Phiêu, đình Thanh Lũng…
Vùng đất này có 3 dân tộc chủ yếu sinh sống gồm: Kinh, Mường, Dao với bề dày sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc, như cồng chiêng, hát ru, ném còn của dân tộc Mường; múa chuông, tết nhảy của đồng bào dân tộc Dao.
Bên cạnh bề dày văn hóa mang đậm nét Việt cổ, Ba Vì còn được thiên nhiên ban tặng hệ thống sông, suối, núi, rừng với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, với các danh thắng: Vườn Quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh - Suối Tiên, Ao Vua, Thác Đa, Thiên Sơn-Thác Ngà, Đầm Long - Bằng Tạ, Đồi Cò - Ngọc Nhị.
Đặc biệt, quần thể di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ trên núi Tản Viên là điểm đến của du khách về du lịch văn hóa, bản sắc dân tộc và du lịch tâm linh.
Khai thác tiềm năng, lợi thế, nhiệm kỳ qua, Huyện ủy Ba Vì đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh quy hoạch, phát triển du lịch. Huyện chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng.
“Huyện đã thực hiện việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tại các xã có khu du lịch tích cực giữ gìn môi trường, đảm bảo cảnh quan, an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử thân thiện với du khách.
Đồng thời tăng cường quảng bá bằng việc xây dựng cẩm nang giới thiệu về du lịch Ba Vì; triển khai số hóa du lịch, hướng dẫn viên điện tử và phiên dịch ảo từ 3 - 5 thứ tiếng; lập sơ đồ điện tử, cẩm nang điện tử phim ảnh 3D cho các khu di tích và khu du lịch để đăng tải trên các website...", ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch huyện Ba Vì cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận