Bất động sản

Hà Nội dự chi 500 tỷ kiểm định chung cư cũ

08/09/2021, 17:10

Theo đề án cải tạo, Hà Nội dự chi 500 tỷ đồng để kiểm định lại chung cư cũ trên địa bàn.

500 tỷ kiểm định giai đoạn 2020-2025

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ), chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến năm 1994, tập trung tại các quận lõi. Các chung cư cũ đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, độ an toàn.

img

Nhà tập thể cũ ở Thanh Xuân Bắc.

Trên cơ sở viện dẫn, đề án của Hà Nội dự kiến bố trí nguồn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng giai đoạn 2020 - 2025 để kiểm định chung cư, ưu tiên chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ (cấp độ D và C cận D); Sở Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo 3 hình thức: Các chủ sở hữu thống nhất chọn, đấu thầu, Nhà nước trực tiếp đầu tư dự án.

Cải tạo đến đâu kiểm định đến đó?

Chia sẻ với PV Báo Giao thông sáng nay (8/9) KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, kiểm định chung cư đã làm từ nhiều năm nay.

Được biết, trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã thống kê, trên địa bàn thành phố có 1.579 nhà chung cư cũ. Qua kiểm định thực tế 401 chung cư thì có 148 chung cư ở cấp độ B; 245 chung cư cấp C và 8 chung cư cấp D (cấp độ xuống cấp, nguy hiểm cao nhất theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng). Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đề xuất cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Giảng Võ, Thành Công và Ngọc Khánh, đây đều là các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm ở cấp độ đặc biệt, phải di dời gấp (cấp độ D).

"Họ kiểm định ngay cả trong quy hoạch, hiện nay cũng có thể thu thập dữ liệu từ rất nhiều nguồn thậm chí là từ dữ liệu dân cư, dữ liệu y tế... do đó không cần phải kiểm định lại tất cả, cải tạo đến đâu thì kiểm định đến đó", ông nghiêm nói.

Cũng theo ông Nghiêm, ngân sách nhà nước chỉ là một phần, mang tính hỗ trợ. Để đẩy nhanh tiến độ thì cần phải huy động từ nhiều nguồn khác.

Chuyên gia Lê Văn Hoạt cũng cho rằng, Thành phố cần xem xét khoản vốn này bởi bỏ tiền ngân sách ra quá nhiều trong khi chỉ xác định làm vài khu. Nếu 5, 10 năm nữa mới làm các khu khác thì chung cư đó xuống cấp lại đánh giá lại lần nữa. "Theo tôi, chỉ nên khảo sát, kiểm định những khu chung cư có kế hoạch cải tạo gần, không nên dàn trải", ông Hoạt nêu quan điểm.

Còn theo KTS Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, ngoài 3 chủ thể của cải tạo nhà chung cư là Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, cần một yếu tố quan trọng nữa là cộng đồng. Cần gắn lợi ích, quyền, trách nhiệm cộng đồng vào việc cải tạo chung cư cũ; cộng đồng sẽ được hưởng lợi hạ tầng, tiện ích, vườn hoa sau cải tạo... Như vậy, vấn đề giải phóng mặt bằng sẽ tạo được đồng thuận cao hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.