Xã hội

Hà Nội: Ế hai phiên đấu giá, gỗ sưa trăm tỷ sẽ hạ giá?

23/09/2019, 06:37

Dù là cây sưa già, có vân gỗ đẹp, nhưng với tình hình này, nhiều người cho rằng phải hạ xuống ít nhất 2 giá mới có người mua...

img
Gỗ sưa thôn Phụ Chính được cất giữ cẩn thận trong container (Chụp ngày 19/9)

Sau gần 8 tháng chặt hạ, trải qua hai phiên đấu giá bất thành, người dân thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội sẽ họp bàn về “số phận” hai cây sưa đỏ đã được chặt hạ, bảo quản trong container ở đây.

Áp lực của trưởng thôn

Ngày 19/9, PV Báo Giao thông có mặt tại Nhà văn hoá thôn Phụ Chính, xã Hoà Chính (huyện Chương Mỹ) và ghi nhận, container cất giữ hai cây sưa quý vẫn được đóng kín, có người canh gác cẩn thận. Ông Vũ Minh Giới (72 tuổi) cho hay, bà con cứ chia nhau trực trông giữ container gỗ sưa 24/24h, buổi tối thì có thêm sự hỗ trợ của công an xã. Việc trông nom cây sưa và số gỗ sưa này được thực hiện từ năm 2010 đến nay.

Dự kiến trả công 50 nghìn đồng/người/ngày đêm nhưng từ năm 2010 nay, chưa ai được lĩnh một đồng thù lao nào, mà phải đợi bán được cây sưa thì tập thể, cộng đồng dân cư trích tiền từ đó ra để trả công cho mọi người.

Theo ông Giới, thời điểm này, tập thể cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính đang tiến hành bầu trưởng thôn mới, sẽ thay thế Trưởng thôn Vũ Văn Tuyến “xin nghỉ do bận việc gia đình, con cái thoát ly hết”.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính chia sẻ, ông xin nghỉ làm Trưởng thôn vì cảm thấy áp lực. “Từ ngày có chuyện chặt hạ rồi bán cây sưa, tôi thấy rất áp lực. Bởi cây sưa là tài sản của riêng thôn Phụ Chính, xã không can thiệp. Do đó, ngoài việc cắt cử bảo vệ, trông coi, còn phải thống nhất bán sao cho được giá, không bị hớ. Giá trị tài sản gỗ sưa lớn, tôi lại là Trưởng thôn nên nhiều khi, tôi nghe cuộc điện thoại cũng bị nghi kỵ là bắt tay làm giá gỗ sưa với thương lái”, ông Tuyến nói.

Theo ông Tuyến, khi có trưởng thôn mới thì mọi việc bán đấu giá bán số gỗ sưa của thôn Phụ Chính lại được làm lại thủ tục bán đấu giá lại từ đầu.

Hạ giá bán gỗ sưa?

Khuôn viên chùa Phụ Chính có hai cây sưa đỏ. Năm 2010, thương lái đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho mỗi cây. Tháng 10/2018, Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng pháp luật. Ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính chặt hạ hai cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng 550 - 2.000kg và bảo quản trong container. Tại phiên đấu giá ngày 4/7/2019 bất thành và tiếp đó, phiên đấu giá lần hai dự kiến diễn ra vào ngày 11/9 cũng không thành công do không có khách hàng đặt cọc.


Theo ông Vũ Văn Tuyến, phiên đấu giá ngày 11/9 không được mở theo dự kiến vì không có khách hàng đặt cọc. Trước đó, phiên đấu giá ngày 4/7 cũng bất thành vì gỗ sưa không tìm được khách mua.

Cả hai phiên đấu giá, khách đều phải đặt cọc số tiền từ 1,5 - 9,8 tỷ đồng mới được tham gia, như muốn mua gỗ sưa nhóm đặc biệt phải đặt 9,8 tỷ đồng; nhóm 1 phải đặt trước 7,4 tỷ đồng, nhóm 2 là 1,8 tỷ đồng, nhóm 3 là 1,5 tỷ đồng. Giá gỗ sưa tuỳ theo từng nhóm, sẽ từ 15-32 triệu đồng/kg, riêng rễ và gốc nhỏ là 6,5 triệu/kg.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là sau khi phiên đấu giá lần đầu tiên bất thành, thôn Phụ Chính đã họp, thống nhất đẽo vỏ bỏ rác ở gốc sưa, chỉ tính tiền phần lõi cho khách, và vẫn giữ giá bán. Như vậy là so với lần 1, phiên đấu giá lần 2 đã giảm giá gỗ sưa (loại bỏ phần vỏ rác cây sưa).

“Thôn đã nhờ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp Hà Nội lên thông báo bán, thấy Trung tâm thông báo có một người đăng kí mua nhưng sau đó cũng không thấy họ đến đặt cọc”, ông Giới nói và cho hay, người dân ở thôn Phụ Chính, ai cũng mong bán được gỗ sưa. Dự kiến tới đây, tập thể cộng đồng dân cư sẽ tiến hành họp, có thể sẽ thống nhất hạ giá cây sưa để thuận tiện việc bán đấu giá.

Ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính dự đoán, khả năng do giá gỗ sưa hơi cao nên không có người mua. “Về chất lượng đối với cây sưa ở đây thì đảm bảo, thương lái về xem cũng đánh giá là cây sưa này già, có vân gỗ đẹp, nhưng với tình hình này tôi nghĩ có thể hạ xuống ít nhất 2 giá khả năng mới có người mua”, ông Tuyến nhìn nhận.

Tương tự, ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Nghiệp vụ I (Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp Hà Nội) phân tích, buổi đấu giá gỗ sưa của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính đã bị hủy “có thể do khách hàng cho rằng mức giá người dân đưa ra quá cao”.

Theo ông Hoàng, trong nước ít có nhu cầu mua gỗ sưa số lượng lớn, việc tiêu thụ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mà gần đây thị trường này không thu mua gỗ sưa ồ ạt như trước.

Ông Nguyễn Tiến, chủ một xưởng gỗ ở Bắc Ninh cho hay, gỗ sưa là một một trong những loại gỗ có giá trị bậc nhất, chủ yếu để bán cho thương lái Trung Quốc. “Tuy nhiên, giá gỗ sưa hiện giảm nhiều so với hai năm trước, như loại trị giá 20 triệu đồng/kg năm 2017, thì năm 2018 chỉ còn giá 15 triệu/kg. Ngoài ra, không chỉ gỗ sưa, các mặt hàng gỗ khác như gỗ trắc, hương, cẩm... thương lái Trung Quốc cũng không thu mua nhộn nhịp như các năm khác”, ông Tiến nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.