Tái diễn lấn chiếm vỉa hè làm bãi đỗ xe
Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày giữa tháng 4/2024, tình trạng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường tại địa bàn quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa,… tiếp tục bị chiếm dụng, trở thành nơi đỗ xe, trông giữ xe thu tiền trái phép.
Tình trạng ô tô đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường tái diễn trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội.
Ở đường Trần Duy Hưng, ô tô đỗ ngang dọc lộn xộn ngay trên vỉa hè phía trước Cục tần số vô tuyến điện, trong khi phía đường Lê Văn Lương, bất chấp biển cấm, hàng chục ô tô vẫn đỗ tràn lan vỉa hè trước toà nhà Diamond Flowers.
Thậm chí, khu vực phố Nguyễn Thái Học, vỉa hè, lòng đường bị biến thành điểm trông giữ xe tự phát với giá 50.000 đồng/xe ô tô; 10.000 đồng/xe máy.
Ô tô, xe máy nối đuôi xếp hàng hai, hàng ba từ vỉa hè xuống lòng đường, chỉ để lại duy nhất một lối nhỏ cho xe di chuyển lên/xuống; người đi bộ ra giữa lòng đường để di chuyển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Thường xuyên đi bộ trên đường Phạm Văn Đồng, em Nguyễn Việt Hoàng (21 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại ngữ) bức xúc cho biết: Tình trạng ô tô đỗ trên vỉa hè diễn ra thường xuyên mỗi ngày, để di chuyển, người đi bộ buộc phải lách qua khoảng trống giữa hai hàng xe, hoặc đi bộ dưới lòng đường.
“Cũng có đợt em thấy lực lượng chức năng ra quân xử lý nhưng chỉ được một thời gian, rồi đâu lại vào đấy”, Hoàng nói.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt đỗ xe ô tô trên vỉa hè trái quy định hoặc đỗ xe ở nơi có biển "Cấm đỗ xe" bị phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Trong trường hợp người điều khiển dừng, đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông thì sẽ chịu mức phạt từ 1-2 triệu đồng.
Trong khi đó, bà Lê Thị Loan ( tổ 5 phường Trung Hòa, Cầu Giấy) cho biết, tình trạng ô tô của người dân sinh sống trong khu vực đỗ tràn lan dưới lòng đường đã diễn ra từ lâu, làm hạn chế tầm nhìn của người đi đường là nguyên nhân gây ra không ít vụ va chạm, tai nạn đáng tiếc.
Không chỉ lấn chiếm vỉa hè để đỗ xe, trông xe, nhiều tuyến phố tại Hà Nội như: Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu, Nghĩa Tân, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Khang,... vỉa hè còn bị chiếm dụng trở thành nơi buôn bán, kinh doanh hàng quán.
Thống kê của TP Hà Nội đầu năm 2024 cho thấy, có khoảng 6,2% tuyến đường còn tình trạng lấn chiếm lòng đường, khoảng 22,4% tuyến phố có tình trạng hè phố bị khai thác, sử dụng trái phép để kinh doanh hoặc trông giữ xe.
Về nguyên nhân chưa xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho biết, những năm gần đây, số lượng ô tô gia tăng nhanh chóng tại Hà Nội trong khi các bãi đỗ xe mới được cấp phép rất hạn chế, dẫn đến không đủ đáp ứng nhu cầu người dân.
“Ngoài ra, việc xử phạt vi phạm chưa liên tục, thường xuyên, chế tài chưa đủ răn đe cũng là một nguyên nhân khiến người dân bất chấp quy định tái diễn vi phạm", ông Bình nhấn mạnh.
Bất chấp biển cấm, người dân vẫn ngang nhiên đỗ xe dưới lòng đường, thậm chí, nhiều nơi vỉa hè còn bị chiếm dụng để trông giữ xe trái phép.
Cách nào lập lại trật tự vỉa hè?
Theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, việc xử lý ô tô dừng đỗ trên vỉa hè tại Hà Nội không dễ, do đó cần có kế hoạch dài hơi, thực hiện thường xuyên một cách quyết liệt.
Trước hết, cần dừng việc cho phép khai thác vỉa hè để trông giữ xe ô tô bởi bản chất vỉa hè là đường dành riêng cho người đi bộ, tách biệt với các phương tiện giao thông cơ giới khác, từ đó, mới đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng mở rộng, phát triển hạ tầng giao thông công cộng, đảm bảo quy hoạch xây dựng đô thị tích hợp và hài hòa với các tiện ích để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
“Trong xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè trông giữ xe, đỗ xe trái phép cần kết hợp xử lý trực tiếp và phạt nguội thông qua hệ thống camera giao thông, thậm chí, áp dụng cả biện pháp dán thông báo vi phạm trên xe", ông Tạo nói và cho biết: Song song với xử phạt, cần tăng cường tuyên truyền đến người dân quy định, chế tài xử lý vi phạm để người dân hiểu và chấp hành, từ đó nâng cao ý thức người dân, góp phần xây dựng các tuyến phố văn minh.
Đồng quan điểm, TS Phan Lê Bình cho biết, biện pháp trước mắt là xử lý nghiêm, rộng khắp với tinh thần thượng tôn pháp luật để hình thành ý thức không dám vi phạm ở người dân.
Về lâu dài, theo ông Bình, cần quy hoạch xây dựng các bãi đỗ xe ngầm để đáp ứng nhu cầu của người dân, song song với nghiên cứu có các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng bãi đỗ xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận