Chủ đầu tư các khu đô thị gần các tuyến đường trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp cho hạ tầng |
Bệnh viện di dời vẫn sử dụng cơ sở cũ
Hôm qua (26/12), UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để giảm ùn tắc nội đô là di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị khỏi nội thành. Đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định về lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bất chấp các giải pháp quyết liệt của Hà Nội như: Ngừng xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp... nhưng kết quả đạt được chưa đáng kể.
“Hiện tại, có 8 cơ sở bệnh viện đang thực hiện di dời, trong đó có 2 cơ sở mới đi vào sử dụng (Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết Trung ương). Đáng nói là các bệnh viện này vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội đô”, ông Hùng nói và cho biết, một số bệnh viện đã được phê duyệt quy hoạch khu đất xây dựng bệnh viện mới như: Bệnh viện Mắt Trung ương - Cơ sở 2 tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm; Bệnh viện Phụ sản Trung ương - Cơ sở 2 tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm... Tuy nhiên, toàn bộ các cơ sở bệnh viện sau khi được giới thiệu, thỏa thuận địa điểm mới đều được tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành, không thực hiện bàn giao quỹ đất.
Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội tăng từ 7% (năm 2008) lên gần 9% trong năm 2016, trong đó diện tích đất dành cho giao thông tĩnh từ 3-4%. Tỷ lệ đảm nhiệm vận tải hành khách công cộng tăng từ 7% (năm 2008) lên 14% (năm 2014) và 15% (năm 2015), dự kiến đến hết năm 2016 tăng lên 20% nhu cầu đi lại của nhân dân. |
Tương tự như bệnh viện, các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp cũng kiên quyết “cố thủ” tại nội đô. “Chúng tôi đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc (quy mô 279,5 ha) nhưng đến nay, mới có duy nhất Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện di dời”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay cả số vụ và số điểm ùn tắc giao thông giảm đều các năm. “Nếu như năm 2010, toàn thành phố có 124 điểm ùn tắc, đến năm 2012, con số này chỉ còn 67 điểm. Số điểm ùn tắc trong các năm 2013, 2014, 2015 và 2016 lần lượt là 49, 46, 44 và 41 điểm”, ông Hùng nói và cho biết thêm, mặc dù số tuyệt đối các điểm ùn tắc giảm không nhiều song thực tế mỗi năm, tỷ lệ các điểm ùn tắc được xử lý khá lớn, dao động từ 50 - 70% số điểm mỗi năm.
Tuy nhiên, năm nào cũng phát sinh cả chục điểm ùn tắc mới. Cụ thể, theo ông Hùng, năm 2014, Hà Nội xử lý được 15 điểm thì phát sinh thêm 12 điểm mới. Năm 2015, cũng có tới 9 điểm đen ùn tắc mới phát sinh so với 11 điểm cũ được “xóa sổ”. Đến năm 2016, trong khi thành phố xử lý được 20 điểm trong số 44 điểm ùn tắc của năm 2015, lại phát sinh thêm 17 điểm ùn tắc mới mà nguyên nhân do lưu lượng giao thông lớn, xung đột gây ùn tắc giao thông, do thi công các tuyến đường sắt đô thị.
Xem thêm video:
Trên đường Đê La Thành có nhiều bệnh viện nên thường xảy ra ùn tắc cục bộtrong giờ cao điểm - Ảnh minh họa |
Thu tiền đóng góp hạ tầng của chủ đầu tư các dự án
Liên quan đến các giải pháp kiến nghị trong thời gian tới, bên cạnh việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ ưu tiên các nguồn vốn cho Hà Nội thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, công trình hạ tầng giao thông khung trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là đầu tư các tuyến đường sắt đô thị; Bổ sung vốn cho Bộ GTVT để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố, Hà Nội còn có một đề xuất đặc biệt là thu tiền đóng góp hạ tầng của chủ đầu tư các dự án.
Cụ thể, TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu khoản đóng góp hạ tầng của chủ đầu tư các dự án công trình sử dụng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị chung. “Khoản thu này sẽ được dùng để tạo nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông tĩnh, phát triển vận tải hành khách công cộng với chất lượng dịch vụ cao”, ông Hùng cho biết thêm.
Cùng đó, Hà Nội cũng đề xuất ban hành cơ chế từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số loại phương tiện giao thông cá nhân; Đồng thời, tăng mức phí trước bạ, thu phí giao thông đối với các phương tiện cá nhân lưu hành trên địa bàn các thành phố lớn, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, tạo thêm nguồn thu đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, thời gian qua, Hà Nội và TP HCM cùng các đô thị lớn đang phải đối mặt với nguy cơ ùn tắc và TNGT. Từ đây, Phó Thủ tướng chỉ đạo các thành phố này cần quan tâm đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; tăng cường quản lý Nhà nước trong tổ chức giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, rà soát các tuyến đường, các nút có nguy cơ ùn tắc để có phương án khắc phục.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông cho người dân, tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải khách công cộng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận