Xã hội

Hà Nội: Giá ship tăng gấp đôi, hàng hoá đình trệ vì cấm xe công nghệ

Hà Nội: Cấm xe công nghệ, giá ship tăng gấp đôi, hàng hoá đình trệ, trong khi khó kiểm soát phòng dịch với shipper tự do.

Giá ship tăng gấp đôi

Sáng 28/7, trong vai khách hàng, PV đặt ship qua ứng dụng AhaMove của công ty AhaMove từ địa chỉ 609 phố Trương Định, Hoàng Mai đến số 35 phố Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội (khoảng cách 3,9 km); hình thức ship siêu tốc.

Sau hơn 10 phút mới có tài xế nhận đơn. Theo thông báo trên app, giá cước tính 35.000 đồng, so với giá cước đang được công khai (23.000 đồng/4km đầu) thì giá báo trên app cao hơn 12.000 đồng, tăng 34%.

img

Shipper bị các cơ quan chức năng xử lý trong thời gian giãn cách xã hội (ảnh Internet).

Cùng cung đường trên, nếu chuyển sang hình thức siêu rẻ thì hết 27.000 đồng. So với giá dịch vụ báo trên website (18.000 đồng/4km đầu) thì vẫn cao hơn 9.000 đồng, tương ứng 33%.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một tài xế AhaMove xác nhận, giá cước đang tăng khoảng 30% so với ngày thường.

Vị tài xế lý giải, do số lượng shipper bị giảm nên giá sẽ tăng. Hơn nữa giá cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời tiết, khung giờ..., không phải riêng do dịch Covid-19.

Một tài xế khác than thở, giá ship thì tăng thật nhưng anh em tài xế không thêm được đồng nào vì chạy đủ chỉ tiêu mới được thưởng. "Giá tăng nhưng khách giảm thì khả năng đạt doanh số khó hơn nên anh em có chạy cố cũng chỉ đạt doanh số chứ không mong được thưởng", tài xế AhaMove chia sẻ.

Cùng cung đường trên, PV đặt ship trên các ứng dụng khác như: Săn ship, Lalamove..., giá cũng tăng hơn cao hơn so với ngày thường.

Sang ngày 29/7, nhiều ứng dụng trong đó có cả Grab, Gojek... đã đóng hoàn toàn. Ứng dụng AhaMove chuyển sang ship nội bộ giới hạn trong địa bàn quận. Trên các hội nhóm tìm shipper tự do, giá tăng cao gấp đôi.

Chị Nguyễn Thị Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngày thường, chị ship quần áo từ số 99 Tân Mai, Hoàng Mai đến 16 Bà Triệu, Hai Bà Trưng (khoảng 4km), chỉ hết 25.000 đồng, thì nay giá tăng 50.000 đồng mới có người nhận.

Tương tự, chị Phùng Thị Huệ phải trả gần 60.000 đồng để ship gấp gói đồ từ 127 Vĩnh Hưng tới Chợ Đại Từ (Hoàng Mai) thay vì hàng ngày chỉ hết khoảng hơn 20.000 đồng.

Để làm rõ thêm nội dung trên, PV đã liên hệ với AhaMove qua số tổng đài 1900.5454... Một giọng nữ nghe máy cho biết, đơn vị tiếp nhận và chuyển cho bộ phận phụ trách, sẽ có người liên hệ lại; nhưng đến nay Báo Giao thông vẫn chưa nhận được phản hồi.

Ông Thế Anh, Giám đốc Công ty Săn Ship xác nhận, giá ship mấy ngày qua đã tăng 20-30%, thậm chí giá ship tự do tăng lên đến 100%.

Theo ông Anh, giá ship tăng thì tăng vậy nhưng không có người chạy. Ngay cả công ty ông cũng đã cho shipper nghỉ theo Chỉ thị 17 của thành phố. "Hiện nay hàng hóa của các shop tồn nhiều không vận chuyển được. Shipper thì gặp nhiều khó khăn vì không có việc làm và tích luỹ. Hy vọng tình trạng trên sẽ sớm được tháo gỡ, cải thiện đời sống anh em shipper và gỡ rối cho doanh nghiệp”, vị này than thở.

Cửa hàng online của chị Thanh Hằng, quận Hoàn Kiếm cũng phải đóng cửa do không tìm được shipper. “Là người bán hàng mùa dịch, rất cần các shipper để hoạt động kinh doanh, nhưng trong bối cảnh thiếu shipper, giá ship tăng cao, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nên đành phải dừng hoạt động", chị Hằng chia sẻ.

Cấm shipper công nghệ: Hà Nội "tư duy ngược"?

Ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên BCH Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định: “Việc cấm ship công nghệ dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng hóa và làm lợi giá cho các shipper tự do và thương buôn”.

Theo ông Minh, trong chuỗi cung ứng của thương mại điện tử, shipper lại là lực lượng nòng cốt trong hệ thống, việc quản lý 10 shipper sẽ dễ dàng hơn so với việc quản lý 100 gia đình, đặc biệt dành cho các hộ gia đình trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly.

Ông Minh cũng cho rằng, Chỉ thị 17 của TP Hà nội được đưa ra chưa tính toán đến tình huống của các shipper, dẫn đến tình huống đổ gãy trong chuỗi cung ứng cũng như câu chuyện “khuyến khích mua hàng online nhưng lại cấm ship công nghệ” dẫn đến hàng hoá ứ đọng, giá ship tăng đột biến, shipper thất nghiệp.

Do đó ông Minh cho rằng, trước mắt, cần thiết lập quy trình đảm bảo phòng dịch khi giao hàng; sử dụng nhiều máy móc hơn để tránh tiếp xúc người với người tại các trung tâm logistics.

Còn để giải quyết tận gốc, lâu dài vừa đáp ứng được vận chuyển lại vừa an toàn phòng dịch, Cơ quan quản lý nhà nước cần những chính sách riêng dành cho shipper, coi họ là lực lượng vận tải thiết yếu. Các doanh nghiệp nên cho các shipper được tiêm phòng dịch trước, có kế hoạch test Covid-19 định kỳ, tập trung các shipper ở trong 1 khu vực.

Các công ty công nghệ nắm rất vững lịch trình của các tài xế, sẵn sàng truy vết lịch trình và trang bị những phương tiện phòng bệnh cần thiết. Bản thân mỗi shipper cũng cần ý thức tự bảo vệ bản thân mình, đảm bảo các biện pháp phòng dịch khi tiếp xúc với người khác, giữ cự ly với khách hàng/shipper khác, khử khuẩn thường xuyên, thanh toán online, nghiêm túc thực hiện tiêu chuẩn phòng dịch.

"Cần nghiêm cấm các shipper nghiệp dư, hoạt động tự do vì lực lượng này rất khó để kiểm soát, dễ dẫn đến trường hợp làm cầu nối cho dịch bệnh”, ông Minh nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.