Nhiều quyết sách đưa Hà Nội trở thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"
Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1569/QĐ-TTg) mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực...
![Hà Nội định hướng trở thành đô thị "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"- Ảnh 1. Hà Nội định hướng trở thành đô thị "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"- Ảnh 1.](https://baogiaothong.mediacdn.vn/thumb_w/922/603483875699699712/2025/1/27/dji0198-17379747232441165490951.jpg)
Dự án đường sắt Nhổn - Cát Linh. Ảnh: NH.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra định hướng và lộ trình phát triển không gian Thủ đô Hà Nội, trong đó xác định phạm vi, ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Quy mô lập quy hoạch khoảng 3.359,84 km2. Thời hạn quy hoạch trong giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2045; tầm nhìn đến năm 2065.
Quy hoạch đặt ra tầm nhìn đến năm 2065, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là đô thị hiện đại, trung tâm hỗ trợ thúc đẩy liên kết vùng, trung tâm dịch vụ tổng hợp của cả nước, điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn của quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2045 là Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế. Thành phố xanh và sinh thái với sông Hồng là biểu tượng phát triển.
Hà Nội sẽ nâng tầm với nhiều lợi thế
KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội cho rằng việc TP Hà Nội công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đánh dấu một mốc giới quan trọng trong việc lập trình phát triển Thủ đô trong những năm tới.
Bản quy hoạch đã thực hiện với sự nỗ lực rất cao, phát huy trí tuệ nội lực của các tổ chức, đơn vị tư vấn, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, quy hoạch Thủ đô không chỉ quy hoạch mà còn có cả cả quá trình thay đổi về thể chế, nhất là Luật Thủ đô.
Theo ông Thiên, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa, đất văn hiến thì lợi thế này là tuyệt đối. Vì vậy việc quy hoạch của Hà Nội là đánh giá lại tiềm năng, lợi thế trên cách tiếp cận mới, nền tảng mới, định hướng mới cho thấy tầm nhìn của Hà Nội đã khác. Hà Nội mở ra các tuyến, khu vực chức năng căn cứ không chỉ vào yếu tố truyền thống mà định hướng dẫn dắt cho cả vùng, cả Quốc gia và nhập vào xu thế thời đại.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, qua thống kê, trong Luật Thủ đô 2024 có tới 14-15 chính sách đặc thù về quy hoạch; đặc biệt phân cấp, phân quyền cho Hà Nội rất lớn. Có thể nói, trong Luật Thủ đô 2024, công tác quy hoạch là lĩnh vực quan trọng được chú ý. Ông Nghiêm tin tưởng, Hà Nội sẽ sớm được nâng lên một tầm cao mới.
Quy hoạch Hà Nội xác định cấu trúc phát triển đô thị là vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm:
Vùng đô thị phía Nam sông Hồng, gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô lịch sử mở rộng, khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam - Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín.
Vùng đô thị phía Đông gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Vùng đô thị phía Bắc gồm huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (dự kiến hình thành thành phố phía Bắc).
Vùng đô thị phía Tây gồm thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, trong đó có dự kiến hình thành thành phố phía Tây trong tương lai, nâng loại đô thị thành phố Sơn Tây.
Vùng đô thị phía Nam gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, có tính đến nghiên cứu thành phố phía Nam trong tương lai.
Hệ thống đô thị vệ tinh và sinh thái được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận