UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng đồng bộ 600 nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Nhà chờ xe buýt nhếch nhác, khoảng cách xa gây bất tiện
Ngày 14/1, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên các tuyến đường trung tâm có lượng lớn xe buýt hoạt động như Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Cầu Giấy…, hầu hết các điểm dừng chờ đều đang có dấu hiệu xuống cấp. Nhiều điểm xe buýt “lộ thiên” gây khó khăn cho hành khách trong quá trình tiếp cận.
Chị Vũ Thị An (nhà ở Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Để tiếp cận với điểm chờ xe buýt, chị phải đi bộ gần 1km từ cuối đường Triều Khúc tới điểm xe buýt 521C Nguyễn Trãi. Đáng nói, theo chị An, tại điểm này có gần 20 tuyến xe buýt đi qua nhưng lại không được bố trí hệ thống nhà chờ cho hành khách.
Tương tự, tại các điểm chờ xe buýt trên đường Giải Phóng cũng có khoảng cách khá xa, gây bất tiện cho hành khách. Có những vị trí sát đường sắt, điểm dừng xe buýt chỉ cắm một chiếc biển thông báo tuyến hành trình, hành khách phải đứng ngay dưới lòng đường trong sự lộn xộn, ùn tắc rất nguy hiểm. Theo ghi nhận của PV, cả tuyến đường dài hơn 3km nhưng cũng chỉ được bố trí 5 điểm xe buýt cho hành khách. Trong đó có đến 3 điểm chờ không có mái che, 2 điểm chờ có mái che đều đang xuống cấp, hoen gỉ.
Trên trục đường đê Nguyễn Khoái (đoạn thuộc quận Hoàng Mai) có hàng chục điểm dừng xe buýt chỉ có một cột sắt gắn biển ghi thông tin số hiệu tuyến, lộ trình mà không có mái che. Thậm chí, có điểm dừng được cắm luôn trên mái đê.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, toàn thành phố hiện có 3.775 điểm dừng xe buýt (361 điểm có nhà chờ, chiếm tỷ lệ gần 10%); trong đó, ở 12 quận có 1.329 điểm (340 điểm có nhà chờ, chiếm 25%). Cự ly giữa các điểm dừng ở nội thành trung bình là 630m, ngoại thành 900m.
Đầu tư 600 nhà chờ xe buýt chuẩn châu Âu theo hình thức PPP
Mới đây, để tạo thuận lợi cho hành khách, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng đồng bộ 600 nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức đối tác công - tư.
Theo đó, các nhà chờ xe buýt này nằm trên các tuyến đường đủ điều kiện thuộc phạm vi 12 quận nội thành: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội dự kiến lắp đặt hơn 600 nhà chờ xe buýt, hệ thống nhà chờ được xây dựng theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; sắp xếp bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên dải phân cách giữa các tuyến đường khoa học, đồng bộ, hiện đại, văn minh.
Theo ông Thanh, trong dự án xây dựng, lắp mới 600 nhà chờ xe buýt (trong đó 235 nhà chờ lắp đặt mới, thay thế 365 nhà chờ hiện có theo lộ trình), Hà Nội sẽ lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp phục vụ tra cứu thông tin du lịch kết hợp quảng cáo.
Về cơ chế đầu tư, ông Thanh cho biết, nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và duy tu bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hạng mục công trình trong thời hạn 20 năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.270,9 tỷ đồng. “Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép kinh doanh quảng cáo trên các công trình đã đầu tư gồm: Một phần quảng cáo trên nhà chờ ngoài phần diện tích phục vụ tiện ích theo yêu cầu của thành phố; một mặt biển thông tin quảng cáo trên dải phân cách giữa. Lắp đặt 1.200 cột biển quảng cáo trên hè khu các nhà chờ xe buýt để tự kinh doanh quảng cáo”, ông Thanh cho biết.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình, Giảng viên Trường Đại học GTVT cho biết, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nhà chờ xe buýt của Hà Nội là rất cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt.
“Có nhà chờ xe buýt hành khách sẽ tiếp cận thuận lợi hơn với xe buýt. Đảm bảo cho hành khách sự an toàn, thay vì như hiện tại nhiều điểm dừng xe buýt không có mái che, nhiều hành khách phải đứng dưới lòng đường do chưa bố trí được diện tích ở điểm chờ”, PGS. TS. Bình cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận